Không phải Hà Nội hay Tp.HCM, đây mới là nơi tăng giá cao nhất

Đình Vượng |

Thực phẩm tăng giá chủ yếu do giá thịt lợn, gà tăng. Điều này xảy ra do trong tháng, nguồn cung lợn bị thiếu hụt do thương lái Trung Quốc tăng cường thu mua.

Giá cả các tỉnh phía Nam tăng nhiều hơn phía Bắc

Số liệu mới công bố của Tổng cục thống kê về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho thấy, trong tháng 5, giá cả các tỉnh phía Nam (Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ) có mức tăng cao nhất cả nước.

Theo đó, CPI Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 5 là 100,77% tương ứng mức tăng 0,77% so với tháng 4.

Xếp thứ hai là vùng Đông Nam Bộ với mức CPI tháng 5 là 100,73%, tương ứng mức tăng giá cả chung so với tháng trước là 0,73%.

Theo Tổng cục thống kê về CPI của 10 tỉnh/thành phố đại diện, CPI tháng 5 của thành phố Hồ Chí Minh là 100,82%, Vĩnh Long, Cần Thơ thậm chí cao tới 101,07% và 100,84%.

Không phải Hà Nội hay Tp.HCM, đây mới là nơi tăng giá cao nhất - Ảnh 1.

Đồ họa: Đình Vượng

Không phải Hà Nội hay Tp.HCM, đây mới là nơi tăng giá cao nhất - Ảnh 2.

Đồ họa: Đình Vượng

Tính riêng, các tỉnh phía Nam cũng có CPI cao nhất cả nước. Nguyên nhân là do các tỉnh phía Nam dẫn dầu cả nước ở mức tăng các nhóm hàng hóa dịch vụ ăn uống, nhà ở vật liệu xây dựng và giao thông.

Ngược lại, ở phía Bắc, mức giá ở hai đô thị lớn là Hà Nội và Hải Phòng tăng khá ít. Mức giá chung của Hà Nội chỉ tăng 0,35% so với tháng trước. Ở Hài Phòng, CPI là 100,17%, tương ứng mức giá chung đã tăng 0,17% ở thành phố này.

Tính trên toàn vùng, khu vực Đồng bằng sông Hồng cũng có mức tăng giá thấp nhất cả nước trong tháng 5 khi con số chỉ là 0,33%.

Nhóm giao thông tăng "nóng"

Tăng "nóng" thuộc về nhóm giao thông, nhà ở, vật liệu xây dựng và lương thực thực phẩm.

Giá các mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh tăng liên tục trong tháng làm cho nhóm hàng giao thông tăng ở khắp các khu vực trên cả nước.

Đặc biệt, ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhóm hàng này đã tăng giá 2,64% so với tháng 4, cao nhất cả nước. Ở khu vực Đông Nam Bộ, con số này là 2,61%. Ở các khu vực khác, mức giá chung cùa nhóm hàng này cũng đều có mức tăng đáng kể trên 2%.

Không phải Hà Nội hay Tp.HCM, đây mới là nơi tăng giá cao nhất - Ảnh 3.

Đồ họa: Đình Vượng

Nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng (bao gồm tiền nhà ở, chất đốt, điện, nước và vật liệu xây dựng) tăng do giá gas thế giới tăng dẫn đến giá gas bán lẻ trong nước được điều chỉnh tăng kể từ đầu tháng 5.

Nhóm hàng này đã tăng 1,67% tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và tăng 1,6% tại khu vực Đông Nam Bộ.

Ở các khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên nhóm hàng này có mức tăng lần lượt là 0,2%, 0,35%, 0,43% và 0,63%.

Không phải Hà Nội hay Tp.HCM, đây mới là nơi tăng giá cao nhất - Ảnh 4.

Đồ họa: Đình Vượng

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng chủ yếu do biến động về giá lương thực và giá thực phẩm.

Nguồn cung gạo nhập khẩu từ Thái Lan khan hiếm đã đẩy giá lúa gạo lên cao trong mấy tháng gần đây dẫn đến giá lương thực này tăng lên.

Giá thực phẩm tăng cao chủ yếu do giá thịt lợn, gà tăng. Điều này xảy ra do trong tháng, nguồn cung lợn bị thiếu hụt do thương lái Trung Quốc tăng cường thu mua.

Cùng với đó, áp lực do tình trạng cá chết ở miền Trung khiến người tiêu dùng chuyển sang mua nhiều hơn các loại thịt lợn, gà làm nguồn cầu cũng tăng.

Không phải Hà Nội hay Tp.HCM, đây mới là nơi tăng giá cao nhất - Ảnh 5.

Đồ họa: Đình Vượng

Theo đó, mức tăng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với mức tăng 0,73%. Xếp sau là khu vực Tây Nguyên với mức tăng 0,68%.

Còn lại, ở các khu vực Đông Nam Bộ, Trung du và miền núi miền Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, nhóm hàng này có mức tăng lần lượt 0,41%, 0,38% và 0,33%.

Đặc biệt, ở khu vực xung quanh thủ đô Hà Nội là các tỉnh đồng bằng sông Hồng, do giá một số loại rau củ đã giảm 10-30% so với tháng trước nên mức tăng giá nhóm hàng này chỉ là 0,09%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại