Sáng 10/12, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố trên địa bàn thủ đô năm 2021. Trong 38 đường được đặt tên có 2 con đường giao nhau mang tên Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh.
Phố Lưu Quang Vũ thuộc quận Cầu Giấy hiện đang là ngõ Trung Yên 3. Phố kéo dài từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Khang tại số nhà 69 đến ngã ba giao cắt ngõ 22 Trung Kính, đối diện trường THCS Yên Hòa. Phố dài 430m, rộng 17,5-26m (lòng đường 7,5-13m, vỉa hè mỗi bên từ 5 đến 6,5 m).
Trên phố Lưu Quang Vũ có nhiều biệt thự lớn, diện tích khoảng 100-400m2. Nhà biệt thự, liền kề ở đây đang được rao bán với mức 200-300 triệu đồng/m2. Vì thế, những căn biệt thự này có thể có giá lên tới vài chục tỷ đồng hoặc vài triệu USD.
Ngã tư giao cắt phố Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh có tới 3 biệt thự 2 mặt tiền. Đây đều là những căn có diện tích lớn và giá trị rất cao.
Phố Xuân Quỳnh hiện là ngõ Trung Yên 11, dài 470 m, rộng 10 m. Phố thuộc quận Cầu Giấy, bắt đầu từ ngã ba giao cắt với phố Vũ Phạm Hàm, đối diện Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 (số 5 Vũ Phạm Hàm) đến ngã ba giao cắt đối diện tòa nhà Trung Yên Plaza (UDIC).
Con phố nhỏ tràn ngập màu xanh với 2 hàng cây khép tán. Không những thế, tại đây có nhiều căn biệt thự còn phủ xanh mặt tiền với cây dây leo.
Lòng đường phố Xuân Quỳnh rộng 6 m, mỗi bên vỉa hè rộng 2 m.
Phố Xuân Quỳnh tiếp giáp với công viên Trung Yên. Đây là không gian xanh quý giá, làm tăng giá trị cho bất động sản nơi đây.
Ông Nguyễn Đình Minh (nhà ở ngõ 81 Trung Kính) cho biết, dù đã chuyển đến đây 15 năm nhưng vẫn không thể thuộc đường do nơi đây quá nhiều ngõ, nhiều lô. Việc đặt tên đường sẽ tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm. Không những thế, theo ông, Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đều là những nhà thơ nổi tiếng nên việc đặt tên đường để tri ân là điều cần thiết.
Ông Nguyễn Quốc Tiến (nhà ở phố Xuân Quỳnh) cho biết tổ dân phố của ông đã kiến nghị để đặt tên đường từ khá lâu. Và khi biết được đặt tên là Xuân Quỳnh thì ông khá vui mừng. Ông Tiến cho biết mình thường xuyên đọc thơ của Xuân Quỳnh và từng đến nhà hát để xem các vở kịch nổi tiếng của Lưu Quang Vũ như: Tôi và chúng ta, Lời thề thứ 9.
Vị trí của phố Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh.
Lưu Quang Vũ sinh năm 1948 tại Hạ Hoà (Phú Thọ). Ông là nhà soạn kịch, nhà thơ và nhà văn hiện đại của Việt Nam. Ông là tác giả của gần 50 vở kịch, trong đó có nhiều vở nổi tiếng như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Khoảnh khắc và vô tận, Ông không phải bố tôi, Tôi và chúng ta, Tin ở hoa hồng, Nàng Sita, v.v.
Thơ Lưu Quang Vũ không chỉ bay bổng, tài hoa mà còn giàu cảm xúc, trăn trở, khát khao. Rất nhiều bài thơ của anh được bạn đọc yêu thích như: Và anh tồn tại, Tiếng Việt, Vườn trong phố, Bầy ong trong đêm sâu.... Ông còn là tác giả của nhiều truyện ngắn mang đậm phong cách riêng.
Lưu Quang Vũ kết hôn lần thứ nhất với diễn viên điện ảnh Tố Uyên năm 1969 và chia tay năm 1972 vì không hòa hợp. 2 người có một con trai tên là Lưu Minh Vũ, hiện đang là người dẫn chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam. Năm 1973, ông tái hôn với nhà thơ Xuân Quỳnh.
Xuân Quỳnh tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh. Bà sinh năm 1942 tại Hà Đông, Hà Nội. Bà nổi tiếng với nhiều bài thơ như Thuyền và biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, Tiếng gà trưa. Bà được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh vì những thành tựu cho nền văn học Việt Nam.
Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh có một người con trai tên là Lưu Quỳnh Thơ. Cả 3 đã cùng qua đời ngày 29/8/1988 trong một vụ tai nạn giao thông tại cầu Phú Lương (Hải Dương).