Giao thừa cúng trong nhà hay ngoài trời trước
Cúng giao thừa ngoài trời làm trước nhằm "nghênh tân, tiễn cửu"
Lễ cúng Giao thừa hay còn gọi là lễ Trừ Tịch được các gia đình thực hiện vào khoảng giờ Tý, tức là từ 23 giờ ngày 30 Tết đến 1 giờ mồng 1 Tết.
Lễ này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với các gia đình, bởi đó là thời điểm bỏ đi hết những điều xấu của một năm cũ để đón chào những điều tốt đẹp của năm mới.
Trong ngày lễ quan trọng này, theo phong tục, người ta thường phải làm hai lễ, một lễ cúng Giao thừa trong nhà và một lễ cúng ngoài trời.
Các chuyên gia lưu ý, lễ cúng Giao thừa ngoài trời phải làm trước nhằm “nghênh tân, tiễn cửu” tức là đón quan hành khiển mới, tiễn quan hành khiển cũ. Sau đó mới đến lễ trong nhà.
Cúng Giao thừa ngoài trời
Mâm cúng giao thừa ngoài trời.
Thông thường, lễ cúng giao thừa ngoài trời gồm ngũ quả, hương, hoa, đèn, nến, trầu cau, muối gạo, trà, rượu, quần áo và mũ nón mũ thần linh, mâm lễ mặn với thủ lợn luộc, gà trống luộc, xôi, bánh chưng...
Nếu là phật tử có thể cúng mâm lễ chay.
Lễ này được bày lên bàn ở trước cửa nhà. Đến thời điểm giao thừa, người chủ gia đình phải thắp đèn, nến, rót rượu, rót trà, rồi khấn vái trước án.
Văn khấn có thể viết vào giấy để đọc. Sau khi hết 3 tuần hương thì hóa tờ giấy viết văn khấn cùng vàng mã dâng cúng.
Cúng Giao thừa trong nhà
Mâm cúng giao thừa trong nhà
Lễ cúng gồm ngũ quả, vàng mã, hương, hoa, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (bánh tét), bánh giầy, bánh kẹo.
Ngoài ra, mâm cỗ cúng có thể là cỗ mặn hoặc cỗ chay.
Tuy nhiên, theo một số người, sau khi đã cúng Giao thừa ngoài trời thì lễ cúng trong nhà có thể đơn giản hơn. Chỉ cần hương, hoa quả, trầu cau
Sau khi bày biện lễ đủ, gia chủ đốt đèn, nến, thắp hương và thành kính cầu khấn. Khi cúng, các thành viên trong gia đình cùng đứng trước ban thờ.
* Lưu ý: Khi thắp hương, chỉ cần cắm mỗi bát một nén hương và cắm thẳng, không được cắm nghiêng.