Một cặp vợ chồng đã dành gần hết khoản tiền tiết kiệm (80.000 nhân dân tệ) để đặt cọc mua một căn hộ ở TP Vận Thành, tỉnh Sơn Tây - Trung Quốc và dùng nó làm món quà đính hôn cho con trai út.
Điều kiện tiên quyết
Căn hộ nằm trong dự án chung cư hạng sang cao 15 tầng nhìn ra một hồ muối nổi tiếng của Vận Thành.
Tuy nhiên, nỗ lực của vợ chồng họ gặp bất trắc khi nhà đầu tư cạn tiền và phải ngưng thi công. Giấc mơ có nhà của cậu con trai 24 tuổi tan thành mấy khói còn đám cưới bị hoãn.
Ở Vận Thành cũng như nhiều nơi khác tại Trung Quốc, đàn ông muốn lấy vợ bắt buộc phải đáp ứng được điều kiện tiên quyết là có nhà riêng.
“Tôi đã gọi đường dây nóng của thị trưởng, gõ cửa các cơ quan chức năng để kiến nghị nhưng vô vọng” - người con trai đề nghị được gọi là Lưu Dương (không phải tên thật) này than thở.
Hiện anh sống cùng vị hôn thê trong một căn hộ thuê. Tuy nhiên, bố mẹ vợ tương lai đã ra tối hậu thư là anh phải có nhà thì mới được lấy con gái họ.
“Nếu tôi không thể có được một ngôi nhà, sẽ không có chuyện cưới hỏi. Nếu ai hỏi cảm thấy sao, tôi chỉ có thể nói rằng rất tuyệt vọng” - anh cho biết. Anh trai của Lưu Dương gặp may hơn khi được cha mẹ mua nhà trước đó, cũng vì mục đích kết hôn.
Câu chuyện của anh Lưu rất phổ biến tại Trung Quốc, nơi không ít cha mẹ dùng tiền để dành mua nhà cho con cái ở thành phố, giúp chúng có công việc tốt hơn, tiếp cận với những tiện nghi ít có ở miền thôn quê.
Tuy nhiên, theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, dự tính của họ đổ bể do hàng loạt dự án bất động sản ngừng xây dựng vô thời hạn vì nhà đầu tư cạn vốn hoặc phá sản.
Giờ đây, gia đình anh Lưu và khoảng 100 người mua nhà khác đang tìm mọi cách để lấy lại tiền đặt cọc hoặc có được sự bảo đảm từ nhà đầu tư rằng họ sẽ có nhà ở.
Lưu Dương chưa thể cưới vợ vì dự án chung cư hạng sang mà cha mẹ anh ta bỏ tiền đặt cọc đã ngưng thi công Ảnh: SCMP
Tầng lớp trung lưu mới
Nỗ lực khuyến khích hàng trăm triệu người dân ở nông thôn chuyển ra thành thị sinh sống được xem là yếu tố quan trọng đằng sau sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc thời gian qua.
Bắc Kinh vẫn xem đô thị hóa là động lực tăng trưởng trong nhiều năm hoặc thập kỷ tới.
Tuy nhiên, thay vì thu hút quá nhiều người đến các đại đô thị, Bắc Kinh đang cố gắng tạo ra một tầng lớp trung lưu mới ở những thị trấn hoặc thành phố nhỏ hơn, được bao quanh bởi các vùng nông thôn.
Mục tiêu đặt ra là nâng tỉ lệ đô thị hóa từ 53% lên 60% vào năm 2020.
Bắc Kinh từng mô tả quá trình nói trên là “3 nhiệm vụ 100 triệu người”, tức biến 100 triệu dân nông thôn thành cư dân thành thị, đưa 100 triệu người từ các thị trấn lụp xụp đến sống tại các khu dân cư hiện đại, tạo công ăn việc làm cho 100 triệu người tại những thành phố gần quê nhà họ.
Dù vậy, giữa những mục tiêu trên và những gì diễn ra thực tế đang có khoảng cách lớn. Nội lực kinh tế của một số tỉnh, thành quá yếu nên không thể tạo đủ việc làm và dịch vụ cho cư dân đô thị mới.
Một báo cáo của Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc công bố hồi tháng 4 cho thấy chưa đến 10% lao động di cư chuyển đến những thị trấn nhỏ.
Một số người nghĩ rằng kế hoạch đô thị hóa hiện nay của Trung Quốc là nỗ lực vô ích nhằm cản trở làn sóng người và tiền đổ về các thành phố lớn.
Tương lai đô thị hóa ở Trung Quốc sẽ được quyết định bởi lựa chọn của những người trẻ tuổi như Gia Kiệt, thay vì kế hoạch của chính phủ.
Hiện làm việc cho một công ty trò chơi trực tuyến ở Bắc Kinh, cô Gia cho biết mình thích sống ở thủ đô hơn là thành phố quê nhà Vận Thành, nơi những kỹ năng nghề nghiệp của cô không có đất dụng võ.
Dù vậy, cô Gia sẽ phải vượt qua không ít trở ngại nếu muốn có chỗ ở ổn định tại những đô thị lớn như Bắc Kinh, trong đó có giá nhà cao.
Thừa cung, thiếu cầu
Những dự án bất động sản còn dang dở hoặc không ai mua tại những thành phố loại 3 và 4 đang khiến giới lãnh đạo Trung Quốc không khỏi đau đầu.
Việc giảm bớt tình trạng thừa cung - thiếu cầu đang là ưu tiên chính sách hàng đầu của Bắc Kinh trong năm nay. Nhiều chính quyền địa phương đang tìm cách khuyến khích người dân có hộ khẩu nông thôn mua nhà ở đô thị.