Được xem là một trong những đại tham quan khét tiếng hàng đầu trong lịch sử Trung Hoa, tên tuổi của Hòa Thân thường gắn liền với vô số những mánh lới hốt bạc từ thiên hạ, cùng với đó là số tài sản kếch xù bằng với nhiều năm thu vào của quốc khố Thanh triều.
Mặc dù sở hữu thanh danh không lấy gì làm tốt đẹp, thế nhưng đa số các ý kiến đều khẳng định, quan tham họ Hòa này tuy rằng có nhiều tật xấu nhưng chung quy vẫn rất mực trung thành với Càn Long Hoàng đế. Đây chính là một trong những lý do mà Hòa Thân đã từng có chỗ đứng vô cùng vững chắc trên chính trường trong thời kỳ vị vua này tại vị.
Khi Càn Long còn sống, Hòa Thân với danh nghĩa là thân tín của ông đã từng đảm nhiệm nhiều chức vị cốt cán như Đại học sĩ, quân cơ đại thần, Thượng thư bộ Hộ cùng nhiều quan hàm khác. Vì thế mà đa số các quan lại trong triều lúc bấy giờ đều tìm cách gia nhập vào bè phái của tham quan họ Hòa này.
Tuy nhiên có gian thần thì cũng có trung thần, Hòa Thân tuy sở hữu phe cánh hùng hậu nhưng chung quy vẫn có không ít đối thủ. Trong số những người ở phe đối địch với ông khi đó, nổi tiếng hơn cả phải kể tới 3 nhân vật dưới đây.
Kỷ Hiểu Lam - Nhân vật từng khiến Hòa Thân phải bẽ mặt
Chân dung Kỷ Hiểu Lam (bên phải) và hình tượng của ông trong một bộ phim truyền hình.
Kỷ Hiểu Lam (1724 – 1805), tên thật là Kỷ Quân, được biết tới là một danh sĩ nổi tiếng và từng làm quan dưới thời nhà Thanh trong lịch sử Trung Hoa.
Sử cũ ghi lại, Kỷ Hiểu Lam dù có được tài năng xuất chúng nhưng lại sở hữu ngoại hình "mạo tẩm đoản thị". Trong đó, chữ "tẩm" dùng để chỉ những người có tướng mạo xấu xí, còn "đoản thị" là cách gọi của chứng cận thị.
Chẳng những không có thế mạnh về ngoại hình, vị quan họ Kỷ còn sở hữu tật nói lặp. Những điểm thua thiệt kể trên đã khiến ông không thực sự có được sự trọng dụng của Càn Long trong suốt cuộc đời làm quan của mình.
Dù vậy thì với tài hoa hiếm có, vị quan họ Kỷ vẫn gây dựng được vị thế nhất định trong triều.
Trên nhiều tác phẩm phim ảnh, Kỷ Hiểu Lam thường được xây dựng với hình tượng là kình địch trên chính trường của Hòa Thân.
Về mối quan hệ của ông với tham quan họ Hòa, có giai thoại từng truyền lại rằng, trong một lần hộ tống Càn Long đi nghỉ dưỡng, nhà vua có hỏi Hòa Thân và Kỷ Hiểu Lam một câu:
"Trong thiên hạ này, người như thế nào mới được xem là người giàu có nhất? Và người như thế nào thì bị coi là người nghèo khó nhất?".
Bấy giờ, Hòa Thân vốn hay nịnh bợ liền chủ động cướp lời mà nói trước:
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
"Thưa Hoàng thượng, thứ gì trong khắp thiên hạ này đều là của ngài. Vì thế thần cho rằng bệ hạ chính là người giàu có nhất, còn người nghèo khó nhất có lẽ là những kẻ hành khất ngoài kia".
Càn Long nghe xong thì không đáp, quay sang hỏi Kỷ Hiểu Lam. Vị quan họ Kỷ trầm tư một lúc rồi đáp lại:
"Thưa Hoàng thượng, hạ thần cho rằng người giàu nhất thiên hạ vốn là người biết cần kiệm, còn người nghèo nhất thiên hạ chính là những kẻ có lòng tham.
Phàm là biết cần kiệm thì dù cho nghèo khó tới mức chẳng có gì cũng có thể khấm khá dần dần. Thế nhưng nếu tham lam, lại ham ăn lười làm, tất sẽ miệng ăn núi lở, của cải nhiều tới đâu rồi cũng chẳng mấy mà hết".
Càn Long nghe xong liền gật đầu tán thưởng. Hòa Thân cũng vì vậy mà một phen bẽ mặt trước nhà vua vì câu trả lời của Kỷ Hiểu Lam.
Những giai thoại về một vài màn đấu khẩu, đấu trí như trên đã khiến nhiều người cho rằng, Kỷ Hiểu Lam và Hòa Thân năm xưa vốn chẳng hề có nửa điểm hòa hợp.
Tuy nhiên theo đánh giá của nhiều học giả, mối quan hệ của hai vị quan này thực chất không gay gắt như nhiều người vẫn nghĩ. Bởi Kỷ Hiểu Lam là danh sĩ biết đối nhân xử thế, còn Hòa Thân lại rất mực khéo léo, giỏi ăn nói.
Mặc dù không tránh khỏi một số bất hòa trên vài phương diện, thế nhưng có ý kiến cho rằng Kỷ Hiểu Lam và Hòa Thân giống như hai người bạn vong niên hơn là những kình địch trên chính trường.
Lưu Dung - Người đưa hàng loạt tội danh và khối tài sản kếch xù của Hòa Thân ra ánh sáng
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Lưu Dung (1719 – 1805), tự Sùng Như, hiệu Thạch Am, là một vị quan đại thần dưới thời nhà Thanh trong lịch sử Trung Hoa.
Viên quan họ Lưu này đã cống hiến toàn bộ sự nghiệp chính trị của mình để hết lòng phụng sự cho hai đời vua Càn Long và Gia Khánh. Ông từng làm tới chức Đại học sĩ, Thái tử Thái bảo.
Ấn tượng của hậu thế về mối quan hệ xung khắc giữa Lưu Dung và Hòa Thân được tái hiện chủ yếu thông qua một vài tác phẩm phim ảnh, mà tiêu biểu trong số đó phải kể tới bộ phim quen thuộc với các khán giả truyền hình tại Việt Nam và Trung Quốc mang tên "Tể tướng Lưu gù".
Năm xưa khi mới tiến vào chốn quan trường, Lưu Dung từng bị cách chức trong triều và điều đi làm việc những tỉnh lị khác. Do đó có ý kiến cho rằng ông chưa hẳn đã là kỳ phùng địch thủ trên chính trường của Hòa Thân.
Tuy nhiên theo ghi chép của sử liệu thời nhà Thanh, vào năm Gia Khánh thứ tư (1799), Lưu Dung khi ấy là Thái tử Thiếu bảo đã được đích thân Gia Khánh Đế chỉ định xử lý vụ án của Hòa Thân. Sau đó không lâu, hàng loạt tội danh tày đình và khối tài sản khổng lồ của quan tham này đã bị vị quan họ Lưu đưa ra ánh sáng.
Vì vậy có thể khẳng định một sự thật rằng: Dù cho Lưu Dung có phải là kình địch với Hòa Thân hay không thì chính ông cũng đã là một trong những người tiễn tham quan họ Hòa này lên ngọn đầu đài.
Tướng quân A Quế - Kỳ phùng địch thủ áp chế tham quan họ Hòa gần 3 thập kỷ
Tranh chân dung tướng quân A Quế - người được cho là đối thủ đích thực của Hòa Thân trong triều đình nhà Thanh. (Nguồn Baidu).
A Quế (1717 – 1797), tự Quảng Đình, là tướng lĩnh có tiếng của Thanh triều dưới thời vua Càn Long.
Vị tướng này từng nhiều lần làm Thống soái và có công trấn áp không ít các cuộc phản loạn nổi lên thời bấy giờ. Càn Long từng trọng dụng A Quế tới mức ban cho ông quyền lợi được phép cưỡi ngựa vào Tử Cấm Thành.
Theo nhận định của tờ báo KKNews, tướng quân A Quế đích thị là kỳ phùng địch thủ của Hòa Thân và từng gây áp lực với tham quan này trong khoảng thời gian gần 3 thập kỷ.
A Quế sinh năm 1717 dưới thời Khang Hi, tới năm 1738 thì bước chân vào chốn quan trường. Trong khi đó, Hòa Thân kém vị tướng này tới 33 tuổi.
Điều đó đồng nghĩa với việc khi tham quan họ Hòa mới gia nhập chính trường thì A Quế đã trở thành một trọng thần không thể thay thế bên cạnh Càn Long đế.
Cũng bởi vậy mà đa số các ý kiến cho rằng, vị tướng này đã dùng sức ảnh hưởng từ địa vị của mình để áp chế Hòa Thân, khiến cho tham quan họ Hòa không dám tùy ý lộng hành hay tham lam quá mức.
Tuy nhiên mặc dù thua kém về mặt tuổi đời, Hòa Thân lại được cho là rất có thiên phú trong việc sử dụng những thủ đoạn đua tranh chính trị.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Hiểu rõ A Quế chính là một rào cản trên con đường tiến thân của mình, tham quan họ Hòa đã lợi dụng sự sủng ái của nhà vua để điều động vị tướng ấy ra khỏi kinh đô.
Năm 1781, vùng Cam Túc xảy ra khởi nghĩa, A Quế được lệnh đi trấn áp. Sau khi dẹp loạn thành công, Hòa Thân đã khuyên Càn Long để ông ở lại đây với lý do điều tra các án tham ô.
Tới lúc hàng loạt án tham ô đã sáng tỏ, tham quan này tiếp tục rỉ tai Hoàng đế nhằm điều A Quế tới tu bổ đê điều ở Hà Nam, sau đó tiếp tục tới Chiết Giang thẩm tra nhiều vụ án.
Cứ như vậy, tướng quân A Quế dù thân là trọng thần nhưng chẳng mấy khi có thời gian lưu lại kinh đô. Triều đình trung ương Thanh triều khi đó vì thế mà dần trở thành "sân nhà" của Hòa Thân.
Vào thời điểm về lại Bắc Kinh, A Quế đã trở thành một lão tướng tuổi cao sức yếu. Tới năm 1797, ông lâm bệnh qua đời ở tuổi 81.
Tương truyền rằng trước lúc lâm chung, vị tướng ấy từng viết một bài thơ nói lên tiếc nuối lớn nhất đời mình: Đó là không thể tự tay giúp Gia Khánh đế diệt trừ Hòa Thân.
Dù vậy thì chỉ vẻn vẹn vài năm sau khi kỳ phùng địch thủ ấy qua đời, Hòa Thân cũng đã bỏ mạng dưới tay vua Gia Khánh vào năm 1799.
*Dịch từ các báo nước ngoài.