Nhiều năm sau sự kiện bong bong tài sản diễn ra vào đầu những năm 1990, Nhật Bản đã chuẩn bị nền tảng để đối diện với tình trạng giảm phát vào cuối thập kỷ đó. Tin xấu đối với nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, và có thể là tiền lệ cho nhiều quốc gia khác, đó là Nhật Bản vẫn đang chật vật để thúc đẩy mức giá chung của nền kinh tế tăng trở lại.
Takao Komine – cựu trưởng phòng nghiên cứu kinh tế của Bộ Kinh tế Nhật Bản, nhận định: "Cho đến khoảng năm 1997, Nhật Bản nghĩ rằng họ có thể lấy lại động lực tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính toàn cầu và việc nâng thuế thương vụ đã đập tan những hy vọng đó. Đây chính là bước ngoặt đối với những kỳ vọng đó."
Tăng trưởng giá tiêu dùng trong các nước phát triển từ năm 1990 đến 2018.
Điều đáng lo ngại là xu hướng tương tự bắt đầu "bén rẽ" ở những nền kinh tế phát triển khác, sau nhiều năm mức giá tăng trưởng yếu ớt. Theo kịch bản đó, Covid-19 đã trở thành yếu tố châm ngòi cho tình trạng giảm phát – khi người dân bắt đầu ngừng mua mọi thứ từ thiết bị gia dụng đến nhà mới, bởi họ cho rằng mức giá sẽ rẻ hơn trong tương lai. Theo những gì đã diễn ra ở Nhật Bản, thậm chí việc lãi suất ở gần mức 0 trong nhiều thập kỷ và những biện pháp nới lỏng định lượng cũng không đủ để xoay chuyển tư tưởng đó.
Nhu cầu trên toàn cầu sụt giảm, hoạt động kinh tế bị đình trị và giá dầu lao dốc mạnh có thể là tác nhân gây ra tình trạng lạm phát âm ở nhiều nền kinh tế, sau nhiều năm chứng kiến mức giá chung thấp khi trải qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Khi điều này xảy ra, thì mối nguy hiểm là mức giá vẫn tiếp tục đi xuống. Ngoài ra, mức lương cũng là một tín hiệu khác về nguy cơ giảm phát. Nếu mức giá giảm khiến người tiêu dùng không sẵn sàng chi tiêu và các công ty trì hoãn việc đầu tư, thì mức lương thấp hơn sẽ trở thành một phần trong chu kỳ này.
Mức lương tại Nhật Bản không tăng hơn 2% trong 2 thập kỷ qua.
Đường trung bình động 6 tháng đối với tăng trưởng tiền lương ở Nhật Bản đã lần đầu giảm xuống dưới mức 0 vào giữa năm 1998. Mức trung bình không quay trở về mức dương trong 7 năm sau đó. Ngoài ra, chi phí dịch vụ cũng là một yếu tố khác cần theo dõi, bởi khi biến động trong giá hàng hóa có thể khiến việc giải thích xu hướng của mức giá trở nên phức tạp hơn, thì chi phí dịch vụ có thể phản ánh đúng hơn về trạng thái cơ bản của thu nhập và nhu cầu trong nền kinh tế. Giá dịch vụ tăng ổn định thể hiện rằng áp lực lạm phát ở mức vững chắc và ngược lại.
Kazuo Momma – cựu kinh tế gia trưởng tại BOJ, nhận định: "Việc thiếu đi sự dịch chuyển trong chi phí dịch vụ là một trong những bằng chứng thể hiện về tư duy giảm phát. Sau nhiều năm không có lạm phát, người dân Nhật Bản cho rằng mức giá là một thứ gì đó không có gì khác biệt. Một khi quan điểm đó ăn sâu vào mỗi người dân, thì rất khó có thể thay đổi."
Trong khoảng 15 năm, Nhật Bản ghi nhận tỷ lệ lạm phát rất thấp trong ngành dịch vụ và hiện tại vẫn không có tiến triển. Nền kinh tế Nhật Bản đang tụt dốc và dân số già đang là một yếu tố khác được các nhà nghiên cứu và kinh tế nhấn mạnh để giải thích về cuộc chiến chống giảm phát. Về mặt nhân khẩu học, thì triển vọng của châu Âu cũng không tích cực hơn.
Tỷ lệ dân số già cao có thể ảnh hưởng đến xu hướng giá cả.
Các nhà kinh tế học của IMF viết trong một báo cáo hồi tháng 3: "Với tình trạng dân số trong độ tuổi lao động có xu hướng tiếp tục giảm vào năm 2040, tác động tiêu cực của nhân khẩu học đến tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên ở Nhật Bản có thể sẽ tăng lên, điều này có thể hạn chế tác động của chính sách tiền tệ trong việc phản ánh nền kinh tế."
Thủ tướng Shinzo Abe cho biết sai lầm lớn của ông là tăng thuế thương vụ 2 lần khi BOJ đang nỗ lực làm tất cả những gì có thể để nâng giá. Cho đến khi đại dịch xảy ra, việc cân đối ngân sách của Nhật Bản đã được cải thiện nhờ động thái nâng thuế và tăng trưởng kinh tế dưới thời ông Abe.
Paul Sheard, một thành viên cao cấp tại Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard, nhận định: "Vấn đề không phải là BOJ đã làm hoặc chưa làm điều gì, đó là việc thay đổi chính sách tiền tệ mạnh mẽ dưới thời Thống đốc Kuroda là một kiểu ‘con ngựa thành Troy’ nhằm củng cố tài khóa. Nếu mục tiêu đó có thể kết thúc tình trạng giảm phát và đảm bảo lạm phát ở mức thấp, thì đó là cách tiếp cận sai lầm."