Được con chu cấp, người già vẫn mất tự tin vì không tự chủ tài chính
Cô gái Vương Chiêu Vũ (36 tuổi, Trung Quốc) do dự 2 tháng trước khi gửi tin nhắn "cầu cứu" mẹ mình, Vương Lý từ quê lên thành phố phụ chăm cháu. Mẹ chồng đã giúp đỡ vợ chồng cô 2 năm, dễ thấy bà đã mệt mỏi nên Chiêu Vũ đành nhờ cậy mẹ mình. Vương Lý đang làm việc trong nhà ăn của một doanh nghiệp, công việc bận rộn từ 5h sáng đến 7h tối. Tuy vậy bà vẫn hài lòng vì vị trí này được đóng bảo hiểm, nếu làm đến năm 60 tuổi sẽ có lương hưu, được chi trả chế độ chăm sóc y tế.
Vương Chiêu Vũ biết nếu mẹ cô đến Bắc Kinh, đồng nghĩa với việc không đủ điều kiện nhận lương hưu nên Chiêu Vũ hứa sẽ đóng bảo hiểm hưu trí và mọi chi phí sinh hoạt cho bà. Vương Lý cũng không ngần ngại giúp con, xin nghỉ việc khăn gói lên thành phố.
Ảnh minh hoạ
Thế nhưng 2 tháng sau, cô con gái họ Vương phát hiện ra bà Lý không bao giờ ra ngoài chơi với những cụ bà cùng khu dù họ cũng đều là người từ quê lên sống cùng con cái. Nhóm các cụ bà này thường tụ tập đi du lịch, mặc đồng phục nhóm, cuối tuần lại xách vali đến một địa điểm mới. Những bức ảnh đăng lên mạng xã hội không bao giờ có mặt bà Vương Lý.
Vương Chiêu Vũ nói sẽ chi tiền để mẹ đi chơi nhưng Vương Lý lắc đầu ngay, không muốn con tốn tiền. Bà giải thích rằng những người bạn kia đều có lương hưu nên thoải mái chi tiêu và cũng tự tin hơn cho những nhu cầu cá nhân. Hồi trẻ họ đều làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp nên giờ mỗi tháng có thể nhận đến 5.000 NDT/tháng (khoảng 16 triệu đồng).
Lương hưu là cách để người cao tuổi không phụ thuộc vào con cái và là sự đảm bảo cho cuộc sống sau này. Tại khu nhà ở của họ, những người già không có lương hưu thường lựa chọn hình thức giải trí tiết kiệm như đánh cờ, uống trà trò chuyện. Nhóm có lương hưu lại đa dạng hoạt động hơn, đi du lịch, học đại học cho người già.
"Trốn" con đi làm để lo cho chính mình và các con
Giáo sư Triệu Diệu Huy, ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc) đã thực hiện "Khảo sát theo dõi lương hưu và sức khỏe Trung Quốc" từ năm 2007. Nghiên cứu của ông chỉ ra 50% người trên 70 tuổi ở nông thôn được khảo sát hiện vẫn đi làm.
Thanh Tuyền (28 tuổi, Trung Quốc) phát hiện ra mẹ mình đi làm trong một lần video call tình cờ nhìn thấy áo của nhân viên vệ sinh. Trước đây cha mẹ cô đều rất vất vả để mưu sinh nên sau khi đi làm, Thanh Tuyền và anh trai chu cấp cho gia đình 40.000 NDT/năm (132 triệu đồng). Số tiền này để trang trí chi phí sinh hoạt ở nông thôn không phải vấn đề. Vậy nên cô phản đối gay gắt việc mẹ đi làm, chỉ mong cha mẹ có thể an yên tuổi già.
Mẹ Thanh Tuyền bỏ công việc nhân viên vệ sinh nhưng sau đó tiếp tục xin vào một nhà máy tại địa phương. Công việc 8 tiếng/ngày vất vả nhưng cụ bà này luôn có nhiều lý do để đi làm như "ở nhà nhiều thấy ngộp thở", "được trò chuyện với đồng nghiệp rất vui".
Nhà máy nơi mẹ Thanh Tuyền làm việc
Tài chính vẫn là vấn đề khiến nhiều người già trăn trở, không chỉ cho chính họ mà còn là cho con cái. Cả Thanh Tuyền và anh trai dù cố gắng chu cấp nhiều tiền cho cha mẹ nhưng bản thân họ đều đang trả tiền thế chấp mua nhà. Vậy nên người mẹ hy vọng có thể phụ giúp các con khi vẫn còn sức khoẻ.
Vương Chiêu Vũ không phản đối chuyện cha mẹ đi làm vì theo cô, nhiều người già cần "cảm thấy mình có giá trị". Cô chỉ hy vọng họ có thể làm những công việc "ít mệt mỏi". Khi mẹ Chiêu Vũ lên thành phố phụ cô chăm cháu, bố cô vẫn làm lái xe cho một nhà máy dược phẩm tại quê nhà. Đó là bởi Chiêu Vũ còn một người em trai chưa kết hôn nên bố cô muốn tích lũy nhiều tiền nhất có thể.
Ảnh minh hoạ
Trên thực tế, nhiều người ở độ tuổi 50-60 chủ động đi làm có mức lương khá cao nhưng cũng khó dư dả vì nhiều trách nhiệm đặt lên vai. Như trường hợp của ông Vương Trung Hưng (53 tuổi) ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) có mức lương 9.000 NDT/tháng, không bao giờ tiêu tiền vào việc giải trí. "Tôi có 3 người con phải nuôi ăn học và phụng dưỡng cha mẹ già ở quê. Dù có lương hưu, tôi vẫn tiếp tục làm việc để không phải lo thiếu hụt tài chính", ông Vương cho biết.
Bài/Ảnh: Toutiao