Không phải Huawei, 1 công ty đến từ Hà Lan mới là "hàn thử biểu" cho thấy Mỹ thành công trong việc ngăn cản kế hoạch tự cường công nghệ của Trung Quốc

Thu Hương |

Có lẽ không có công ty nào xuất sắc hơn ASML Holding trong vai trò "hàn thử biểu" đo lường thành công của Mỹ trong nỗ lực kiềm chế tham vọng công nghệ của Trung Quốc.

Nhà sản xuất chip có giá trị vốn hóa đạt 191 tỷ USD hiện là tập đoàn công nghệ lớn nhất châu Âu và cũng là công ty duy nhất trên thế giới hiện nay có thể sản xuất ra thế hệ chip mới nhất. Tuy nhiên, công ty có trụ sở từ Hà Lan không được phép bán chúng cho Trung Quốc. Báo cáo tài chính mới nhất của ASML cho thấy dù Trung Quốc đã mạnh tay đầu tư để thúc đẩy ngành sản xuất chip nội địa, những thành trì truyền thống của ngành chip – như Đài Loan, Hàn Quốc và Mỹ - mới là những nơi tiến xa hơn.

Tự tạo ra ngành chip hùng mạnh bằng những công ty nội địa là 1 trong những trụ cột chính trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm trị giá 1.400 tỷ USD của Bắc Kinh. Trước đó Trung Quốc cũng đã rót khoảng 150 tỷ USD vào ngành này. Tuy nhiên mặc dù các nhà máy Trung Quốc sản xuất ra rất nhiều thiết bị đang được bán ra trên toàn thế giới, chủ yếu họ chỉ chịu trách nhiệm cho công đoạn lắp ráp cuối cùng. Các linh kiện công nghệ cao – trong đó có chip – vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Riêng trong năm ngoái Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 300 tỷ USD đối với mặt hàng chip bán dẫn.

Đó là nơi mà ASML bước vào. Đây là công ty duy nhất có thể sản xuất thiết bị quang khắc sử dụng ánh sáng tia cực tím trên thế giới – những cỗ máy có giá 150 triệu USD mỗi chiếc có thể tạo ra những con chip bán dẫn chỉ nhỏ bằng một nửa so với công nghệ thế hệ trước. Điều đó cho phép những khách hàng như TSMC và Samsung Electronics sản xuất được những con chip không chỉ nhỏ hơn mà còn tiết kiệm năng lượng hơn bao giờ hết.

ASML xuất xưởng 31 máy quang khắc EUV trong năm ngoái, số lượng gấp hơn 5 lần so với 1 năm trước đó. Mặt hàng này cũng đóng góp 43% trong tổng số 10 tỷ euro (tương đương 12,1 tỷ USD) doanh thu mà công ty nhận được từ mảng bán máy móc thiết bị. Tuy nhiên không có chiếc máy nào được xuất sang Trung Quốc bởi vì chính phủ Hà Lan dưới áp lực từ Mỹ đã từ chối cấp phép cho ASML bán thiết bị tại thị trường này.

Dẫu vậy các công ty Trung Quốc vẫn đang mua những thiết bị đời thấp hơn từ ASML. Và tỷ trọng của thị trường Trung Quốc trong doanh thu của ASML vẫn đang tăng lên, từ mức 12% của năm 2019 lên 18% trong năm ngoái, giúp công ty đánh bại mọi dự đoán.

Không phải Huawei, 1 công ty đến từ Hà Lan mới là hàn thử biểu cho thấy Mỹ thành công trong việc ngăn cản kế hoạch tự cường công nghệ của Trung Quốc  - Ảnh 1.

Tỷ trọng đóng góp của thị trường Trung Quốc trong doanh thu của ASML đã vượt Mỹ trong 5 năm gần đây. Nguồn: Bloomberg.

Tuy nhiên điểm mấu chốt là người tiêu dùng Trung Quốc vẫn đang đầu tư cho thiết bị của mình để bắt kịp với công nghệ, trong khi các đối thủ ở Đài Loan, Hàn Quốc và Mỹ đều đang ráo riết chạy đua. Đặc biệt là TSMC của Đài Loan, công ty chuyên sản xuất chip cho Apple, Qualcomm và AMD cùng nhiều tập đoàn công nghệ khác. Năm nay TSMC dự định sẽ tăng hơn 30% chi phí vốn để tăng cường sự thống trị trong ngành.

Sự kiện ông Joe Biden chính thức trở thành Tổng thống Mỹ có lẽ sẽ không khiến Trung Quốc dễ thở hơn so với thời ông Trump còn đương chức bởi cả 2 đảng đều nhất trí cần phải cứng rắn, CEO ASML nhận định mới đây. Trung Quốc cũng đang ở vị thế bất lợi vì để xây dựng chuyên môn trong ngành sản xuất chip sẽ mất rất nhiều thời gian. Đài Loan, Hàn Quốc và Mỹ đã mất ít nhất 40 năm để đạt được trình độ như ngày nay.

Mặc dù các đòn tấn công của Mỹ vào Huawei trong 2 năm qua là vấn đề thu hút được nhiều sự chú ý nhất trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung, vụ việc của ASML có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều đối với khả năng biến tham vọng tự cường về công nghệ của Trung Quốc trở thành hiện thực. Trung Quốc vẫn sẽ dễ bị tổn thương trước các lệnh cấm vận thương mại nếu như vẫn còn phải nhập khẩu những công nghệ tân tiến nhất.

Để đào vàng, bạn cần phải có cuốc chim. Và ASML chính là công ty duy nhất làm ra chúng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại