Tâm thức khởi nghiệp của dân tộc Việt ta có từ thời Hùng Vương hàng nghìn năm trước.
Câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ chia các con một nửa lên rừng một nửa xuống biển, phải chăng là khuyến khích tinh thần dấn thân, lập nghiệp, mở mang bờ cõi?
Việc đưa một nửa các con lên rừng, một nửa xuống biển là cách để các con đối diện với thực tế nghiệt ngã, mài giũa kinh nghiệm, giao thương với thế giới bên ngoài để tồn tại.
Dẫu còn sơ khai, hành động đó còn thể hiện tư tưởng bách gia bách nghệ và triết lý kinh doanh trứng bỏ nhiều giỏ.
Truyền thuyết bánh chưng bánh dày là thông điệp khá đầy đặn đề cao thành quả lao động sáng tạo và những giá trị sáng tạo mang lại.
Truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh, Mai An Tiêm đều đề cao những sản phẩm có giá trị khác biệt; những ai tìm ra những sản phẩm khác biệt, tạo nên giá trị đều đi tới thành công.
Chuyện thách cưới của vua Hùng, ngẫm ra, thật chí lý. Voi, phải là chín ngà; gà, phải là chín cựa; ngựa, phải chín hồng mao. Hơn nhau từ cái chất, từ sự khác biệt, hơn người!
Truyền thuyết không phải là lịch sử, nhưng thấp thoáng trong đó là thực tế thời đại.
Tâm thức khởi nghiệp của người Việt tiếp nối qua từng thời đại, mỗi triều đại.
Những năm đầu thế kỷ 20, Việt Nam đã có những doanh nhân được liệt vào hàng vua: Vua xà phòng Trương Văn Bền, vua đường thủy Bạch Thái Bưởi, vua vải sợi Trịnh Văn Bô...
Nhiều nhà yêu nước cách mạng đồng thời là những nhà duy tân, mang chí hướng đến các nước văn minh Á, Âu học hỏi cách thức khởi nghiệp tự cường để về truyền bá trong dân chúng, làm cho nước mạnh lên, thoát khỏi họa xâm lăng.
Chí sỹ Phan Châu Trinh là nhân vật tiêu biểu cho thiên hướng đó.
Ông chủ trương khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Cũng chính ông nhận thức rằng: Chỉ nên trông cậy ở chính mình, chớ vọng ngoại vì vọng ngoại ắt là chết.
Hãy coi trọng nền hòa bình của đất nước nếu chúng ta không muốn mua lấy cái chết. Sự giải thoát của chúng ta nằm chủ yếu trong sự học hành, mở mang trí tuệ.
Từ mùa xuân năm Bính Thân 2016, khái niệm khởi nghiệp, quốc gia khởi nghiệp được nhắc đến nhiều hơn hẳn, dần trở nên quen thuộc với người Việt Nam.
Quốc gia khởi nghiệp thành công sẽ có tâm thế thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay, nước lớn xấu bụng không dễ gì bắt nạt.
Một quốc gia có nhiều người giàu thì quốc gia đó mạnh. Một xã hội khởi nghiệp là một xã hội đề cao giá trị lao động chân chính, tôn vinh người giàu và người biết làm giàu, lấy mức đóng thuế làm thước đo đánh giá sự trung thực, tử tế của cá nhân
Không thể 'trên cởi, dưới thắt'
Để là quốc gia khởi nghiệp đâu chỉ có hô hào, cũng không thể trên cứ hô mà dưới không ủng, trên cứ phát mà dưới không động. Cũng đâu phải dân muốn khởi nghiệp, muốn làm giàu cứ tự do thoải mái đầu tư trí tuệ vốn liếng.
Nước có luật nhưng quan có lệ. Dân cần nhưng quan không vội. Trên cởi mà dưới thắt. Dưới muốn bung mà trên cố thít.
Rồi cái nếp hằn của thói xấu người Việt bao đời như thói ghen ăn tức ở, không muốn ai hơn mình, trì kéo nhau dưới cái tuyên ngôn dàn hàng ngang cùng tiến.
Lại cái hội chứng kinh doanh hót ngọn, ăn xổi, kinh doanh theo phong trào, thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào. Lại cái thói chịu khổ mà không chịu khó.
Lại còn cái chuyện định kiến coi thường doanh nhân Việt, coi thường hàng hóa Việt. Miệng nói ủng hộ khởi nghiệp nhưng lại nghĩ cách đào hố chăng dây rào chắn đường đi của doanh nhân.
Miệng nói tôi yêu hàng Việt nhưng từ đầu đến chân, từ trong ra ngoài toàn đồ ngoại. Ra nước ngoài, vào siêu thị, thấy hàng hóa made in Vietnam là quay lưng, dù hàng sản xuất tại Việt Nam nhưng chất lượng quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang rất kỳ vọng những khởi đầu quốc gia khởi nghiệp sẽ mang tới thành công.
Ông quyết chí, thực tâm cổ vũ và quyết liệt chủ trương chính phủ liêm chính, chính phủ kiến tạo, chính phủ phục vụ để những mầm khát vọng khởi nghiệp được đón ngọn gió lành tự tin kết hoa thơm trái ngọt.
Nhưng, một bàn tay vỗ không nên tiếng. Quyết tâm chính trị của người đứng đầu chính phủ cần được cỗ vũ bằng hành động thực chất của cả hệ thống, từ trung ương đến cơ sở.
Quốc gia khởi nghiệp bắt đầu từ việc ươm mầm cho những giấc mơ khát vọng khởi nghiệp để giàu mạnh. Không giàu mạnh dễ bị khinh rẻ, chèn ép, bắt nạt và khó lòng bảo toàn trọn vẹn giang sơn gấm vóc tổ tiên để lại.
Không khởi nghiệp để quốc gia giàu mạnh là chúng ta có lỗi với Quốc tổ từ buổi sơ khai đã thấm đẫm tâm thức khởi nghiệp.