Dự án quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) được công bố vào năm 2002. Hơn 16 năm qua, những nỗi oan ức và bức xúc của người dân nơi đây chưa được xem xét giải quyết một cách thỏa đáng.
Cho đến khi thông tin về chiếc bản đồ quy hoạch khu đô thị này bị thất lạc thì dư luận mới xôn xao, sự việc ngày đang dần được sáng tỏ. Thế nhưng, khi những ngày tết đã cận kề, người dân Thủ Thiêm vẫn đang mòn mỏi chờ đợi phương án giải quyết.
Từ tấm bản đồ thất lạc đến chỉ đạo của Thủ tướng
Khu đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch từng là một bán đảo tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn thuộc quận 2, đối diện trung tâm thành phố. Trong ký ức của nhiều người, Thủ Thiêm là một vùng đất thanh bình, người dân nơi đây hiền hòa, chân chất sống trong những căn nhà nhỏ lọt thỏm giữa vườn cây xanh. Cuộc sống của họ cứ yên bình, lặng lẽ trôi qua.
Thế rồi một ngày, vùng đất này được quy hoạch với kỳ vọng là trở thành trung tâm tài chính, thương mại mang tầm cỡ quốc tế và đô thị đẹp nhất Đông Nam Á.
Để có mặt bằng xây dựng, TP HCM đã mất 10 năm để giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, khoảng 15.000 hộ dân đã di dời để nhường chỗ cho siêu dự án này. Thành phố cũng đã huy động gần 30.000 tỷ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư.
Tuy nhiên, nhiều khu vực dân cư cho rằng, việc quy hoạch và triển khai xây dựng khu đô thị Thủ Thiêm còn nhiều khuất tất nên không chấp nhận di dời. Họ cho rằng đất của mình không thuộc diện tích dự án Thủ Thiêm nhưng vẫn bị thu hồi, không được bồi thường thỏa đáng.
Người dân tìm mọi cách để khiếu nại tố cáo, đặc biệt là những khiếu nại đến ranh quy hoạch liên quan bản đồ gốc của khu đô thị, nhưng mọi thứ vẫn rơi vào im lặng.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm được kỳ vọng là khu đô thị đẹp nhất Đông Nam Á.
Cho đến một ngày đầu tháng 5/2018, tại một cuộc họp báo, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết, bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000 được Thủ tướng phê duyệt từ năm 1996 đã bị thất lạc. Lúc này, những sai phạm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm mới bắt đầu hé lộ.
Sau đó khoảng 1 tuần, tổ đại biểu Quốc hội TP HCM mở cuộc tiếp xúc cử tri tại quận 2 với khoảng thời gian kéo dài liên tục hơn 7 tiếng, chủ yếu xoay quanh việc người dân chất vấn về vấn đề Thủ Thiêm như cưỡng chế thu hồi đất, thu hồi đất ngoài ranh quy hoạch, giá đền bù không hợp lý.
Lần đầu tiên, người ta nhìn thấy các cử tri có mặt đông đủ trong một cuộc tiếp xúc ồn ào, bùng nổ. Những oan sai của người dân, những khuất tất, những đông thái cho là sai phạm của chính quyền được từng cử tri mang ra phân tích, mổ xẻ.
Nhiều tiếng khóc gào uất nghẹn, lời lẽ cay đắng vang lên, có những người mệt mỏi ngất xỉu ngay tại buổi tiếp xúc. Nhưng họ vẫn cố giằng chiếc micro để nói lên những lời thấu tâm can, bức bối bùng nổ sau thời gian dài chịu đựng.
Cũng sau sự kiện chấn động này, ngày 15/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhanh chóng có chỉ đạo giao Thanh tra Chính phủ làm rõ những tố cáo, khiếu nại của người dân liên quan Khu đô thị mới Thủ Thiêm để giải quyết thỏa đáng.
Lời xin lỗi đến từ phía bên kia bờ sông
Sau gần 4 tháng vào cuộc, ngày 7/9, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận rằng UBND TP HCM, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ đã có nhiều sai phạm trong quá trình quy hoạch Thủ Thiêm thể hiện sự buông lỏng quản lý, sử dụng đất. Điều này phá vỡ quy hoạch Thủ tướng phê duyệt, gây ra khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, những sai phạm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) chủ yếu xoay quanh việc thu hồi đất, điều chỉnh ranh quy hoạch và bố trí đất tái định cư, xảy ra trong giai đoạn đầu thực hiện dự án.
"Khiếu nại của người dân về ranh quy hoạch đối với 4,3 ha thuộc Khu phố 1 (phường Bình An, quận 2), nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm là có cơ sở", kết luận thanh tra nêu rõ trường hợp này.
Thanh tra Chính phủ kết luận rằng, TP HCM cần rà soát từng trường hợp khiếu nại cụ thể, đặc biệt là các hộ trong khu vực 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch thuộc Khu phố 1, phường Bình An, quận 2 để bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phù hợp sớm chấm dứt khiếu nại...
Chánh văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan thay mặt TP xin lỗi người dân Thủ Thiêm.
Người dân Thủ Thiêm trình bày bức xúc trong một lần tiếp xúc đoàn đại biểu Quốc hội.
Ngày 21/9, sau 2 tuần có kết luận thanh tra, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến thay mặt UBND TP HCM chủ trì, tổ chức buổi họp báo tại trụ sở, nhận trách nhiệm trước Chính phủ, xin lỗi người dân thành phố vì đã thực hiện không đúng quy hoạch Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt.
Bên cạnh đó, thành phố cam kết xây dựng chính sách bồi thường thỏa đáng cho người dân Thủ Thiêm cũng như xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan, "sai phạm đến đâu xử lý đến đó" theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
"Thành phố chân thành xin lỗi nhân dân thành phố, nhất là các hộ dân bị ảnh hưởng tại khu vực 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch không thuộc Khu phố 1, phường Bình An, quận 2 đã chịu nhiều thiệt thòi, tổn thất, vất vả trong cuộc sống nhiều năm qua...", Chánh văn phòng UBND TP HCM, ông Võ Văn Hoan đọc lời xin lỗi người dân Thủ Thiêm.
Phía bên kia bờ sông, người dân vẫn đang ngóng chờ một phương án giải quyết.
Ngay sau cuộc họp đó, TP HCM cũng cho biết đã thành lập 2 tổ công tác ở cấp thành phố và chính quyền quận 2 nhằm triển khai giải quyết các khiếu nại liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án Thủ Thiêm.
Người đứng đầu UBND TP HCM, ông Nguyễn Thành Phong cũng 3 lần tiếp xúc với người dân Thủ Thiêm để đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con.
Ba cuộc đối thoại của người đứng đầu UBND TP HCM
Ngày 18/10, Chủ tịch UBND TP HCM, ông Nguyễn Thành Phong lần đầu có buổi tiếp xúc với 30 hộ dân đại diện cho những người dân thuộc 4,3 ha (khu phố 1, phường Bình An) được Thanh tra Chính phủ kết luận nằm ngoài ranh quy hoạch. Tại đây, ông Nguyễn Thành Phong thay mặt chính quyền thành phố lần đầu trực tiếp gửi lời xin lỗi đến người dân Thủ Thiêm.
“Một lần nữa, thay mặt chính quyền TP HCM các thời kỳ, tận đáy lòng mình tôi chân thành xin lỗi người dân Thủ Thiêm về sai sót hạn chế trong quá trình thực hiện quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, về những khốn khó người dân Thủ Thiêm phải gánh chịu.
Tôi cũng xin được chia sẻ về những hy sinh của các gia đình vì sự phát triển của thành phố mà phải rời khỏi nơi ở của mình. Tôi rất xin lỗi!”, ông Nguyễn Thành Phong bộc bạch. Chủ tịch UBND TP HCM cũng đề ra những phương án chính sách giải quyết để lấy ý kiến của bà con.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong có 3 lần tiếp xúc với người dân Thủ Thiêm.
Sau đó, người đứng đầu UBND TP cũng có 2 buổi gặp tiếp xúc với đại diện các hộ dân khác thuộc 5 phường: Bình An, Bình Khánh, An Khánh, Thủ Thiêm và An Lợi Đông được xác định nằm trong ranh quy hoạch. Tại buổi làm việc, chính quyền được cho là nhằm mục đích lấy ý kiến của người dân để hoàn thiện chính sách bồi thường.
Tuy nhiên, các hộ dân đã yêu cầu lãnh đạo thành phố phải trả lời trực tiếp vào các nội dung khiếu kiện của họ, đồng thời đề nghị nhanh chóng xử lý hình sự các tổ chức, cá nhân các thời kỳ đã gây ra những sai phạm ở Thủ Thiêm.
”Bất kỳ một người dân nào nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm mà không có quyết định thu hồi đất mà lấy đất của người ta là phạm tội hình sự. Tất cả các văn bản đều thể hiện người nào làm sai thì phải kiểm điểm, kỷ luật người đó”, ông Cao Thăng Ka (người dân phường Bình Khánh, quận 2) đã đặt thẳng vấn đề.
Bên cạnh đó, nhiều hộ dân khẳng định không chỉ có khu đất 4,3 ha (khu phố 1, phường Bình An) nằm ngoài ranh quy hoạch mà còn phần đất của 5 khu phố, 3 khu dân cư khác cũng trong tình trạng này. Với những chất vấn này, ông Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố sẽ ghi nhận và báo cáo những ý kiến của người dân lên Thanh tra Chính phủ và Trung ương.
Những nỗi băn khoăn khi ngày tết cận kề
Gần đây nhất, ngày 8/1, tại cuộc họp báo đầu năm mới, Bí thư Thành ủy TP HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, người dân Thủ Thiêm không thể quay trở về chỗ cũ định cư. Bởi khu đất 4,3 ha (khu phố 1, phường Bình An, quận 2) mặc dù không nằm trong ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng nằm trong quy hoạch giao thông của khu đô thị này.
Tuy nhiên, người đứng đầu Thành ủy TP HCM cho biết sẽ đề ra 3 phương án để giải quyết. Trong đó, một số chung cư được xây dựng nhằm mục đích trong khu vực 4,3 ha nói trên sẽ dành một phần cho việc tái định cư.
Người dân muốn quay về chỗ cũ sẽ được sắp xếp sinh sống tại đây. Ngoài ra, người dân còn có 2 lựa chọn khác đó là nhận hoán đổi nền đất cách khu vực cũ khoảng 2km hoặc nhận chung cư khác ngoài Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, chính quyền quận 2 đã gửi giấy mời cho 321 hộ dân nằm trong khu 4,3ha ngoài ranh quy hoạch để bàn về phương án giải quyết.
"Khoảng 85% của 321 hộ tới. Quận 2 đã cử cán bộ tiếp dân, lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng của người dân. Trong 1 tháng làm việc, 85% số hộ dân này đồng ý với các phương án mà thành phố đã đưa ra" – ông Nhân cho biết quận 2 đang hoàn thiện báo cáo để trình lên thành phố.
Ngoài ra, Bí thư Thành ủy TP HCM cũng cho biết thành phố cũng đang tiến hành các bước để giải quyết cho những hộ dân ngoài khu 4,3 ha, chú trọng ý kiến đồng thuận của người dân.
Có người dân Thủ Thiêm nói: "Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ba vẫn hỏi: Nhà tôi đâu?"
Liên lạc qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Lung (59 tuổi, đại diện cho nhiều hộ dân nằm trong khu đất 4,3 ngoài ranh quy hoạch) cho biết, gia đình ông phải chuyển xuống quận 9 sinh sống. Tuy nhiên, ngày nào, người đàn ông 59 tuổi cũng chạy về quán cà phê nhỏ ở quận 2, gặp gỡ những người xóm giềng cũ, cùng cảnh ngộ với mình để tâm sự chia sẻ.
"Khiếu kiện cũng đã kéo dài quá lâu rồi. Hơn 20 năm đi kiện tụng, ai sẽ đền bù cho chúng tôi? Người dân Thủ Thiêm chỉ mong được chính quyền giải quyết thỏa đáng sớm để có thể ổn định cuộc sống.
Chúng tôi cũng mong muốn các cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm, gây ra nỗi khổ cho người dân Thủ Thiêm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, đề nghị xử lý nghiêm", ông Lung nói bằng chất giọng trầm ngâm, buồn bã.
Người đàn ông nhớ lại những cái tết bình dị, ấm áp những ngày đã xa. Giờ đây dân Thủ Thiêm nhiều người ly tán tha phương, có người đã chết khi mòn mỏi chờ đợi câu trả lời từ chính quyền.
"Giấc mơ của Thủ tướng về cuộc sống an cư lạc nghiệp cho người dân Thủ Thiêm đã không thành hiện thực... Chúng tôi đi khiếu nại khi tóc còn xanh, giờ thì đã chuyển thành bạc trắng hết rồi. Lãnh đạo thành phố phải giải quyết nhanh chóng để trả lại quyền lợi cho người dân", ông Nguyễn Ngọc Xuân (người dân phường An Khánh, quận 2) chia sẻ.
Bà Trần Thị Mỹ (77 tuổi) cho biết, gia đình bà từng sinh sống tại phường An Khánh, quận 2 cho đến khi bị giải tỏa với giá rẻ mạt. Bà đã trải qua thời gian khiếu kiện quá dài, mái tóc trên đầu cũng đã đổi màu. Mười mấy năm ròng, bà cùng nhiều người dân Thủ Thiêm gửi hàng trăm đơn và gõ cửa hàng chục lãnh đạo, ra tận Trung ương chỉ mong một ngày được trả lại công bằng.
“Nhiều người nói tôi đi khiếu nại khi tóc còn xanh mà bây giờ nhìn xem tôi đã bạc trắng. Tôi phải nói vì không muốn một Thủ Thiêm đau thương đến với thế hệ con cháu mai sau”, bà Mỹ nhắc lại câu phát biểu của bà trong một lần tiếp xúc lãnh đạo thành phố.