Không phải Singapore, đây mới là thành phố tử tế nhất thế giới

Băng Tâm |

Theo xếp hạng của Mercer mới đây, Singapore đã vượt qua Tokyo và Hong Kong để trở thành nơi đáng sống nhất tại Châu Á nhờ cơ sở hạ tầng tốt. Tuy nhiên, xét trên nhiều khía cạnh, thủ đô Tokyo với đức tính đáng học hỏi của người Nhật vẫn có những thứ mà nhiều thành phố khác không bắt chước được.

Mỗi năm, Cục tìm kiếm đồ thất lạc thuộc sở cảnh sát Tokyo nhận được hàng triệu USD tài sản bị mất và phần lớn trong số đó là tiền mặt.

Năm 2016, khoảng 3,67 tỷ Yên (32 triệu USD) tiền mặt bị rơi, mất đã được người dân Nhật Bản hoàn trả cho sở cảnh sát Tokyo và có đến 3/4 số tiền được chuyển giao đến tận tay người làm mất.

Con số này nói lên 2 sự thật thú vị tại Nhật Bản. Đầu tiên là sự tử tế của văn hóa Nhật khi người dân có xu hướng trả lại của rơi hơn là chiếm làm của riêng.

Sự thật thứ 2 là tỷ lệ sử dụng tiền mặt trong người dân Nhật vô cùng cao dù đây là một trong những nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới.

Số liệu chính thức năm 2015 cho thấy người dân Nhật đang sử dụng khoảng 103 nghìn tỷ Yên trên thị trường, tương đương 19% GDP. Đây là con số cao nhất trong 18 nền kinh tế phát triển nhất thế giới.

Không phải Singapore, đây mới là thành phố tử tế nhất thế giới - Ảnh 1.

Số tiền nhặt được giao trả cho cảnh sát Tokyo qua từng năm (tỷ Yên)

Trong bối cảnh Nhật bản phải chống chọi lại rủi ro giảm phát hơn 1 thập niên qua, việc giữ tiền mặt trở nên an toàn và khôn ngoan hơn tại đất nước mặt trời mọc.

Thậm chí khi chương trình nới lỏng định lượng (QE) tại Nhật đã kết thúc được 4 năm nhưng lãi suất ở đây vẫn xoay quanh mốc 0%.

Với một môi trường ít tội phạm và ăn cắp vặt, việc giữ tiền mặt tại Nhật Bản được xem là một giải pháp khôn ngoan hơn là tiêu bằng thẻ tín dụng, dù đất nước này có nền công nghệ kỹ thuật thuộc hàng phát triển nhất thế giới.

Ở thủ đô Tokyo, một trong những thành phố đông đúc nhất toàn cầu, việc để 1 chiếc iPhone trên bàn để giữ chỗ trong khi đi gọi đồ tại các nhà hàng là điều vô cùng phổ biến.

Thậm chí những thứ đồ có giá trị nhỏ nhất bị khách hàng bỏ quên cũng sẽ được nhà hàng lưu giữ lại phòng trường hợp có người quay lại lấy.

Một yếu tố nữa đóng góp vào nền văn hóa không ăn cắp vặt và chiếm của rơi tại Nhật là hệ thống giáo dục cũng như truyền thống của đất nước này.

Nhật Bản rất chú trọng vào các lớp giáo dục đạo đức, văn hóa cũng như khiến học sinh thực sự cảm nhận được tâm trạng của những người mất đồ hay mất tiền.

Giáo sư Toshinari Nishioka của trường đại học Kansai cho biết hình ảnh những đứa trẻ Nhật mang đồng xu 10 Yên nhặt được đến sở cảnh sát là điều không hiếm ở đất nước này.

Bên cạnh đó, chính quyền Tokyo cũng có những giải thưởng cho hình thức không tham của rơi này. Bất kỳ người giao trả đồ nhặt được có quyền nhận từ 5-20% giá trị tài sản nếu yêu cầu.

Trong vòng 3 tháng nếu không có ai nhận số tiền bị coi là làm rơi, mất thì người nhặt được có quyền hưởng số tài sản này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại