Năm 2023 được coi là một trong những năm khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm gần đây khi phải đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn từ bối cảnh quốc tế như tăng trưởng toàn cầu suy yếu, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt ở nhiều nước và căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 vẫn còn kém hơn nhiều so với giai đoạn trước Covid-19. Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 tăng 5,05% so với năm 2022, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,87% và 2,56% của năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023.
Đáng chú ý, nổi bật nhất là sự suy yếu của tổng cầu và các thành tố quan trọng của tổng cầu như tiêu dùng và đầu tư, cùng với chất lượng tăng trưởng không được cải thiện. Trong năm 2023, các thành tố tổng cầu của Việt Nam đều có xu hướng tăng chậm lại.
Cụ thể, tiêu dùng cuối cũng và tích lũy tài sản lần lượt tăng 3,52% và tăng 4,09% (giảm mạnh so với mức tăng 7,09% và 5,40% năm 2022). Cả hai chỉ tiêu này đều chưa thể quay trở lại được mức tăng trưởng tương đương như trước khi đại dịch xảy ra. Cả tiêu dùng cuối cùng và tích lũy gộp tài sản (đầu tư) đều tăng trưởng thấp hơn mức tăng trưởng chung (5,05%).
Do đó, tăng trưởng GDP năm 2023 chủ yếu đến từ chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ theo giá so sánh, với mức thâm hụt ít hơn năm trước (xuất khẩu giảm 2,54% trong khi nhập khẩu giảm 4,33%).
Trong bối cảnh đó, tại Hà Nội mới đây, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024, đồng thời công bố Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023 của Trường. Chủ đề của Hội thảo cũng như của Ấn phẩm thường niên năm nay là "Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới".
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, phục hồi tổng cầu là một nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam trong năm 2023. Điều này đòi hỏi Chính phủ và các Bộ, Ban, Ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp.
"Tổng cầu đóng vai trò quan trọng trong xác định mức độ hoạt động kinh tế và việc làm trong nền kinh tế. Tổng cầu giảm cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, điều này ảnh hưởng đến đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, gây ra các hậu quả như sản xuất công nghiệp sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập và chi tiêu của người dân….", ông Chương cho hay.
Về dài hạn, nền kinh tế không thể trông chờ vào đầu tư công
Tác động của các yếu tố bất lợi, bấp bênh từ tình hình kinh tế thế giới khiến những dự báo về tăng trưởng Việt Nam trong năm 2024 đều được điều chỉnh giảm so với năm 2023. Dự báo tăng trưởng kinh tế do các tổ chức quốc tế đưa ra ở mức 5,5-6,0%, thấp hơn so với kế hoạch 6,0-6,5% do Quốc hội đề ra.
Nhìn chung năm 2024, các chuyên gia nghiên cứu nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ đối diện với nhiều tác động bất ổn, khó lường và tiêu cực từ kinh tế thế giới. Tác động từ sự suy giảm và bất ổn của nền kinh tế thế giới dồn nén từ đại dịch Covid-19 cho tới nay nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam, ít nhất trong nửa đầu năm 2024, trước khi đón nhận những dấu hiệu tích cực, khả quan hơn.
Ở trong nước, những động lực truyền thống đến từ tổng cầu (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu) còn yếu, khu vực doanh nghiệp còn đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong khi động lực tăng trưởng mới còn chưa rõ ràng. Môi trường tài chính và vĩ mô như hệ thống tài chính tiền tệ, thị trường TPDN, thị trường vàng và thị trường BĐS còn chứa đựng nhiều rủi ro.
Những thay đổi thể chế để tạo điều kiện cho các động lực tăng trưởng mới còn chậm trễ trong việc ban hành, thực thi công vụ còn chậm do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm vẫn còn phổ biến. Trong khi đó, chất lượng tăng trưởng còn thấp, mô hình tăng trưởng chưa có nhiều cải thiện.
"Vì vậy, năm 2024 dự báo kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Khả năng tăng trưởng như mục tiêu đề ra là rất khó khăn", báo cáo cho hay.
Lý gỉải về nhận định này tại Hội thảo, GS.TS Tô Trung Thành, Trưởng Phòng Quản lý Khoa học Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, trong bối cảnh mô hình kinh tế chưa có cải thiện về chiều sâu, để đạt mục tiêu tăng trưởng cao ngay trong năm 2024 (ngắn hạn), Chính phủ sẽ phải dựa chủ yếu vào các chính sách trọng cầu.
"Các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) cần được hồi phục nhanh chóng và đẩy mạnh hơn nữa. Đầu tư tư nhân về cơ bản khó tăng mạnh do khó khăn của khu vực doanh nghiệp nên việc gia tăng giải ngân và chất lượng vốn đầu tư công đóng vai trò then chốt", ông Thành cho biết.
Chính phủ cần kích thích tiêu dùng tư nhân bằng việc ổn định vĩ mô, điều chỉnh thuế thu nhập, tăng tính lành mạnh các thị trường tài sản và đẩy mạnh các chính sách an sinh xã hội (ASXH). Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tận dụng khu vực FDI để đẩy mạnh xuất khẩu cũng là giải pháp cần chú trọng.
"Tuy nhiên, nền kinh tế về dài hạn không thể trông chờ vào đầu tư công mà cần có giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, khơi thông lại nguồn lực đầu tư tư nhân trở thành động lực tăng trưởng chính và quan trọng nhất", ông Thành cho hay.
Từ những phân tích và đánh giá tình hình thực tế của Việt Nam cũng như trong bối cảnh kinh tế thế giới, nhóm tác giả đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách vĩ mô thúc đẩy tổng cầu. Theo đó về phía tài khóa, Chính phủ có thể xem xét tiếp tục đẩy mạnh CSTK nghịch chu kỳ nhằm thúc đẩy tổng cầu và đạt được tăng trưởng ổn định trong bối cảnh suy thoái, đặc biệt khi ngân sách không quá căng thẳng và nợ công có xu hướng giảm.
Cần tích cực và chủ động sử dụng CSTK trong kích thích tăng trưởng nhằm đối phó với những vấn đề của suy giảm tăng trưởng. Cụ thể, Chính phủ cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công một cách có hiệu quả và có thể xem xét tiếp tục giảm một số loại thuế và phí để hỗ trợ doanh nghiệp và để kích cầu.
Về phía tiền tệ, báo cáo cho biết, để tạo điều kiện hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu, NHNN cần ban hành và chỉnh sửa một số văn bản pháp lý liên quan tới tiếp cận tín dụng. Đồng thời, NHNN cần triển khai một số chính sách nhằm tăng cường mức độ tiếp cận tín dụng, nhất là đối với nhóm DNNVV, cũng như giảm lãi suất cho vay.
Ví dụ như đẩy mạnh công tác đối thoại, kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, tuyên truyền, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc; ban hành quy định cụ thể yêu cầu các TCTD công bố công khai các thông tin quan trọng trong cấp tín dụng như: lãi suất cho vay bình quân, các loại phí suất, cách tính phí, lãi suất thực bình quân theo năm.