Người phát ngôn Taliban Zabihullah phát biểu tại cuộc họp báo ở Kabul ngày 17/8. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley ngày 1/9 cho rằng, quân đội Mỹ “có thể” phối hợp với Taliban để ngăn chặn các mối đe dọa khủng bố từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tuyên bố của ông Milley được đưa ra trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi Mỹ hoàn thành việc rút quân khỏi Afghanistan, với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.
Trong khi đó, Bộ trưởng Lloyd Austin có những tuyên bố thận trọng hơn:
“Trong tương lai, một lần nữa, tôi không muốn đưa ra bất kỳ dự đoán nào. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo vẫn để mắt đến IS và tìm hiểu mạng lưới đó, vào thời điểm thích hợp, chúng tôi sẽ buộc họ phải chịu trách nhiệm về những gì họ đã làm”.
Mối đe dọa từ các nhánh của IS ở Trung Đông, với vụ tấn công gần khu vực sân bay Kabul vào tuần trước có thể buộc Mỹ và đồng minh tính toán lại cách tiếp cận chính trị và quân sự trong khu vực, bao gồm hợp tác với Taliban.
Đề cập khả năng hợp tác với Taliban trong một số lĩnh vực nhưng nhiều nước khẳng định sẽ không vội vã chính thức công nhận Taliban là chính quyền mới tại Afghanistan.
Giám đốc điều hành châu Á- Thái Bình Dương của Ủy ban châu Âu Gunnar Wiegand nhấn mạnh:
“Chắc chắn các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và G7 đều khẳng định sự cần thiết phải hợp tác với Taliban, thảo luận với Taliban và tác động đến Taliban, tận dụng các đòn bẩy sẵn có.
Tuy nhiên EU không vội vàng công nhận Taliban là chính quyền mới tại Afghanistan, cũng như không thiết lập quan hệ chính thức.
Cần phải có một kế hoạch nghiêm ngặt, có điều kiện liên quan đến việc thực thi cam kết của Taliban để cho phép những người Afghanistan muốn sơ tán an toàn và không trả đũa chống lại những người hợp tác với nước ngoài hoặc chính phủ cũ”.
Rút quân khỏi Afghanistan nhưng rõ ràng các nước đều đang rất quan tâm đến tương lai của quốc gia Nam Á này, trước hết về 3 vấn đề: Chống khủng bố, khủng hoảng nhân đạo và kho tài nguyên thiên nhiên quý giá.
Trước hết, lợi ích của thế giới là đảm bảo một Afghanistan ổn định, không trở thành thiên đường cho những kẻ khủng bố như khi Taliban nắm quyền từ năm 1996 đến 2001.
Thứ hai, các cường quốc phương Tây cũng đang lo ngại với một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Afghanistan, với làn sóng di tản đến các quốc gia khác có thể tái diễn các cuộc khủng hoảng di cư trong quá khứ.
Và tất nhiên, một số quốc gia có lợi ích thương mại trong trữ lượng khoáng sản ước tính 3 nghìn tỷ đô la ở Afghanistan bao gồm vàng, đồng và lithi.
Để đảm bảo lợi ích của mình tại Afghanistan, các nước khó có lựa chọn nào khác ngoài hợp tác với chính quyền mới tại Afghanistan.
Vì vậy phần lớn thế giới đang theo dõi xem Taliban hình thành chính phủ kiểu gì và hoạt động ra sao để có thể chính thức công nhận.
Cách Taliban tôn trọng các cam kết quốc tế, tôn trọng các quy tắc cơ bản của dân chủ và pháp quyền, với ranh giới lớn nhất là tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là quyền của phụ nữ đang là những điều kiện tiên quyết mà nhiều nước đặt ra để Taliban có sự ủng hộ.
Rõ ràng với một nền kinh tế Afghanistan phụ thuộc vào viện trợ và chi tiêu nước ngoài, tiền mặt cạn kiệt, giá cả tăng nhanh cùng với lo ngại về nạn đói, dịch bệnh lan rộng, phương Tây đang hy vọng “đòn bẩy đo bằng dollar” có thể thay đổi phần nào cách tiếp cận cứng rắn bấy lâu nay của Taliban.