Trang Global Times cho biết, mới đây, Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã hoàn thành và chuẩn bị bàn giao giàn khoan dầu khí ngoài khơi lớn nhất dành cho thị trường nước ngoài tại một cơ sở sản xuất ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Giàn khoan Marjan này là một trong những giàn khoan khai thác dầu khí ngoài khơi lớn nhất thế giới, sẽ hỗ trợ sản xuất dầu mỏ ở mỏ dầu Marjan của Ả Rập Xê - út.
Giàn khoan này có trọng lượng hơn 17.200 tấn, được thiết kế để thu gom và vận chuyển dầu khí ngoài khơi về đất liền để xử lý. Đây là một hệ thống phức tạp với mạng lưới đường ống, hệ thống xử lý hóa chất và hệ thống kiểm soát hoạt động. Nền tảng có thể thu gom và vận chuyển 24 triệu tấn dầu thô và 7,4 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, đạt công suất khai thác hàng đầu thế giới.
Giàn khoan này nặng hơn 17.200 tấn, diện tích bằng 15 sân bóng rổ, cao hơn tòa nhà 24 tầng. Sau 34 tháng thi công, giàn khoan chuẩn bị được bàn giao chính thức và sẽ được vận chuyển bằng tàu chở hàng lớn đến khu vực lắp đặt cách đó 6.400 hải lý vào cuối tháng 8.
Việc bàn giao giàn khoan khổng lồ này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Ả Rập Xê - út đang tăng cường hợp tác năng lượng.
Trên thực tế, Ả Rập Xê – út là nước đã có hơn 70 năm kinh nghiệm trong xây dựng và vận hành giàn khoan dầu khí. Theo Trang Aramco Life, giàn khoan đầu tiên cảu Ả Rập Xê – út được vận hành vào năm 1951. Từ đó đến nay, Ả Rập Xê – út liên tục xây dựng và vận hành thêm nhiều giàn khoan dầu mỏ. Hiện nay, Ả Rập Xê – út là nhà khai thác dầu thô lớn thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Nga.
Dù đã có hơn 70 năm kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành giàn khoan nhưng để xây dựng ra giàn khoan lớn hàng đầu thế giới thì cần rất nhiều công nghệ hiện đại. Trong khi đó, Trung Quốc được biết đến là quốc gia có nhiều công nghệ để xây dựng giàn khoan lớn nhất thế giới. Các giàn khoan ngoài khơi khổng lồ mà Trung Quốc xây dựng được có thiết kế phức tạp và quy mô lớn hơn so với nhiều giàn khoan hiện có của Ả Rập Xê - út.
Trang Bastille Post cho biết, giàn khoan Marjan được xây dựng với nhiều công nghệ tiên tiến. Ông Lưu Cân Thái, phó giám đốc dự án Marjan của Công ty Kỹ thuật Dầu khí Trung Quốc cho biết: "Đường ống dẫn dầu thô 36 inch sử dụng công nghệ phủ lớp bên trong được sản xuất trong nước, có khả năng chịu đựng mức độ hydrogen sulfide cao và đảm bảo an toàn lâu dài lên đến 25 năm."
Hệ thống ống dẫn thiết yếu của giàn khoan trải dài 33.000m, bao phủ toàn bộ cấu trúc và được hỗ trợ bởi 35 thiết bị tiếp nhận để đảm bảo hoạt động lâu dài và an toàn.
Ông Lưu nhấn mạnh rằng, để quản lý khối lượng lớn các thành phần nặng khoảng 20.000 tấn cùng hàng nghìn vật liệu và thiết bị khác nhau, đội ngũ dự án đã phát triển một nền tảng quản lý trực quan số . Nền tảng này cho phép quản lý và kiểm soát toàn bộ quy trình thông qua mô phỏng kỹ thuật số và công nghệ "twin" (bản sao kỹ thuật số, đồng bộ giữa không gian thực và không gian mạng) . Việc ứng dụng nền tảng quản lý thông minh này giúp theo dõi vật liệu xây dựng và quá trình thi công theo thời gian thực, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý dự án một cách đáng kể.
Theo đó, giàn khoan Marjan là một cơ sở sản xuất ngoài khơi phức tạp bao gồm mạng lưới đường ống tinh vi, hệ thống xử lý hóa chất tiên tiến và hệ thống kiểm soát vận hành.
Saudi Aramco, công ty dầu khí nhà nước Arab Saudi, đã thông báo kế hoạch triển khai giàn khoan Marjan tại vùng biển nước này. Giàn khoan sẽ đóng góp lớn vào mục tiêu tăng sản lượng hàng năm của mỏ dầu Marjan lên đáng kể.