Năm 2024, điểm chuẩn ngành Kiến trúc tại Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 2024 là 30,20 (điểm môn "Vẽ mỹ thuật" nhân hệ số 2,0). Điểm chuẩn ngành này tại Đại học Xây dựng Hà Nội là 21,9 điểm; tại Đại học Bách khoa - ĐHQG TP. HCM là tổng điểm của 3 thành tố: Điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP. HCM tổ chức; Điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ. Điểm chuẩn ngành Kiến trúc của Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TP. HCM là 70,85 điểm,
Kiến trúc là ngành học nghệ thuật nhưng luôn đề cao tính kỹ thuật vì công trình không chỉ cần yếu tố thẩm mỹ mà còn phải đảm bảo sự an toàn và khả năng ứng dụng trong thực tế. Kiến trúc là một ngành học có cơ hội nghề nghiệp cao và thu nhập tốt.
Bên cạnh đó, nhu cầu nhân lực của ngành Kiến trúc luôn trong tình trạng biến động. Nhiều báo cáo chỉ ra nhu cầu nhân sự ngành Kiến trúc tại Việt Nam đang tăng rất nhanh. Dự báo nhu cầu nhân lực của ngành Kiến trúc - Xây dựng tăng thêm khoảng 400.000 – 500.000 lao động mỗi năm.
Dù nhu cầu nhân lực cao nhưng thực tế các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc rơi vào cảnh... "vàng mắt" tuyển người vẫn không ra. Đặc biệt thời điểm này khi kinh tế khó khăn, thị trường nhân sự biến động chao đảo thì việc tuyển người càng khó khăn hơn gấp bội.
Ngành Kiến trúc là gì? Học ở đâu?
Kiến trúc (Architecture) là ngành học có vai trò thiết kế nên các công trình phục vụ cho đời sống sinh hoạt của mọi người. Đây là ngành học đặc thù kết hợp giữa nghệ thuật và kỹ thuật, tập trung vào việc tổ chức sắp xếp không gian, lập hồ sơ thiết kế cho các công trình kiến trúc.
Kiến trúc sư là người phụ trách việc lên ý tưởng, thiết kế các công trình, kiến trúc, nội thất, cảnh quan,… Đồng thời họ cũng chịu trách nhiệm giám sát và theo dõi quá trình xây dựng công trình, đảm bảo công trình được thực hiện theo đúng bản vẽ, kế hoạch đã đặt ra.
Ngoài ra, kiến trúc sư còn đưa ra các dự báo về xu hướng cách tân và phát triển của các công trình xây dựng hay thiết kế quy hoạch vùng, khu dân cư, khu công nghiệp và cảnh quan đô thị. Họ cũng cung cấp giải pháp kiến trúc cho những khách hàng có nhu cầu xây dựng thuộc các lĩnh vực khác nhau.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, ngành Kiến trúc từ lâu đã được đưa vào các chương trình học tại nhiều trường Đại học nổi tiếng, chẳng hạn như Đại học Cambridge (Anh), Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), Đại học Sydney (Úc),... Ở Việt Nam, Kiến trúc cũng không còn là ngành học quá xa lạ với nhiều người. Một số trường Đại học có chương trình đào tạo top đầu về ngành Kiến trúc tại Việt Nam gồm: Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Bách khoa TP. HCM, Đại học Kiến trúc Hà Nội,...
Vị trí công việc và mức lương
Hiện nay, nhu cầu về nguồn nhân lực ngành Kiến trúc đang ngày một gia tăng do sự phát triển đô thị cũng như chất lượng cuộc sống của xã hội. Do đó, sinh viên tốt nghiệp ngành Kiến trúc có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm với mức lương hấp dẫn.
Kiến trúc sư là lựa chọn phổ biến nhất cho sinh viên tốt nghiệp ngành Kiến trúc. Kiến trúc sư có thể làm việc trong các lĩnh vực như:
1. Thiết kế: Thiết kế nhà ở, công trình công cộng, văn phòng, khu thương mại,...
2. Quy hoạch: Quy hoạch đô thị, khu dân cư, khu du lịch,...
3. Giám sát thi công: Giám sát quá trình thi công để đảm bảo công trình được thực hiện đúng theo thiết kế.
4. Nghiên cứu về các lĩnh vực liên quan đến kiến trúc như vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin trong kiến trúc,...
Bên cạnh đó, sinh viên tốt nghiệp ngành này cũng có thể lựa chọn giảng dạy tại các trường Đại học, Cao đẳng chuyên ngành Kiến trúc. Không chỉ vậy, người học ngành cũng có thể lựa chọn các vị trí như chuyên viên tư vấn, cung cấp các giải pháp về kiến trúc và vật liệu tại các Công ty kinh doanh vật liệu, thiết bị kiến trúc, xây dựng, nội ngoại thất hoặc tự thành lập công ty kiến trúc, kinh doanh trong lĩnh vực liên quan.
Mức lương trung bình của Kiến trúc sư sẽ ở khoảng 7 – 10 triệu/ tháng khi mới ra trường. Các kiến trúc sư giỏi, năng lực tốt sẽ có mức lương từ 15 – 25 triệu/ tháng. Ngoài ra, nếu biết tiếng Anh, mức lương của Kiến trúc sư sẽ dao động từ 2.000 – 2.500 USD/ tháng.
Ngoài mức lương, Kiến trúc sư còn nhận được các khoản thưởng, trợ cấp cùng nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn khác. Mức thu nhập cao hay thấp sẽ phụ thuộc vào trình độ, kinh nghiệm của Kiến trúc sư và quy mô, đặc điểm của công ty mà họ làm việc. Nếu có tay nghề cao và mạng lưới quan hệ rộng, kiến trúc sư còn có thể nhận thêm các dự án bên ngoài để có mức thu nhập cao hơn.
Kiến trúc sư cần những tố chất gì?
1. Khả năng vẽ, sự sáng tạo
Đây là kỹ năng bạn bắt buộc phải có nếu bạn muốn theo nghề Kiến trúc sư mặc dù năng lực tư duy thẩm mỹ và khả năng nhận thức, tạo dựng cái đẹp quan trọng hơn kỹ năng vẽ. Tuy nhiên, nếu không thể vẽ, bạn sẽ khó theo nghề bởi vẽ là công đoạn giúp bạn thể hiện các ý tưởng kiến trúc.
2. Tư duy logic, thẩm mỹ
Các Kiến trúc sư phải có tư duy thẩm mỹ tốt, phong phú để có thể sáng tạo nên những công trình kiến trúc mới mẻ, độc đáo. Đồng thời, người làm ngành nghề này cũng cần đến tư duy logic để tạo ra các tác phẩm kiến trúc với vẻ đẹp hoàn hảo, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của khách hàng.
3. Kỹ năng thuyết trình
Việc tạo ra các bản vẽ thiết kế chưa đủ mang lại thành công cho Kiến trúc sư. Người làm ngành nghề này còn phải biết thuyết phục được khách hàng, chủ đầu tư chấp nhận thiết kế đó. Lúc này, các Kiến trúc sư sẽ cần vận dụng kỹ năng thuyết trình để bảo vệ thiết kế của mình.
4. Biết lắng nghe
Đây là kỹ năng rất quan trọng với các kiến trúc sư. Hơn nữa, kiến trúc sư gần như là người "đứng mũi chịu sào" trước những khen chê của khách hàng đối với các tác phẩm kiến trúc. Chỉ khi lắng nghe hiệu quả, người làm ngành nghề này mới hiểu được nhu cầu của khách hàng và tạo nên những bản vẽ phù hợp với yêu cầu của họ.
5. Chịu được áp lực
Công việc của những người làm trong ngành Kiến trúc khá áp lực. Nhiều lúc họ phải thức đêm để hoàn thành bản vẽ. Cũng có khi những thiết kế tưởng như rất hoàn hảo lại nhận về những chỉ trích, chê bai. Vì vậy, để theo nghề này bạn cần có bản lĩnh lớn, sẵn sàng đối mặt với những thách thức và chịu được áp lực cao.
6. Kỹ năng toán học
Trong công việc, kiến trúc sư thường phải tính toán, đo lường các hạng mục công trình, các chi tiết kiến trúc. Vì vậy, bạn bắt buộc phải có kỹ năng toán học tốt nếu muốn theo ngành nghề này.