Thời gian gần đây, sự nổi lên của các tác phẩm phim cung đấu lấy bối cảnh vào thời nhà Thanh đã khiến cuộc sống chốn thâm cung của những nương nương thuộc triều đại này càng được quan tâm hơn bao giờ hết.
Nhìn lại mấy trăm năm lịch sử nhà Thanh, không khó để nhận thấy Càn Long đế là một trong số những vị vua sở hữu hậu cung có nhiều giai thoại thú vị hơn cả.
Có người cho rằng, trong số những thê thiếp của mình, người được Càn Long kính trọng và yêu thương nhất chỉ có Phú Sát Hoàng hậu.
Có ý kiến lại khẳng định, nhân vật được vị vua này ưu ái hơn cả phải kể tới Lệnh phi – mẹ thân sinh của vua Gia Khánh sau này.
Bên cạnh đó, hậu cung của ông còn có một mỹ nữ ngoại tộc vô cùng nổi tiếng. Đó là Dung phi – nhân vật được cho là nguyên mẫu của Hương phi trong truyền thuyết.
Vậy trong số những người phụ nữ đã đi qua cuộc đời của vị vua ấy, ai mới thực sự là người được Càn Long yêu thương và sủng ái hơn cả?
Theo trang Qulishi, nếu đánh giá dựa trên số lần thị tẩm, người được vị vua này "lật bảng" nhiều nhất không phải Phú Sát Hoàng hậu, cũng không phải Lệnh phi hay Dung phi.
Tương truyền rằng, hậu cung của Càn Long năm xưa từng có một mỹ nữ sở hữu bảng tên được nhà vua lật nhiều đến nỗi tróc sơn. Đó chính là Thư phi Diệp Hách Na Lạp thị.
Xuất thân "không phải dạng vừa" của vị phi tần kém Càn Long gần 20 tuổi
Tranh chân dung Thư phi (bên phải) và hình tượng được xây dựng trong bộ phim "Như Ý truyện". (Hình minh họa).
Thư phi Diệp Hách Na Lạp thị thuộc tộc Mãn Châu, xuất thân trong một gia tộc danh giá thời bấy giờ. Bà là một sủng phi của Càn Long đế và nhỏ hơn nhà vua tới 17 tuổi.
Theo sử sách ghi chép, tằng tổ phụ của bà là Nạp Lan Minh Châu – một trọng thần từng được Khang Hi đế vô cùng trọng dụng.
Thân phụ của vị phi tử này là Nạp Lan Vĩnh Thụy, làm quan đến chức Thị lang trong triều. Mẹ là Quan thị cũng xuất thân từ một gia tộc danh giá trong hàng ngũ Hán quân Chính Hoàng kỳ.
Gia đình của Thư phi nhiều đời có truyền thống thi thư, lại nổi tiếng là dòng họ nề nếp. Những chị em của bà nhờ vậy mà đều có mối nhân duyên tốt đẹp với các công tử thế gia hoặc hoàng tộc đương triều.
Năm Càn Long thứ 6 (năm 1741), Diệp Hách Na Lạp thị tham dự kỳ tuyển tú và nhập cung năm 13 tuổi, được phong làm Quý nhân. Chỉ riêng gia thế vốn không tầm thường đã đủ để cho bà một bệ đỡ vững chắc để vươn lên những vị trí mà không ai dám tùy tiện đụng tới.
Chẳng những sở hữu gia thế nổi trội, Thư phi còn có vốn kiến thức sâu rộng khiến Càn Long cũng phải khen ngợi. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).
Có giai thoại truyền lại rằng, ngay khi Diệp Hách Na Lạp thị mới nhập cung, Càn Long vốn đã nhắm bà vào vị trí Tần ngay từ đầu, việc phong làm Quý nhân chẳng qua là dựa theo trình tự mà thôi.
Quả nhiên chưa tới 1 tháng sau đó, bà được được tấn thăng lên Tần vị, hiệu Thư tần. Căn cứ theo tài liệu của Nội vụ phủ, phong hào "Thư" của bà trong tiếng Mãn có nghĩa là "An thái", "Khoan dụ".
Tương truyền rằng, Diệp Hách Na Lạp thị bản tính ôn hòa hiền lành, hành sự rất mực cẩn trọng, là một phi tần vô cùng hiểu lễ nghi. Có ý kiến cho rằng, bà chính là kiểu mẫu của một người vợ hiền thục.
Không chỉ vậy, với vốn kiến thức sâu rộng của mình, Diệp Hách Na Lạp thị còn thường xuyên đưa ra những nhận xét chính trị độc đáo hoặc đề cử những chính sách có lợi cho dân chúng.
Nhiều ý kiến của bà vô cùng hợp ý với Càn Long. Nhà vua cũng vì vậy mà càng thêm sủng ái vị phi tần hiếm hoi có vốn kiến thức xuất sắc và học vấn thâm sâu ấy.
Sau khi Phú Sát Hoàng hậu qua đời, Thư tần được tấn thăng làm Thư phi khi mới 21 tuổi. Vẻn vẹn trong vòng vài năm ngắn ngủi, bà đã từ vị trí Quý nhân vươn lên đến Tần vị, sau lại được phong Phi khi mới ngoài hai mươi.
Chỉ riêng con đường thăng tiến thuận lợi và nhanh chóng như trên đã đủ để thấy Càn Long sủng ái vị phi tử này tới nhường nào.
Cái kết đau lòng của vị phi tần từng được Hoàng đế sủng ái nhất nhì hậu cung
Tương truyền rằng chiếc bảng ghi tên Thư phi từng được Càn Long lật nhiều tới nỗi tróc sơn. Đây cũng là minh chứng cho thấy tình cảm của nhà vua và bà từng có thời rất mực ân ái.
Vào thời nhà Thanh, phương pháp chọn người thị tẩm được áp dụng lúc bấy giờ là hình thức lật bảng. Theo đó, mỗi vị phi tử sẽ có một tấm bảng ghi tên, tối đến Kính sự phòng dâng lên chiếc khay đặt những tấm bảng này để nhà vua chọn lựa.
Phương pháp lật bảng nhìn qua thì có vẻ mang tính ngẫu nhiên và đảm bảo sự công bằng, nhưng thực chất việc thị tẩm ai phụ thuộc hoàn toàn vào tâm ý của Hoàng đế.
Thực tế cũng đã chứng minh, có những vị phi tần đến vài năm thậm chí vài chục năm mới được hầu hạ nhà vua một lần. Trong khi đó thì số ít các sủng phi lại phải thường xuyên thay bảng tên mới vì được Hoàng đế ưu ái lật nhiều.
Thư phi chính là một trong số ít những người may mắn như vậy
Thông qua bức tranh chân dung của vị phi tần này, không khó để nhận thấy bà sở hữu dung nhan hết sức thanh tú, thậm chí còn không hề thua kém so với Phú Sát Hoàng hậu. Chưa dừng lại ở đó, Thư phi còn có kiến thức sâu rộng được Càn Long đánh giá rất cao. Chính những điểm mạnh này đã khiến bà có thể trụ vững trên hàng phi vị trong suốt ba thập kỷ.
Tương truyền rằng, năm xưa Càn Long vì sủng ái Thư phi nên thường xuyên lật bảng tên để chọn bà làm người thị tẩm. Thậm chí những chiếc bảng tên ấy bị lật nhiều tới nỗi tróc sơn, khiến Kính sự phòng phải thường xuyên thay mới cho riêng vị phi tần này.
Vốn là người được Hoàng đế sủng ái nhất nhì hậu cung, thế nhưng cuộc đời Thư phi bắt đầu rơi vào bi kịch vì cái chết của người con đầu lòng. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu),
Mặc dù được hưởng "ơn mưa móc" nhiều hơn những người khác, nhưng bản thân Thư phi hiểu rõ, trong chốn hậu cung này, có long thai đã là may mắn, nhưng an toàn đến khi sinh hạ con cái lại càng là điều khó khăn.
Đây cũng là lý do mà phải tới gần 10 năm sau khi nhập cung, vị phi tần này mới có thể sinh hạ một Hoàng tử cho Càn Long. Chỉ tiếc rằng Thập a ca của bà mới ra đời được hai năm đã yểu mệnh mà buông tay trần thế.
Sự ra đi đột ngột của đứa con đầu lòng đã giáng một đòn chí mạng vào Thư phi, cũng khiến cuộc đời của bà rẽ sang một hướng khác. Tương truyền rằng sau khi con trai qua đời, Thư phi càng lúc càng trở nên trầm lặng, có khi còn hay tự lảm nhảm nhiều câu nói linh tinh.
Một lần khi Càn Long ghé thăm, bà lại lẩm bẩm những câu chuyện không đầu không cuối về người con trai của mình. Chính việc thần trí thiếu minh mẫn như vậy đã khiến vị Thư phi dần bị Hoàng đế ghẻ lạnh.
Tới năm Càn Long thứ 42 (năm 1777), Thư phi Diệp Hách Na Lạp thị qua đời ở tuổi 48. Cuộc đời của vị phi tử được Càn Long rất mực sủng ái năm nào cứ như vậy mà kết thúc trong lặng thầm và cô quạnh...
*Dịch từ báo nước ngoài