Không giao cấu vì sợ lây nhiễm HIV có phạm tội hiếp dâm không?

PV |

Ngày 21-11, sau khi đi uống rượu với bạn, trên đường về nhà, đến đoạn đường vắng, Nguyễn Văn A. (SN 1990) gặp chị Trần Thị H. (SN 1988) là công nhân xí nghiệp giầy da đi làm về một mình bằng xe đạp. Do có hơi men trong người nên Nguyễn Văn A. nảy sinh ý định hiếp dâm chị H.

Lập tức Nguyễn Văn A. chặn xe chị H. và nhanh chóng kéo ngã chị H. xuống đất để thực hiện hành vi giao cấu. Tuy nhiên sau khi kéo ngã chị H. xuống đất, chị H. nói với A. rằng mình đã bị nhiễm HIV nên A. đã bỏ đi.

Sau đó chị H. đã đến cơ quan công an trình báo sự việc. Vấn đề đặt ra là trong trường hợp này hành vi của Nguyễn Văn A. có phạm tội hiếp dâm không?

Ý kiến bạn đọc

Không phạm tội

Trong vụ việc này, Nguyễn Văn A. không phạm tội. Mặc dù thấy chị Trần Thị H. đi làm về một mình bằng xe đạp, A. đã có ý định chặn đầu xe chị H. và kéo ngã chị H. xuống đất để thực hiện hành vi giao cấu.

Tuy nhiên khi chị H. nói với A. rằng mình bị nhiễm HIV nên A. đã bỏ đi. Như vậy có thể thấy hành vi hiếp dâm chưa xảy ra hay nói cách khác là A. chưa thực hiện được ý định phạm tội của mình. Do đó A. không phạm tội.

Nguyễn Ánh Dương (Nam Đàn - Nghệ An)

Phạm tội chưa đạt

Theo tôi, Nguyễn Văn A. đã phạm tội hiếp dâm ở giai đoạn phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành. Theo quy định tại Điều 18, Bộ luật Hình sự, người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.

Bộ luật Hình sự quy định, phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.

Nguyễn Văn A. đã thể hiện việc cố ý thực hiện tội phạm bằng việc chặn đầu xe và kéo ngã chị H. xuống đất để thực hiện hành vi giao cấu.

Việc giao cấu chưa hoàn thành là bởi A. lo sợ chị H. bị nhiễm HIV nên đã không thực hiện được tới cùng hành vi phạm tội của mình. Do vậy Nguyễn Văn A. vẫn phạm tội hiếp dâm.

Trần Quốc Thái (Tiền Hải - Thái Bình)

Chuẩn bị phạm tội

Hành vi của Nguyễn Văn A. trong vụ việc này đã ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Theo quy định của pháp luật, chuẩn bị phạm tội là một bước trong các giai đoạn thực hiện tội phạm trong đó người phạm tội có những hành vi tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm nhưng chưa bắt đầu thực hiện tội phạm đó.

Việc Nguyễn Văn A. chặn xe chị Trần Thị H. và kéo ngã chị H. xuống đất là hành vi cần thiết để chuẩn bị cho tội hiếp dâm. Điều 17, Bộ luật Hình sự quy định: “Chuẩn bị phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng, hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng”.

Tội hiếp dâm được coi là tội rất nghiêm trọng, do vậy Nguyễn Văn A. phải chịu tội hiếp dâm ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội.

Đinh Tuấn Anh (Móng Cái - Quảng Ninh)

Bình luận của luật sư

Theo quy định của pháp luật, chuẩn bị phạm tội được hiểu là trường hợp một người tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện phạm tội hoặc tạo ra những điều kiện cần thiết khác cho việc thực hiện tội phạm.

Chuẩn bị phạm tội là giai đoạn đầu của hành động phạm tội, là bước tiếp theo để cụ thể hóa ý định phạm tội.

Còn phạm tội chưa đạt là một giai đoạn trong quá trình thực hiện tội phạm do cố ý trực tiếp, đồng thời là trường hợp một người đã bắt đầu thực hiện hành vi phạm tội, xâm phạm đến các quan hệ xã hội được Bộ luật Hình sự bảo vệ nhưng không thực hiện được hành vi đó đến cùng vì những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người đó.

Điểm chung của hai giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt là các trường hợp phạm tội đều bị dừng lại là do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của chủ thể thực hiện hành vi.

Trong vụ việc này, nguyên nhân khiến Nguyễn Văn A. dừng lại việc phạm tội của mình là do chị H. nói với A. là mình đã bị nhiễm HIV.

Như vậy, Nguyễn Văn A. chấm dứt việc phạm tội của mình là xuất phát từ ý muốn chủ quan của bản thân, quyết định không tiếp tục thực hiện tội phạm nữa chứ không phải do trở ngại khách quan như bị phát hiện, hay do sự phản kháng mãnh liệt của nạn nhân làm cho A. bắt buộc phải dừng lại hành vi của mình.

Như vậy, theo chúng tôi Nguyễn Văn A. không phạm tội hiếp dâm ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt.

Căn cứ vào nội dung vụ việc, có cơ sở để khẳng định Nguyễn Văn A. đã nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của mình.

Cụ thể theo Điều 19, Bộ luật Hình sự quy định về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội như sau: “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản”.

Như vậy theo tinh thần của luật có thể hiểu tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là sự tự kiềm chế của một người để không thực hiện đến cùng hành vi phạm tội mà họ bắt đầu, mặc dù họ biết mình có khả năng làm việc đó và không có yếu tố khách quan ngăn cản họ.

Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện đủ yếu tố cấu thành một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Để một hành vi được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì hành vi đó phải đáp ứng đủ 2 điều kiện sau:

Điều kiện thứ nhất: Hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội chỉ có thể phát sinh khi hậu quả pháp lý của tội phạm chưa xảy ra.

Nếu hậu quả đã xảy ra thì việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì sẽ không còn ý nghĩa vì nó không làm thay đổi tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội đã thực hiện.

Do vậy hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội chỉ có thể xảy ra ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt.

Điều kiện thứ hai: Việc chấm dứt thực hiện tội phạm phải là tự nguyện và dứt khoát. Trước hết, chủ thể dừng lại không thực hiện tiếp tội phạm phải hoàn toàn do động lực bên trong chứ không phải do trở ngại khách quan chi phối.

Để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì khi dừng lại, người phạm tội vẫn tin rằng, hiện tại không có gì ngăn cản và vẫn có thể thực hiện tiếp tội phạm.

Tính chất dứt khoát của hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thể hiện ở chỗ người phạm tội chấm dứt một cách triệt để, từ bỏ hẳn ý định phạm tội chứ không phải tạm thời ngừng lại để tìm những thủ đoạn, phương tiện khác có hiệu quả hơn, thuận lợi hơn để tiếp tục thực hiện tội phạm.

Trở lại nội dung vụ việc, có thể thấy sau khi chặn xe và kéo ngã chị H. xuống đất để thực hiện hành vi giao cấu, do chị H. nói mình bị nhiễm HIV nên A. đã bỏ đi.

Xét với điều kiện thứ nhất: Hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội chỉ có thể xảy ra trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành.

Tức là thời điểm muộn nhất của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là thời điểm về mặt khách quan hậu quả nguy hiểm cho xã hội chưa xảy ra và về chủ quan thì kết quả phạm tội mà chủ thể mong muốn đạt tới chưa xảy ra.

Tội hiếp dâm là loại tội phạm có cấu thành hình thức, tuy nhiên trong cấu thành tội phạm của tội phạm này miêu tả hai hành vi, và người có hành vi phạm tội phải thực hiện đủ hai hành vi thì mới được xác định là tội phạm hoàn thành.

Tức là, nếu người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mới chỉ có một trong các hành vi như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc dùng thủ đoạn khác thì giai đoạn thực hiện tội phạm của tội hiếp dâm chỉ dừng lại ở giai đoạn chưa đạt.

Để xác định tội phạm ở giai đoạn tội phạm hoàn thành, thì cần chứng minh người đó có thực hiện hành vi “giao cấu trái với ý muốn của nạn nhân” được miêu tả trong cấu thành tội phạm.

Trong tình huống này, A. đã kéo ngã chị H. xuống đất, như vậy, xác định A. đã có hành vi dùng vũ lực với chị H., tức là dùng sức mạnh của bản thân mình để làm ngã nạn nhân nhằm mục đích tiếp tục thực hiện hành vi tiếp theo đó là hành vi “giao cấu trái với ý muốn của chị H.”.

Tuy nhiên, trong tình huống này thì A. chưa thực hiện hành vi giao cấu trái với ý muốn của chị H. mà mới chỉ dừng lại ở hành vi dùng vũ lực.

Như vậy, trong trường hợp này hành vi phạm tội của A. chưa có hậu quả pháp lý xảy ra và thỏa mãn điều kiện thứ nhất để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Xét với điều kiện thứ hai: Tức là việc chấm dứt thực hiện tội phạm phải tự nguyện và dứt khoát. Theo nội dung vụ việc, A. tự chấm dứt việc thực hiện hành vi hiếp dâm chị H. sau khi chị H. nói mình bị nhiễm HIV.

Tuy nhiên có thể thấy địa điểm mà A. chọn để định hiếp dâm chị H. là đoạn đường vắng, nếu A. không tự ý dừng hành vi phạm tội của mình thì chị H. không thể thoát khỏi.

Ở đây, A. dừng việc thực hiện tội phạm của mình là hoàn toàn tự nguyện. Mặc dù có câu nói của chị H. nên mới thay đổi hoàn toàn ý muốn phạm tội nhưng đây chỉ được coi là hành vi tác động vào ý muốn chủ quan của A., chứ không được coi yếu tố khách quan cản trở hành vi phạm tội.

Trong hoàn cảnh này, mặc dù chị H. nói mình bị HIV nhưng nếu A. nghĩ rằng chị H. nói dối để thoát khỏi mình thì A. vẫn có thể tiếp tục thực hiện hành vi hiếp dâm.

Thêm nữa, việc chấm dứt thực hiện phạm tội của A. là dứt khoát, bởi sau khi A. dừng hành vi của mình đã bỏ đi nên có thể mặc định rằng A. không hề có ý muốn thực hiện việc phạm tội.

Từ những phân tích trên, có thể khẳng định rằng hành vi của A. được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Theo quy định tại Điều 19, Bộ luật Hình sự thì người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm. Do đó, theo chúng tôi, trong vụ việc này Nguyễn Văn A. không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Phạm Thái Sơn (Văn phòng Luật sư Sơn và Cộng sự)

Link gốc: Tại đây

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại