'Không nên chuyển F0 giữa đêm nếu thực sự không cấp cứu'

N. Huyền |

“Không nên chuyển ca F0 giữa đêm giữa hôm nếu thực sự không cấp cứu, để F0 và nhân viên y tế có sức khỏe phục vụ chống dịch lâu dài”.

Bệnh viện Đức Giang, BV được giao điều trị tầng 3 cho bệnh nhân nặng trên địa bàn Thành phố

Bệnh viện Đức Giang, BV được giao điều trị tầng 3 cho bệnh nhân nặng trên địa bàn Thành phố

Đây là ý kiến của PGS. TS Hoàng Bùi Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19 (trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) trước thực trạng F0 ở Hà Nội tăng nhanh.

F0 tăng nhanh, Hà Nội nên làm gì?

Đứng trước thực trạng số ca F0 tăng nhanh ở Hà Nội, đáng lưu ý là trong một số bệnh viện thì nhóm nặng, nguy kịch không nhiều. Nhóm tầng 3 đại đa số là chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ, có bệnh nền, rất già. Thành phố đã có chủ trương cho các F0 nguy cơ thấp (tầng 1) được tự theo dõi sức khỏe tại nhà.

PGS. TS Hoàng Bùi Hải, cho rằng, Hà Nội nên thực hiện một số việc:

1.Tuyên truyền cho người dân và cán bộ địa phương là các ca F0 đa số có thể tự khỏi và chỉ cần ở nhà tự cách ly mà không cần bất cứ thuốc gì.

2. Một số nơi thu dung tầng 1, nếu đang hoạt động thì sau 4 ngày theo dõi F0 thấy ổn định, không chuyển nặng thì cho ra viện theo dõi tại nhà.

3. Giữa các tuyến chuyển bệnh nhân trên tinh thần thực lòng và thực chất: Nặng lên thì chuyển lên, nhẹ đi thì chuyển xuống, tầng 3 không đặt mục tiêu ra viện.

4. Không làm xét nghiệm PCR đại trà nữa; test nhanh dương cho tự cách ly ở nhà.

5. Rà soát tiêm vắc xin, phủ tiêm vắc xin cho tất cả các đối tượng thuộc diện được tiêm mà chưa được tiêm. Đi đến tận nhà để tiêm, không cần căn cứ hộ khẩu hay danh sách. Nếu ai cố tình không tiêm vắc xin bị bệnh nặng có thể phải tự chi trả tiền điều trị.

6. Điều trị hồi sức tích cực cần cá thể hoá người bệnh, chuyên sâu; phối hợp giữa các nhóm chuyên sâu tầng 3 (không làm hàng loạt kiểu đại dịch).

7. Y tế địa phương hiểu rõ để không yêu cầu và thả nổi cho F0 tự tìm chỗ đi cách ly, gieo ý nghĩ nếu không đi là vi phạm, là thiếu trách nhiệm với cộng đồng, với gia đình…

8. Không xét nghiệm thì mẫu số không cao, nên sẽ khó để nhận biết tỷ lệ tử vong đã giảm, song không phải giảm bằng mọi giá như cách chuyển những ca tiên lượng rất xấu sang địa phương khác hay khu vực thống kê khác.

9. Cách ly F0, theo dõi bằng công nghệ thì nên trả tiền cho người trang bị công nghệ, dụng cụ theo dõi và người theo dõi F0 từ xa.

10. Không nên lọ mọ chuyển F0 giữa đêm giữa hôm nếu thực sự không cấp cứu, để F0 và nhân viên y tế có sức khỏe phục vụ chống dịch lâu dài.

Nói về tình trạng F0 thể nhẹ chưa được điều trị tại nhà 100%, PGS Hoàng Bùi Hải đưa ra lời khuyên, người dân sau khi nhận được kết quả dương tính, cần hết sức bình tĩnh theo dõi sức khỏe của bản thân, sau đó gọi điện cho cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn cụ thể.

Một loạt quận, phường đổi màu sang “vùng cam”

Theo công bố đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống Covid-19 của TP Hà Nội, chiều 11/12, toàn thành phố vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, màu vàng), 21 quận, huyện cùng cấp độ 2.

Tám quận, huyện, thị xã cấp độ 1 (nguy cơ thấp, màu xanh) gồm: quận Long Biên, các huyện Ba Vì, Ứng Hoà, Sóc Sơn, Thạch Thất, Phúc Thọ, Phú Xuyên và thị xã Sơn Tây. Trong số tám đơn vị đạt cấp độ 1, có đến 7 huyện thị vẫn duy trì cấp độ như trong lần đánh giá trước, riêng Long Biên từ cấp độ 2 tuần trước chuyển sang cấp độ 1.

Với trên 1.300 ca mắc mới trong hai tuần qua và tỷ lệ số ca mắc cộng đồng/100.000 dân là 177, quận Đống Đa được đánh giá ở cấp độ 3. Quận này cũng chiếm 7 trên tổng số 13 phường, xã cấp độ 3 (Khâm Thiên, Trung Phụng, Quốc Tử Giám, Văn Miếu, Phương Liên, Khương Thượng, Thổ Quan) ở Hà Nội.

Sáu phường, xã cấp độ 3 khác gồm: Phường Hàng Gai (Hoàn Kiếm); phường Đội Cấn (Ba Đình), phường Quảng An (Tây Hồ); Các xã Yên Viên, Yên Thường (Gia Lâm) và xã Vân Nội (Đông Anh);

Thành phố có 439 xã, phường, thị trấn cấp độ 1 (giảm 84 đơn vị so với tuần trước); 127 xã, phường cấp độ 2 (tăng 74 đơn vị so tuần trước); 13 phường cấp độ 3 (tăng 10 đơn vị so với tuần trước) và không có địa bàn nào cấp độ 4.

Việc lần đầu tiên từ khi đánh giá cấp độ dịch, Hà Nội có quận ở cấp độ 3 và số phường, xã ở cấp độ 3 tăng hơn 4 lần so với tuần trước đó phản ánh thực tế diễn biến dịch của thành phố những ngày gần đây, khi số ca mắc mới trong 2 tuần qua lên đến trên 7.400 (hai tuần trước số ca khoảng 4.000 ca).

Tuần qua, nhiều ngày liên tiếp thành phố ghi nhận số ca mắc mới từ 600-700 ca/ngày. Hôm qua (10/12), Hà Nội đã lập kỷ lục mới với 863 ca/ngày, nhiều nhất từ trước đến nay. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29/4 đến nay) là 16.822 ca, trong đó số ca cộng đồng 6.341.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại