Đó là cảnh báo được Viện Phân tích chính sách xung đột (IPAC) có trụ sở tại Indonesia đưa ra trong báo cáo vừa được công bố vào ngày hôm qua (25-10).
Theo IPAC, trong số các quốc gia ở Đông Nam, Philippines nổi lên là nước có nguy cơ cao nhất bởi sự tồn tại của nhóm phiến quân Abu Sayyaf trên đảo Mindanao. Nhóm này thể hiện rõ thái độ trung thành với IS, lãnh đạo của chúng cũng được IS phong làm "tiểu vương" của Đông Nam Á.
Thêm vào đó, nguy cơ các phần tử người Indonesia, Malaysia và Philippines sang Trung Đông chiến đấu cho IS, nay bị thất trận và quay về nước cũng đặt ra thách thức an ninh đáng kể cho Đông Nam Á.
Bà Sidney Jones, người đứng đầu IPAC, nhấn mạnh rằng IS đã tạo đường đi nước bước và sự liên kết giữa các nhóm cực đoan trong khu vực trong suốt hai năm qua.
Có thể kể ra một số tổ chức cực đoan sừng sỏ như Abu Sayyaf, mạng lưới khủng bố Jemaah Islamiah, Jemaah Anshar Khilafah, Ansarul Khilafah, Nhóm Maute và nhóm Các tay súng Hồi giáo tự do Bangsamoro.
Philippines tiếp tục là quốc gia có nguy cơ cao thu hút các phần tử ủng hộ IS đổ về khi tổ chức này sắp sửa bị đánh bật khỏi Iraq và Syria.
"Khi tình hình ở Syria ngày càng trở nên khó khăn cho các tay súng gốc Đông Nam Á, Mindanao có thể là lựa chọn tốt nhất tiếp theo", bà Jones cảnh báo.
Một số báo cáo trước đó cho thấy các phần tử người Indonesia trung thành với IS đã đến chiến đấu trong hàng ngũ của Abu Sayyaf sau khi lãnh đạo của chúng được IS "phong vương".
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein ngày 17-10 cũng đã khuyến cáo rằng các quốc gia Đông Nam Á cần chủ động siết chặt an ninh trước nguy cơ các tay súng IS hồi hương từ Iraq và Syria.