Trong hàng thập kỷ, đồng USD vốn là xương sống trong thương mại toàn cầu và đóng vai trò là đồng tiền dự trữ quốc tế. Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), từ năm 1999 đến năm 2019, đồng USD đã được sử dụng trong 96% hóa đơn thương mại quốc tế ở châu Mỹ, 74% ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và 79% ở phần còn lại của thế giới. Ngoài ra, đồng USD được sử dụng cho phần lớn các giao dịch dầu mỏ.
Nhưng gần đây, nhiều quốc gia đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào đồng bạc xanh trong thương mại cũng như hệ thống tài chính của Mỹ. Quá trình này còn được gọi là phi đô la hoá.
Điển hình, khối BRICS bao gồm các nền kinh tế Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi và các thành viên mới Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, đang nỗ lực triển khai một đồng tiền chung mới, từ đó giảm nhu cầu đối với đồng USD.
Bên lề Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) diễn ra tại Nga đầu tháng 6, ông Binod Singh Ajatshatru - Giám đốc Viện BRICS tại New Delhi, Ấn Độ - cho biết BRICS có thể ra mắt đồng tiền chung của khối vào năm 2027, nếu Nga, Ấn Độ và Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.
Các quốc gia BRICS có rất nhiều lý do để thiết lập một loại tiền tệ mới. Những thách thức tài chính toàn cầu gần đây và các chính sách đối ngoại của Mỹ đã thúc đẩy các nước BRICS khám phá tiềm năng cho một đồng tiền dự trữ mới. Tuy rằng, quá trình này còn cả một chặng đường rất dài phía trước, nhưng vấn đề này phần nào cho thấy mong muốn đánh bật vị thế của đồng USD của các nền kinh tế cạnh tranh với Mỹ.
Tuy nhiên, chưa cần đến những nỗ lực của các quốc gia khác gây áp lực lên đồng USD, các nhà phân tích của một tổ chức nghiên cứu chia sẻ với tờ Financial Times rằng chính nước Mỹ là nguyên nhân tác động đến vai trò toàn cầu của đồng đô la.
Các nhà phân tích Steven B. Kamin và Mark Sobel viết rằng những vấn đề trong nước là mối đe doạ đối với vai trò quốc tế của đồng bạc xanh. Cụ thể, đó là những vấn đề về chính trị, vấn đề gia tăng chi tiêu và nợ của Mỹ, cũng như giới hạn đối với sự độc lập của Fed.
Đó mới chỉ là một nửa danh sách. Sự mở rộng của phi đô la hoá làm gia tăng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và nguy cơ trừng phạt tài chính đơn phương. Những mối đe dọa về việc phá giá đồng USD - khiến hàng xuất khẩu của Mỹ rẻ hơn - cũng sẽ là điềm báo xấu.
Họ viết: "Vai trò toàn cầu của đồng đô la sẽ sụt giảm và sự hỗn loạn cũng như biến động của thị trường sẽ bùng nổ. Kịch bản xấu sẽ tác động đến sự thịnh vượng toàn cầu, bao gồm cả của nước Mỹ”.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định những nỗ lực thúc đẩy xu hướng phi đô la hoá vẫn còn nhiều nghi vấn. Các đối thủ cạnh tranh tiềm năng của đồng USD như đồng euro hoặc đồng nhân dân tệ không có cùng những lợi thế to lớn giúp chúng trở nên phổ biến như đồng USD.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng nền kinh tế Mỹ rất lớn, chiếm khoảng 25% GDP toàn cầu. Đây cũng là nền kinh tế đổi mới, có tinh thần kinh doanh và tăng trưởng nhanh hơn hầu hết các nền kinh tế tiên tiến khác. Thị trường tài chính Mỹ cũng là thị trường sâu rộng, có tính thanh khoản cao và cởi mở nhất thế giới. Pháp quyền trên thị trường tài chính Mỹ rất chặt chẽ, cũng với nhiều biện pháp bảo vệ nhà đầu tư áp dụng cho cả người dân và người nước ngoài.
Theo MI, Nasdaq