Ảnh minh họa.
Nhắc đến nhà Minh, hẳn nhiều người thường nghe đến hai vị Hoàng đế là Minh Thái Tổ và Minh Thành Tổ nhiều nhất. Chu Nguyên Chương dựa vào bản lĩnh của bản thân để mở ra một triều đại mới, còn Chu Đệ dùng biết bao thủ đoạn dần cũng khiến địa vị bản thân ngày một vững chắc.
Hơn thế, bản thân Chu Đệ là một vị Hoàng đế có tầm nhìn xa, dưới thời ông trị vì Đại Minh không chỉ cường thịnh mà còn có tầm ảnh hưởng rất lớn trên phạm vi quốc tế. Song trên thực tế, ngoài hai vị Hoàng đế kể trên, có một người khác mới thực sự là vị Hoàng đế vĩ đại nhất nhà Minh song rất ít người biết đến ông. Người đó chính là Hoàng đế Minh Thế Tông.
Minh Thế Tông là Hoàng đế thứ 12 của nhà Minh. Ông cai trị tổng cộng 45 năm, từ năm 1521 tới năm 1567, trở thành một trong những vị hoàng đế Trung Quốc tại vị trên ngai vàng lâu nhất. Trong suốt thời gian trị vì, ông chỉ dùng một niên hiệu là Gia Tĩnh nên chính sử gọi ông là Gia Tĩnh Đế.
NHỮNG THÀNH TÍCH CỦA VUA MINH THẾ TÔNG
Về thân thế, Minh Thế Tông là người con trai thứ hai của Hưng Hiến vương, ban đầu ông không hề có liên quan gì đến ngôi báu, nhưng vì Hoàng đế không có con trai, cho nên Trương Thái hậu cùng Dương Đình Hòa liền quyết định để ông lên ngôi Hoàng đế.
Tranh vẽ chân dung Minh Thế Tông
Năm ấy Minh Thế Tông mới chỉ 16 tuổi. Vì phải nhờ có người khác tiến cử Minh Thế Tông mới lên được ngôi báu, thêm vào đó khi ấy tuổi tác ông vẫn còn nhỏ nên thời gian đầu việc triều chính đều nằm trong tay của Tể tướng.
Song, chẳng bao lâu sau, Minh Thế Tông bằng cách nói gần nói xa, vừa đe dọa vừa ban ân, dần dần cũng thâu tóm toàn bộ quyền lực về tay mình, hơn thế cả quá trình cũng rất hòa bình, yên ả.
Ba năm sau, Dương Tể tướng xin cáo lão về quê, Minh Thế Tông cũng chính thức trở thành một vị Hoàng đế đúng nghĩa.
Từ điểm này có thể thấy, Minh Thế Tông là một người rất tài năng. Từ trước đến nay, việc hoàng đế thu lại quyền lực chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, thậm chí sau này ngay cả Khang Hi cũng phải đổ máu mới có thể thu lại quyền lực về tay, nhưng Minh Thế Tông lại chỉ bằng chất vấn, đã khiến Tể tướng cam lòng thoái lui, năng lực này của ông khiến người khác vô cùng khâm phục.
Sau khi bản thân nắm được quyền lực, Minh Thế Tông bắt đầu đề bạt các quan viên mình hài lòng. Những người như Trương Cư Chính, Nghiêm Tung, Từ Giai cũng chính trong thời gian này mà thượng vị, Thích Kế Quang, Du Đại Du cũng xuất đầu lô diện từ đây, nhờ có sự giúp đỡ của các thần tử này nên tiềm lực quốc gia của Đại Minh ngày một lớn mạnh, đạt được thành quả nhất định trong việc chống lại giặc Oa cùng sự xâm lăng từ các ngoại tộc khác.
Tranh vẽ quần thần thời Minh.
Tuy nhiên, dù có tài năng nhưng Minh Thế Tông không được đánh giá cao, nguyên nhân là bởi ông không phải là một vị Hoàng đế chăm chỉ, siêng năng. Trong lịch sử nhà Minh chúng ta có thể nhận ra xu hướng này một cách rõ ràng.
Là người đứng đầu một đất nước, người lãnh đạo không thể việc gì cũng phải đích thân làm, giống như Ung Chính, quá mức cầu toàn khiến bản thân mệt mỏi đến bệnh, người lãnh đạo như vậy không phải người lãnh đạo tốt, cho nên trong điểm này Minh Thế Tông cũng không hẳn là sai.
Nhưng cũng bởi vì sự lười biếng và cẩu thả trong 18 năm cuối trị vì, ông đã để xảy ra một số vấn đề. Cụ thể là Minh Thế Tông đã trầm mê Đạo giáo và nhiều người đã lợi dụng các thủ đoạn lừa bịp để lừa gạt ông. Không chỉ thế, Minh Thế Tông còn không ngừng cho tu sửa, xây dựng nhưng nơi tu đạo, gây lãng phí tài chính vô cùng lớn.
Về mặt dùng người, Minh Thế Tông tuy đã bổ nhiệm những vị quan chính trực như Trương Cư Chính nhưng cũng trọng dụng lầm gian thần, từ đó gây nên rất nhiều vấn đề, nhiều công thần bị ông sát hại.
Tuy nhiên, những năm cuối đời, Minh Thế Tông vẫn trừng trị gian thần Nghiêm Tung, trọng dụng Từ Giai, chính quyền Đại Minh một lần nữa đi đúng quỹ đạo.
Theo đánh giá của trang Sohu (Trung Quốc), con người đều sẽ phạm phải một số sai lầm, tuy rằng Minh Thế Tông đã trọng dụng sai một số người, nhưng ông cũng vì nhân dân thực hiện rất nhiều chính sách cải cách, thay đổi chế độ khoa cử, diệt trừ ngoại thích, trả ruộng đất cho dân… Tất cả những việc này đã nói lên một điều, Minh Thế Tông không phải một vị hôn quân như chúng ta vẫn nghĩ, ngược lại ông còn là một Hoàng đế rất vĩ đại.