Không phải túi nilon, đầu lọc thuốc lá mới là thứ gây ô nhiễm nhất và không thể ngăn ung thư

Tiến Thanh |

Nhiều người cho rằng ống hút và túi nilon mới là những thứ gây ô nhiễm nhất. Tuy nhiên, thực tế có một thứ còn ô nhiễm hơn cả, đó là đầu lọc thuốc lá.

Không phải túi nilon, đầu lọc thuốc lá mới là thứ gây ô nhiễm nhất và không thể ngăn ung thư - Ảnh 1.

Sau khi hút thuốc lá, tàn thuốc bao gồm đầu lọc nhựa thường bị vứt bừa bãi. Có thể coi đầu lọc thuốc lá là loại rác được xả nhiều nhất trên thế giới. Elizabeth Smith, một chuyên gia nghiên cứu chính sách kiểm soát thuốc lá thuộc Đại học California, San Francisco (UCSF) cho biết: "Nhiều người hút thuốc lá cho rằng các đầu lọc được làm bằng vật liệu phân hủy sinh học".

Mặc dù vậy, trên thực tế, đầu lọc thuốc lá thường làm từ cellulose acetate, một loại nhựa vô cùng độc hại có thể mất đến 1 thập kỷ mới phân hủy được.

Nhận thức được sự nguy hiểm của đầu lọc thuốc lá, Liên minh Châu Âu (EU) đã ban hành một số quy tắc mới áp dụng trong ngành công nghiệp thuốc lá. Theo đó, các hãng sản xuất thuốc lá phải đóng góp vào quỹ để dọn sạch đầu lọc thuốc ở mọi nơi. Đây là một phần trong sáng kiến của EU nhằm giảm thiểu nhựa dùng một lần.

Nếu không giải quyết được đầu lọc thuốc lá, đó sẽ là một vấn nạn vô cùng khủng khiếp

Theo CNN, ước tính có khoảng 6 ngàn tỷ điếu thuốc lá được sản xuất ra mỗi năm và có hơn 90% trong số chúng chứa đầu lọc nhựa. Như vậy sẽ có khoảng 1 triệu tấn nhựa sản sinh ra từ thuốc lá.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), xả tàn thuốc và đầu lọc xuống đất là một trong những hình thức xả rác phổ biến nhất trên thế giới. Có khoảng 2/3 số đầu lọc bị vứt một cách bừa bãi và vô trách nhiệm. Chúng thường bị giẫm nát trên vỉa hè, sau đó trôi xuống cống thoát nước và ra sông, suối, đại dương.

Không phải túi nilon, đầu lọc thuốc lá mới là thứ gây ô nhiễm nhất và không thể ngăn ung thư - Ảnh 2.

Tổ chức Bảo tồn Đại dương có trụ sở tại Washington DC cho biết, đầu lọc thuốc là loại rác được tìm thấy nhiều nhất trong mỗi chuyến dọn dẹp biển hàng năm kể từ năm 1986. Các tình nguyện viên của tổ chức khẳng định đã dọn dẹp được khoảng 60 triệu đầu lọc từ đó tới nay.

Điều đáng nói là đầu lọc thuốc lá có thể "đầu độc" lên hệ sinh thái đại dương mà chúng ta không hề hay biết. Khi đầu lọc bị phân rã, chúng sẽ giải phóng tất cả các chất ô nhiễm đã hấp thụ trong khói thuốc trước đó, bao gồm nicotine, asen và chì vào trong môi trường nước.

Những chất độc hại này sẽ theo đường nước và đi vào trong cơ thể nhiều loài sinh vật biển như cá, mực,… và sau đó lại tới bàn ăn của con người.

Thomas Novotny, giáo sư chuyên nghiên cứu về sức khỏe toàn cầu tại Đại học San Diego tiết lộ, những con cá sau khi được thả vào trong nguồn nước có chứa đầu lọc thuốc lá đã chết gần một nửa sau 4 ngày. Kết quả này càng cho thấy sự độc hại của đầu lọc thuốc lá.

Giải pháp nào để thay thế đầu lọc thuốc lá?

Khói thuốc lá chứa khoảng 250 hóa chất độc hại, bao gồm kim loại nặng, asen và polonium-210, một chất phóng xạ nguy hiểm thường được sử dụng để ám sát. Ngoài ra, có tới 69 hóa chất được coi là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ung thư.

Nhằm giải quyết những nỗi lo liên quan đến bệnh tật hay ung thư phổi, các nhà sản xuất đã chế tạo ra đầu lọc thuốc lá từ những năm 1950. Tuy nhiên, đến giữa những năm 1960, các nhà nghiên cứu lại phát hiện thấy, đầu lọc đã loại bỏ các hóa chất như tar và nicotine. Đây là hai hóa chất tạo ra sự thỏa mãn và tính gây nghiện cho người hút thuốc.

Đó là nguyên nhân dẫn tới việc các hãng sản xuất thuốc lá vẫn quyết định giữ lại đầu lọc nhưng thiết kế để chúng khó lọc nicotine hơn. Theo các nhà khoa học Mỹ, đây là một chiêu trò marketing của các hãng sản xuất giúp người hút an tâm hơn nhưng rốt cuộc, họ vẫn đang hít phải một lượng lớn nicotine.

Không phải túi nilon, đầu lọc thuốc lá mới là thứ gây ô nhiễm nhất và không thể ngăn ung thư - Ảnh 3.

WHO cho rằng, đây là một hành vi "lửa đảo". Rõ ràng các nhà sản xuất thuốc lá cam kết rằng đầu lọc thuốc lá đem lại lợi ích cho sức khỏe của người hút nhưng kết quả thì ngược lại.

Khi có đầu lọc thuốc lá, tỷ lệ ung thư phổi giảm xuống rõ rệt nhưng người hút lại có nguy cơ mắc loại ung thư phổi khác có tên adenocarcinoma cao hơn.

David Wilson, một chuyên gia nghiên cứu về phổi thuộc Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh cho biết:

"Tỷ lệ sống sót giữa hai loại ung thư trên là gần như nhau. Do đó không có bằng chứng nào đủ thuyết phục rằng đầu lọc giúp ngăn ung thư phổi tốt hơn".

Nói cách khác, hiệu quả của đầu lọc thuốc lá thực tế không cao như quảng cáo, trong khi đó nó còn gây hại cho môi trường.

Giải pháp nào giúp tránh ô nhiễm môi trường do đầu lọc thuốc lá

Một số thành phố trên thế giới đã yêu cầu các nhà sản xuất thuốc lá phải đóng phí cho quỹ vệ sinh môi trường và dọn dẹp đường phố. Nhiều thành phố còn cấm vứt đầu lọc thuốc ra đường, ai vi phạm sẽ bị phạt tiền.

Mervyn Witherspoon, một chuyên gia nghiên cứu về hóa chất trong đầu lọc thuốc lá cho biết, giải pháp tốt hơn cả vẫn là sản xuất các loại đầu lọc có thể phân hủy sinh học. Witherspoon hiện là cố vấn cho Greenbutts, một hãng sản xuất đầu lọc thuốc lá làm từ vật liệu tự nhiên như lanh, cây gai dầu và bông.

Không phải túi nilon, đầu lọc thuốc lá mới là thứ gây ô nhiễm nhất và không thể ngăn ung thư - Ảnh 5.

Hồi tháng 10/2018, Nghị viện Châu Âu đã ủng hộ đề xuất bắt buộc các nước EU phải loại bỏ 50% đầu lọc thuốc lá làm từ nhựa vào năm 2025 và 80% vào năm 2030. Tuy nhiên, đại diện các quốc gia EU đã bác bỏ mục tiêu cắt giảm này.

Thay vào đó, họ đưa ra đề xuất yêu cầu các hãng thuốc lá phải chịu trách nhiệm tài trợ cho các chiến dịch quảng cáo nhằm nâng cao nhận thức hay thu gom đầu lọc có hại cho môi trường.

Các chuyên gia chính sách và các nhà vận động tin rằng, để có thể loại bỏ được đầu lọc thuốc lá nhựa khỏi đời sống, chính phủ các nước sẽ phải chung tay tạo ra một cơ chế liên thông giữa các nước trong việc xử phạt và hạn chế đầu lọc thuốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại