Mới đây, tổ chức Y tế thế giới WHO đã cho công bố một bản danh sách những mối đe dọa khủng khiếp nhất đối với sức khỏe nhân loại toàn cầu năm 2019. Một trong số đó là những người theo chủ nghĩa anti-vaccine - nghĩa là chống tiêm chủng, sánh ngang với Ebola và ô nhiễm không khí.
1. Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu
Theo thống kê, 9/10 người hiện đang phải hít thở bầu không khí mỗi ngày. Trong năm 2019, ô nhiễm không khí sẽ là yếu tố nguy hiểm nhất từ môi trường với sức khỏe con người. Các phân tử độc hại từ không khí có thể xâm nhập vào hệ hô hấp và tuần hoàn, gây hại cho phổi, tim, não và giết 7 triệu người mỗi năm vì ung thư, bệnh tim và phổi.
Được biết, 90% các trường hợp tử vong vì ô nhiễm không khí đến từ các quốc gia có thu nhâm trung bình hoặc thấp, do hệ quả từ các ngành công nghiệp, phương tiện giao thông và nông nghiệp.
Nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí là quá tình đốt nhiên liệu hóa thạch, và đó cũng là nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu. Trong giai đoạn 2030-2050, biến đổi khí hậu được dự tính sẽ khiến 250.000 người chết mỗi năm, do suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy và sốc nhiệt.
2. Bệnh không lây nhiễm
Đó là tiểu đường, ung thư, bệnh tim... và đây là nguyên nhân gây cả đến 70% cái chết trên thế giới, tương đương với 41 triệu người. Đặc biệt, 15 triệu người tử vong sớm, với độ tuổi chỉ từ 30 - 69.
Hơn 85% các trường hợp như vậy đến từ những nước có thu nhập thấp và trung bình. Có 5 nguyên nhân chính: hút thuốc, ít vận động, rượu bia, ăn uống không lành mạnh, và ô nhiễm không khí. Ngoài ra, đây là các tác nhân dẫn đến những chứng bệnh liên quan đến tâm thần, khiến nhiều trường hợp tự tử khi còn rất trẻ.
3. Đại dịch cúm
Thế giới năm 2019 có nguy cơ phải đối mặt với một đại dịch cúm trên toàn cầu. Đây là thứ duy nhất chúng ta không thể dự đoán nó đến khi nào và nghiêm trọng đến đâu.
4. Sống trong môi trường dễ tổn thương
Hiện tại có hơn 1,6 tỉ người trên thế giới đang phải sống ở những nơi khủng hoảng trầm trọng về hoàn cảnh sống: hạn hán, nạn đói, chiến tranh... trong khi hệ thống cơ sở y tế thì yếu kém khủng khiếp.
Trên thực tế, những khu vực như vậy xuất hiện ở gần như mọi nơi trên thế giới. WHO cho biết họ sẽ tích cực làm việc hơn trong năm 2019 để cải thiện hoàn cảnh sống, đồng thời ngăn chặn những dịch bệnh có nguy cơ bùng phát.
5. Khuẩn kháng thuốc
Sự xuất hiện của thuốc kháng sinh là một thành tựu lớn, nhưng nó đang dần vô hiệu. Các loại khuẩn kháng thuốc hiện đang là cơn ác mộng đối với loài người, khi giờ đây chúng ta thậm chí không thể điều trị nổi những căn bệnh hết sức đơn giản.
Khuẩn lao kháng thuốc hiện đang gây lo ngại nhất, vì nếu nó bùng phát thì khả năng ít nhất 10 triệu người sẽ bị nhiễm bệnh, và 1,6 triệu người sẽ chết. Trong năm 2017, khoảng 600.000 người mắc lao đã kháng lại rifampicin - kháng sinh mạnh nhất và hiệu quả nhất để trị lao.
Khuẩn kháng thuốc xuất hiện là do sự lạm dụng kháng sinh của con người - không chỉ trên bản thân mà còn cho các loài động vật nữa.
6. Ebola và các virus tương tự
Năm 2018, Cộng hòa dân chủ Congo đã chứng kiến 2 đợt dịch Ebola bùng phát, với hơn 1 triệu người bị lây nhiễm. Điều này cho thấy các đại dịch tương tự như Ebola vẫn là mối đe dọa rất khủng khiếp mà con người có thể phải đối mặt trong tương lai.
7. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu yếu kém
Đó là các cơ sở y tế cấp thấp - là những nơi đầu tiên người dân tìm đến khi có vấn đề về sức khỏe. Các cơ sở này cần cung cấp đủ những gì một người cần nhất để duy trì sự sống khi mắc bệnh.
Tuy nhiên, rất nhiều quốc gia không thể đáp ứng được điều này - chủ yếu là các nước thu nhập thấp và trung bình.
8. Chủ nghĩa chống vaccine (anti-vaccine)
"Việc do dự hoặc từ chối tiêm chủng vaccine đang gây đe dọa lớn đến quá trình chống lại những căn bệnh có thể phòng ngừa. Tiêm vaccine là là phương pháp hiệu quả nhất để tránh mắc bệnh, ngăn được ít nhất 2-3 triệu người chết mỗi năm, và dự tính là thêm 1,5 triệu người nữa nếu được toàn cầu áp dụng." - trích trong bản báo cáo của WHO.
Tuy nhiên trong báo cáo, thực tế chỉ ra rằng chủ nghĩa anti-vaccine đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Theo báo cáo của WHO, hiện số lượng các ca mắc bệnh sởi trên toàn cầu đã tăng 30%.
Nguyên nhân thì phức tạp, và không hoàn toàn nằm ở chủ nghĩa chống tiêm chủng. Có điều với nhiều quốc gia, chủ nghĩa này đang phát triển khá mạnh, trong khi những nước từng xóa sổ bệnh sởi thì đang có dấu hiệu tái xuất hiện trở lại.
Lý do tại sao có người không muốn tiêm vaccine thì khá phức tạp.
Theo WHO giải thích, có thể là do sự tự mãn, hoặc bất tiện trong việc tiếp cận với nguồn vaccine, hoặc sự thiếu hiểu biết, thiếu tự tin khiến họ thấy chần chừ.
Các nhân viên y tế vẫn luôn được xem là cố vấn đáng tin cậy với cộng đồng, bởi vậy họ cần được hỗ trợ nhằm đưa ra những thông tin chuẩn xác nhất về vaccine.
WHO cho biết trong năm 2019, họ sẽ tích cực hoạt động hơn để giải quyết chứng ung thư cổ tử cung, bằng các tăng cường chương trình vaccine HPV.
Đây cũng sẽ là năm chúng ta giải quyết được chứng viêm tủy xám (hay còn gọi là bệnh bại liệt trẻ em - wild poliovirus) tại Afghanistan và Pakistan. Nhờ vaccine mà năm 2018, chỉ có khoảng 30 trường hợp mắc bệnh tại cả 2 quốc gia mà thôi.
9. Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết được lan truyền từ muỗi vằn, và hiện vẫn đang là căn bệnh gây chết người hàng đầu với tỉ lệ tử vọng trên 20%.
Các quốc gia có số lượng người nhiễm sốt xuất huyết chủ yếu thuộc vùng nhiệt đới, trong đó nhiều nhất là Bangladesh và Ấn Độ. Tuy nhiên năm 2018, số lượng người bệnh tại Bangladesh còn tăng mạnh hơn, cao nhất trong số các năm qua.
10. HIV
Dù đã rất nỗ lực thay đổi và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng HIV vẫn được đánh giá là một trong những mối nguy hiểm nhất đối với sức khỏe cộng đồng, với hơn 70 triệu người nhiễm mỗi năm và 35 triệu người tử vong.
Hiện tại, có khoảng 37 triệu người trên thế giới đang mang HIV. Đặc biệt, có xu hướng nhiễm HIV đang gia tăng đối với phụ nữ và thiếu nữ trẻ (tuổi từ 15 - 24).
Tham khảo: Futurism, World Health Organization