"Cú hích" từ Covid-19
Sự dịch chuyển sản xuất của các tập đoàn xuyên quốc gia khỏi Trung Quốc đã xuất hiện cách đây vài năm khi giá lao động ở Trung Quốc bắt đầu tăng lên. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên cầm quyền năm 2017 càng làm cho các tập đoàn xuyên quốc gia phải dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc để tránh mức thuế cao mà Mỹ đánh vào các mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc.
Đại dịch Covid-19 là một cú hích nữa đối với làn sóng chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc nhằm làm giảm sự phụ thuộc nguồn cung từ Trung Quốc. Hiện có hàng ngàn công ty Mỹ đã lên kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc, trong đó có nhiều công ty thuộc lĩnh vực chế tạo điện thoại di động, điện tử, thiết bị y tế, dệt may và chế biến thực phẩm.
Chính phủ Mỹ không chỉ muốn các công ty rời Trung Quốc về Mỹ, mà có thể chuyển sản xuất đến các nước thân thiện với Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo cho biết Mỹ đang làm việc với Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để bàn cách "tái cấu trúc các chuỗi cung ứng, không để tái diễn sự phụ thuộc vào Trung Quốc". Nhật Bản cũng đã công bố sáng kiến 2,2 tỷ USD hỗ trợ các hãng sản xuất muốn chuyển khỏi Trung Quốc và sang nước thứ ba.
Để đón nhận sự dịch chuyển các cơ sở sản xuất của Mỹ, Nhật khỏi Trung Quốc, nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và Nam Á đang tung ra những chính sách ưu đãi chưa từng có. Ngày 13/4, Ủy ban Đầu tư Thái Lan công bố loạt chính sách thu hút đầu tư mới gồm các biện pháp về thuế, sửa đổi Luật Kinh doanh nhằm nới lỏng quy định với đầu tư nước ngoài.
Một trong các biện pháp là giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm. Ưu tiên của Thái Lan là thu hút vốn đầu tư vào ngành y tế và công nghệ cao. Malaysia từ đã đưa ra một chương trình trị giá 240 triệu USD nhằm hỗ trợ thuế, tài chính cho các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư vào Malaysia.
Ấn Độ từng chậm chân trong thu hút đầu tư nước ngoài
Trong cuộc đua thu hút các tập đoàn dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, Ấn Độ đang tỏ ra là quốc gia tích cực nhất và cũng có những lợi thế lớn. Ấn Độ hiện đang là một trong 10 nước thu hút FDI nhiều nhất thế giới, với 49 tỷ USD năm 2019, tăng 16% so với 2018.
Lợi thế lớn nhất của Ấn Độ là nước này có một lực lượng lao động hơn 500 triệu và hàng năm bổ sung thêm 5 - 10 triêu người. Giá nhân công tại Ấn Độ còn rất rẻ, ví dụ giá nhân công trong ngành chế tạo chỉ từ 110 - 130 USD/tháng. Ấn Độ cũng có đội ngũ nhân lực có tay nghề đông đảo trong lĩnh vực công nghệ.
Lợi thế lớn thứ hai của Ấn Độ là nước này có một thị trường tiêu dùng nội địa khổng lồ, chỉ riêng trong năm 2019, người tiêu dùng Ấn Độ mua 3,8 triệu ô tô mới và 159 triệu điện thoại di động mới.
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, Ấn Độ đứng thứ 51 về cơ sở hạ tầng cảng biển, nhưng Ấn Độ đứng thứ 18 thế giới về cơ sở hạ tầng công nghệ và tự động hóa. Đây cũng là một lợi thế đáng kể cho Ấn Độ trong cuộc đua thu hút sự dịch chuyển sản xuất công nghệ cao từ Trung Quốc.
Đặc biệt, Ấn Độ có một nền công nghiệp phụ trợ với qui mô khá lớn trong các ngành chế tạo như chế tạo ô tô, các thiết bị cơ khí hạng nặng và hàng tiêu dùng. Điều này cho phép Ấn Độ dễ dàng đảm nhận các khâu khác nhau trong một qui trình sản xuất và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là một lợi thế hơn hẳn của Ấn Độ trong việc đáp ứng được các yêu cầu của các tập đoàn khi dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc tới Ấn Độ.
Để làm cho môi trường đầu tư thêm hấp dẫn, năm 2019, Chính phủ Ấn Độ đã giảm thuế doanh nghiệp từ mức 30% xuống 22%, và đối với một số công ty chế tạo, mức thuế thậm chí còn giảm xuống chỉ còn 15%.
Tuy nhiên, Ấn Độ cũng có những thách thức như tình trạng quan liêu trong các cơ quan chính quyền hay những khó khăn trong việc giải tỏa mặt bằng đất đai cho các dự án, khiến Ấn Độ đã từng chậm chân trong không ít các cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài.
Dấu ấn của ông Modi
Chính phủ Ấn Độ dường như thấy rõ điều đó và không muốn chậm chân một lần nữa trước những cơ hội lớn mang lại từ sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc. Ấn Độ đã nhanh chóng thiết lập một quỹ đất lên tới gần nửa triệu hecta trên toàn quốc để đón nhận làn sóng đầy cơ hội này.
Chính phủ Ấn Độ đã xác định hơn 500 lĩnh vực để thu hút đầu tư, trong đó ưu tiên 10 ngành trọng tâm gồm điện lực, dược phẩm, thiết bị y tế, điện tử, kỹ thuật nặng, thiết bị năng lượng Mặt trời, chế biến thực phẩm, hóa chất và dệt may.
Chính phủ nước này đã tiếp cận hơn 1.000 doanh nghiệp Mỹ và đưa ra các ưu đãi cho bất cứ công ty nào muốn chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc. Ấn Độ cũng cam kết sẽ thay đổi luật lao động, hoãn áp thuế giao dịch trực tuyến của các hãng thương mại điện tử...
Nhiều bang của Ấn Độ Uttar Pradesh, Tamil Nadu và Karnataka đã chủ động thiết lập các lực lượng đặc nhiệm để đưa ra các ưu đãi riêng và thực hiện chương trình cấp phép nhanh để thu hút các công ty Mỹ dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Đồng thời các đại sứ quán Ấn Độ ở nước ngoài cũng nhận được lệnh phải nhanh chóng xác định những công ty đang có ý định dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.
Hành động nhanh chóng trên đây của Ấn Độ để đón nhận sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc có dấu ấn rất rõ của cá nhân Thủ tướng Modi. Ông là một người nhiều kinh nghiệm thu hút đầu tư nước ngoài ngay từ khi còn làm thủ hiến bang Gujarat. Chính nhờ thành tích nổi bật trong việc đưa bang Gujarat phát triển đứng đầu Ấn Độ, ông Modi đã được bầu làm Thủ tướng Ấn Độ. Ông Modi giờ đây dường như đang muốn tạo nên một kỳ tích mới trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và đưa đất nước Ấn Độ phát triển sau đại dịch.