Không phải vì Nga, đây mới là nguyên nhân chính khiến Mỹ "đi không được, ở không xong" tại Syria

Ngọc Anh |

Cây viết Doyle McManus của thời báo Los Angles phân tích tình thế "tiến thoái lưỡng nan" hiện nay của Mỹ tại Syria.

Tuần trước, các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn tại Syria đã đánh bật lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ra khỏi "thủ đô" của chúng là Raqqah. Đây là một chiến thắng lớn sau 3 năm chống lại một lực lượng mà cả phương Tây e dè. Nhưng thật đáng kinh ngạc, chiến thắng này hầu như không được tung hô hay kỷ niệm. Tổng thống Trump không đưa ra tuyên bố chính thức nào về thành công này.

Một phần lý do của sự lặng lẽ này là vì cuộc chiến chống lại IS không còn là nhiệm vụ chính nữa rồi. Chính quyền của ông Trump đã tuyên bố một cuộc chiến lớn hơn ở Trung Đông, lần này là chống lại Iran.

Vào ngày 13/10, ông Trump cáo buộc: "Iran vẫn là nước tài trợ hàng đầu cho khủng bố. Nếu chúng ta càng phớt lờ mối đe dọa này, nó sẽ càng trở nên nguy hiểm".

Tổng thống Trump nói rằng Mỹ sẽ tăng cường các nỗ lực chính trị, kinh tế, quân sự để thực hiện mục tiêu ngăn chặn Iran mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông.

Nhưng vấn đề là ở chỗ: Chính quyền Trump thực sự không biết làm thế nào để hoàn thành mục tiêu đó. Tác giả McManus cho rằng, cũng có thể ông Trump đã có cách, nhưng đến lúc này chưa ai được biết.

Mặc dù Nhà Trắng đã đưa ra "Chiến lược mới về Iran" vào tháng này, nhưng tài liệu dài 4 trang đó hầu như chỉ là liệt kê các vấn đề của Mỹ với Iran, chứ không có mô tả cụ thể về những hành vi sai trái của Iran hay hậu quả của những hành vi đó.

Ông James F. Jeffrey, một cựu quan chức cấp cao trong chính quyền tổng thống George W. Bush, từng cố vấn cho các trợ lý của ông Trump, đánh giá rằng: "[Trump] chẳng có kế hoạch chiến lược nào cả. Cũng không có nguyên tắc tổ chức".

"Trump đã thách đấu tay đôi với Iran, nhưng ông ấy lại không có súng", Jeffrey nói.

Ở Syria, Iran đã thể hiện sức mạnh của mình. Theo tác giả McManus, chính quyền Damascus của ông Bashar Assad phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ về kinh tế và quân sự của Iran. Thậm chí các quan chức quốc phòng Mỹ còn cho rằng hầu hết lực lượng đang chiến đấu cho ông Assad trong cuộc chiến Syria là được Iran chỉ đạo, chứ không phải các đơn vị của Quân đội Syria.

Không phải vì Nga, đây mới là nguyên nhân chính khiến Mỹ đi không được, ở không xong tại Syria - Ảnh 1.

Lực lượng do Iran chỉ đạo chiến đấu cho ông Assad tại Syria. Ảnh: Reuters

Tình hình chiến trường cho thấy lực lượng của ông Assad và những đồng minh của Iran đang thắng thế. Chính phủ Syria đang dần củng cố sự kiểm soát hầu hết miền Tây Syria. Giờ đây, khi IS đang sụp đổ, lực lượng này cũng đã bắt đầu tiến về miền Đông Syria.

Tuần trước, lực lượng do Iran hậu thuẫn đã di chuyển vào thị trấn Mayadeen phía Đông Nam Raqqah. Thị trấn này là nơi lực lượng đối lập do Mỹ hậu thuẫn cũng đã hy vọng sẽ chiếm lại được từ tay IS.

Khu vực Mayadeen quan trọng vì hai lý do: Nó là điểm biên giới với Iraq và nó ở gần một giếng dầu lớn - mà dầu mỏ vốn là một chiến lợi phẩm lớn của chiến tranh.

Syria: Người Mỹ có nên tiếp tục ở lại?

Vào thời điểm này, chính phủ của ông Trump đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: Liệu Mỹ có nên tiếp tục tổ chức huấn luyện, cung cấp vũ khí và hỗ trợ không quân cho lực lượng nổi dậy ở Syria (những người đã chiếm Raqqah,) trước nguy cơ lực lượng này sẽ xung đột không chỉ với quân chính phủ Syria mà còn cả với Iran và Nga?

Chính quyền ông Trump cũng sẽ cần phải quyết định xem có nên giữ nguyên hàng trăm cố vấn quân sự người Mỹ ở lại Syria hay không. Lực lượng nổi dậy, tất nhiên, đã tuyên bố rằng họ hy vọng người Mỹ sẽ ở lại "trong hàng chục năm tới", theo thông tin từ Nhà Trắng.

Rút hết các cố vấn khỏi Syria đồng nghĩa với việc Mỹ rút lại sự hỗ trợ cho một lực lượng mà chính Mỹ đã tổ chức, huấn luyện và, mới tuần trước thôi, còn ca ngợi vì sự dũng mãnh của họ trong chiến trận.

Ông Frederic C. Hof, cựu quan chức Bộ Ngoại giao, người đứng đầu Trung tâm Rafik Hariri nghiên cứu Trung Đông, hiện làm việc tại Viện Nghiên cứu Chính sách cận Đông ở Washington, nhận định: "Nếu muốn nghiêm túc chống lại Iran, Mỹ phải ở lại [Syria]".

Tuy nhiên, vấn đề là các cố vấn của Mỹ đã được triển khai để giúp quân nổi dậy Syria chống lại IS, chứ không phải là tham gia vào một cuộc nội chiến ở đất nước này.

Ông Jeffrey gợi ý một giải pháp thay thế, đó là Mỹ liên minh mạnh hơn với Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi, Israel và các nước khác trong khu vực để hỗ trợ lực lượng nổi dậy Syria và kiềm tỏa Iran.

"Điều chúng ta cần làm là hình thành một liên minh ngăn chặn sức mạnh của Iran", Jeffrey nói.

Cho tới lúc này, chính quyền của ông Trump dường như chưa lựa chọn cách làm nào để thực hiện lời tuyên bố ngăn chặn Iran.

Các nhà phân tích đã đề cập tới kịch bản xấu nhất là Mỹ cứ tiếp tục tại Syria mà không có một kế hoạch rõ ràng. Và đó là điều chính xác đã xảy ra ở Iraq sau thắng lợi quân sự năm 2003 của Mỹ tại đây. Các quan chức quốc phòng Mỹ thậm chí đã "sáng tác" ra một thuật ngữ mới để gọi chiến thắng hồi đó tại Iraq, đó là "thành công thảm họa".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại