Phi công Pháp bức bối
Không quân Pháp đóng vai trò rất quan trọng, mang tính quyết định đối với triển vọng xuất khẩu của tiêm kích đa năng Rafale do Tập đoàn Dassault sản xuất, nhưng những hoạt động hỗ trợ bán hàng lại đang là gánh nặng, lấy đi khá nhiều thời gian huấn luyện của họ.
Đó là lời chia sẻ thống thiết của ông André Lanata - Tham mưu trưởng Không quân Pháp khi báo cáo Ủy ban Ngoại giao, Quốc phòng và các lực lượng vũ trang thuộc Thượng viện Pháp.
"Nhu cầu hỗ trợ xuất khẩu ngày càng cao khiến chúng tôi phải giảm thời lượng huấn luyện cho các kíp bay", ông André Lanata nói trước Thượng viện từ hôm 12/10, nhưng mãi tới nay mới được tiết lộ trên trang Defensenews.
Trong khi đó, yêu cầu sẵn sàng chiến đấu cao đặt ra áp lực nặng nề, đòi hỏi mất nhiều thời gian đào tạo phi công và các thành phần đảm bảo để đạt được các kỹ năng một cách thuần thục. "Đây chính là những thách thức", ông nói.
Các phi xuất không kích cường độ cao ở Syria và Iraq đã khiến số giờ bay của các phi công tiêm kích Rafale tăng lên tới 168 giờ trong năm nay, cao hơn mức 159 giờ theo kế hoạch phân bổ ngân sách quốc phòng đã có. Trong năm tới, các phi công có thể sẽ được bay 164 giờ.
Tuy nhiên, cao hơn cả mức độ sẵn sàng chiến đấu, còn có "những yêu cầu phải ưu tiên hơn trong việc hỗ trợ xuất khẩu tiêm kích Rafale" ông nói. "Chúng tôi chúc mừng những thành tựu xuất khẩu đã đạt được, đây là tin vui với ngành công nghiệp quốc phòng, với không quân, với ngân sách quốc phòng và với cả nước Pháp".
Dịch vụ mà chúng tôi tham gia cung cấp chủ yếu là công tác đào tạo cho khách hàng, có đặc thù riêng và dựa trên những kinh nghiệm thực chiến mà Không quân Pháp có được, là điểm quan tâm mấu chốt của khách hàng. "Đó là một trong những yếu tố đảm bảo xuất khẩu thành công", ông nói thêm.
Tiêm kích đa năng Rafale.
Những yếu tố khác ảnh hưởng đến thời gian huấn luyện bao gồm phi công phải đưa dòng máy bay tiêm kích 2 động cơ này tham gia các cuộc tập trận quân sự hoặc bay tới các cuộc triển lãm hàng không, trình diễn thiết bị và công nghệ kèm theo lực lượng kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Tất cả điều đó không thể bỏ qua và thậm chí còn là tình huống ưu tiên hàng đầu, sự hỗ trợ của Không quân đã giúp ngành công nghiệp quốc phòng phát triển và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược dài hạn giữa nước Pháp nói chung và Không quân Pháp nói riêng với các khách hàng.
Cần phải chú trọng tới trình độ của đội ngũ nhân viên, ông nói thêm, các dịch vụ hỗ trợ cung cấp đều được trả công sòng phẳng.
Máy bay là thành tố quan trọng trong biên chế Không quân, và các quyết định quan trọng về lực lượng răn đe hạt nhân từ trên không thế hệ kế tiếp nên được bắt đầu vào thập kỷ tới và sẽ quyết định tương lai của máy bay.
Một yêu cầu quan trọng là trong năm 2018 Không quân Pháp phải nhận được 3 chiếc Rafale, sau khi chỉ nhận được mỗi 1 chiếc trong năm 2017.
Tăng cường sản xuất đáp ứng đơn hàng xuất khẩu
Các máy bay sắp được bàn giao sẽ đưa vào biên chế bổ sung cho phi đội tiêm kích Rafale thứ 2 đặc trách nhiệm vụ tấn công hạt nhân. "Thiếu những máy bay này, tôi không thể đảm bảo hoàn thành những yêu cầu tác chiến tối quan trọng".
Ba chiếc sẽ được bàn giao năm 2018 được dùng để bù đắp cho từng ấy chiếc đã được chuyển giao cho Ai Cập năm ngoái theo hợp đồng xuất khẩu đầu tiên của dòng máy bay này.
Tiêm kích đa năng Rafale.
Sau năm 2018, sẽ không còn chiếc Rafale nào được bàn giao cho tới tận năm 2021, thời điểm tái khởi động bàn giao loạt cuối cùng theo các đơn đặt hàng giai đoạn 4 đối với dòng máy bay này. Ngân sách phân bổ hoàn toàn đủ đảm bảo mua 28 chiếc Rafale mới để thay thế các máy bay Mirage-2000D bị loại biên.
Sau khi loạt máy bay cuối cùng được giao sẽ nâng tổng số tiêm kích Rafale có trong biên chế lên 185 chiếc, đúng theo kế hoạch mua sắm đã được phê duyệt. Tính đến thời điểm này, Pháp đã xuất khẩu được 84 chiếc Rafale, trong đó Ai Cập và Qatar mỗi nước mua 24 chiếc và Ấn Độ đặt hàng 36 chiếc.
Các cuộc đàm phán về hợp đồng mới cũng đã và đang được tiến hành với Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE).
Dassault là nhà thầu chính trong việc chế tạo tiêm kích Rafale, tích hợp với hệ thống radar - điện tử hàng không của Thales và 2 động cơ M88 của hãng Safran, còn Tập đoàn MBDA chuyên cung cấp tên lửa.
Hiện Dassault đang phải bố trí lại dây chuyền nhằm nâng số lượng máy bay Rafale xuất xưởng nhằm đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu cho khách hàng nước ngoài và sẵn sàng cho giai đoạn giao hàng tiếp theo cho Không quân Pháp sau thời gian ngưng trệ.