Vào thời cổ đại, việc đặt tên hiệu đã trở nên phổ biến tại Trung Hoa. Không chỉ được coi như biệt danh của một người, tên hiệu còn mang nhiều hàm nghĩa hết sức sâu sắc.
Nhiều minh chứng lịch sử đã cho thấy, tên hiệu của mỗi người không chỉ do họ tự đặt mà cũng có thể được sáng tạo ra bởi người khác.
Tên hiệu do bản thân tự đặt thường sát với tính cách, sở thích của chủ nhân tên gọi, hàm nghĩa cũng rất mực phong phú.
Trong khi đó, tên hiệu do người khác đặt có đôi khi chỉ là một trò đùa giỡn, nhưng nhiều lúc lại nêu bật lên những đặc điểm của chủ nhân tên gọi.
Đặt tên hiệu là việc thường thấy trong lịch sử Trung Hoa. Giai đoạn Tam Quốc cũng từng ghi nhận sự xuất hiện của những tên hiệu hết sức đặc biệt và ý nghĩa. (Tranh minh họa: Nguồn Baidu).
Từ cổ chí kim, có rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc đều sở hữu riêng cho mình một tên hiệu hết sức đặc biệt. Những biệt hiệu đặc sắc này khiến cho hình tượng của họ càng thêm phong phú, sâu sắc.
Chưa dừng lại ở đó, những cái tên ấy đồng thời cũng phần nào gợi mở tính cách nhân vật, khắc họa lại một phần về con người cũng như thời đại lịch sử lúc bấy giờ.
Nhìn lại giai đoạn lịch sử phức tạp thời Tam Quốc, không khó để nhận thấy các nhân vật thuộc thời đại này hầu như đều sở hữu cho mình những tên hiệu hết sức đặc biệt.
Ngọa Long, Phượng Sồ, Ấu Kỳ: Tứ linh có bốn, Thục Hán đã sở hữu ba
Là một trong những nhân vật nổi danh hàng đầu Tam Quốc, Gia Cát Lượng sở hữu cho mình một tên hiệu rất tương xứng với tài năng và tính cách.
Nhắc tới vị quân sư này, mọi người không chỉ nhớ tới cái tên Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh, mà còn nhớ ngay tới biệt hiệu Ngọa Long tiên sinh.
"Ngọa Long" trong tiếng Hán ngụ ý là rồng nằm. Vào thời cổ đại, rồng là biểu tượng cho bậc đế vương, nhưng con rồng trong tên hiệu của Khổng Minh lại say ngủ, không bay lượn trên bầu trời.
Biệt hiệu này tương đối phù hợp với tính cách cũng như tài năng của Gia Cát Lượng. Bởi luận về năng lực, Khổng Minh hoàn toàn có thể trở thành bậc đế vương.
Tuy vậy, ông lại không có ham muốn xưng đế mà một lòng dùng tài năng của mình để cúc cung tận tụy với quân chủ, làm tròn bổn phận bề tôi với nhà Thục Hán.
Cũng bởi tấm lòng ấy mà thần cơ diệu toán thời nhà Minh là Lưu Bá Ôn từng dùng một câu để ca ngợi Ngọa Long tiên sinh rằng: "Tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả" (ý nói những người đi trước hay hậu thế sau này đều không ai sánh bằng Gia Cát Lượng).
Tên hiệu "Ngọa Long" được đánh giá là rất phù hợp với tài năng và tính cách của Gia Cát Khổng Minh. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Bên cạnh Khổng Minh, tập đoàn chính trị nhà Thục Hán còn có hai nhân vật mượn linh thú làm tên hiệu. Đó là Bàng Thống và Khương Duy.
Sinh thời, Bàng Thống có biệt hiệu là "Phượng Sồ", ý chỉ chim phụng chưa trưởng thành, chưa mang dáng dấp của phượng hoàng.
Trong khi đó, nhân tài trẻ tuổi Khương Duy lại sở hữu biệt hiệu là "Ấu Kỳ", ngụ ý là kỳ lân chưa lớn.
Không chỉ mang ý nghĩa tích cực và khiêm tốn, tên hiệu của Khổng Minh, Bàng Thống và Khương Duy đều dùng hình tượng linh thú: Đó là rồng (Ngọa Long), phượng (Phượng Sồ) và lân (Ấu Kỳ).
Chưa bàn tới các nhân vật khác, chỉ với sự xuất hiện của Khổng Minh, Bàng Thống và Khương Duy, tập đoàn chính trị của Lưu Bị đã sở hữu ba trong tổng số bốn linh thú long – lân – quy – phụng.
Tên hiệu của Bàng Thống, Khương Duy cũng xuất hiện hình tượng linh thú. (Tranh minh họa).
Nhìn nhận từ một khía cạnh bao quát hơn, có thể thấy ba tên hiệu này còn mang hàm nghĩa khác:
Nếu cả 3 nhân vật tài năng như Khổng Minh, Bàng Thống, Khương Duy cùng nhau tương hỗ, bầu trời Tam Quốc lúc bấy giờ sẽ cùng lúc xuất hiện rồng bay trên trời, phượng hoàng niết bàn trùng sinh, kỳ lân thành hình.
Đối thủ ngang tài ngang sức với Khổng Minh và tên hiệu đáng sợ nhất Tam Quốc
Nếu biệt hiệu Ngọa Long của Khổng Minh đã trở nên quen thuộc với nhiều người, thì tên hiệu của đối thủ ngang tài ngang sức với ông là Tư Mã Ý lại không được mấy người biết tới.
Ít ai biết rằng, Tư Mã Ý cũng có tên hiệu, người đời gọi bằng hai chữ - "Chủng Hổ".
Biệt hiệu này nghĩa cũng như tên: Chữ "Chủng" trong tiếng Trung dùng để chỉ mồ mả, mộ phần, cũng có thể hiểu là những nơi vắng lặng, còn "Hổ" chính là loài vật dữ dằn, hung ác được mệnh danh là chúa sơn lâm.
Nếu đi vào phân tích sâu hơn, có thể thấy tên hiệu của Tư Mã Ý vô cùng phù hợp với tính cách và cuộc đời của nhân vật này.
Chúng ta đều nghĩ rằng, hổ xuất hiện ở những nơi hoang vắng, ít người sinh sống thì cũng không thể gây ra nguy hiểm gì quá lớn.
Nhưng điều đáng sợ nằm ở chỗ, giữa lúc đêm khuya thanh vắng, con hổ ấy lại có thể lẳng lặng đi tới những nơi khác, thậm chí lấy mạng người một cách âm thầm đến mức "thần không biết, quỷ không hay".
Từ đó có thể suy luận, tên hiệu của Tư Mã Ý vốn dùng để thay cho một lời cảnh báo: Tai vạ trước sau cũng sẽ phát sinh, chớ dại khinh thường!
Khác với hình tượng con rồng trong tên hiệu của Khổng Minh, tên hiệu của Tư Mã Ý lại có sự xuất hiện của một linh vật khác. Đó chính là hổ - loài vật được mệnh danh là chúa sơn lâm. (Ảnh minh họa).
Tên hiệu này vốn được tổng kết từ tính cách và cuộc đời của Tư Mã Trọng Đạt, gắn kết nhiều tính cách nổi bật của nhân vật này như ẩn nhẫn, tùy cơ ứng biến, mưu kế đa đoan, hành động nhanh chóng, làm ra những việc ngoài sức tưởng tượng, thậm chí nhiều lần còn có thể đưa ra một đòn chí mạng cho đối thủ.
Nhìn lại lịch sử Tam Quốc, sau gần một thế kỷ chiến loạn rối ren, quần hùng tranh bá, Tư Mã Ý chính là người đã phá vỡ cục diện chân vạc, đặt nền tảng vững chắc cho con cháu nhất thống thiên hạ.
Thông qua sự thật lịch sử trên, có thể khẳng định biệt hiệu "Chủng Hổ" quả thực xứng đáng với nhân vật này.