Báo Mỹ gần đây đưa tin, chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố ý định tư nhân hóa phần của Mỹ trên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS). Tuổi thọ của Trạm sắp hết và sau năm 2024 NASA dự kiến sẽ ngừng cấp nguồn tài trợ cho ISS.
Ý tưởng này hoàn toàn không mới. Hiện nay ISS sẽ đứng trước hai con đường: hoặc là sẽ rơi xuống đâu đó trên Thái Bình Dương theo cách cổ điển, hoặc là trở thành một Trạm tư nhân.
Đang có một danh sách dài những người muốn xếp hàng đến Mũi Canaveral để đăng ký được tư nhân hóa ISS. Tất nhiên, người đầu tiên là Elon Musk – người đang có một kế hoạch đầy tham vọng đòi hỏi phải có một nền tảng hỗ trợ trong không gian.
Người thứ hai là Jeff Bezos, ông chủ nổi tiếng của Amazon – người có tiềm lực tài chính và một kế hoạch đủ để tham gia vào cuộc chạy đua khám phá vũ trụ.
Điều quan trọng, cả Musk và Bezos đều là những người nghiêm túc và theo các sự kiện gần đây cho thấy, họ có đủ tiền bạc, nhân sự để thực hiện tham vọng này.
Tuy nhiên, người Nga sẽ không khoanh tay ngồi nhìn người Mỹ tư nhân hoá ISS. Kế hoạch của người Nga có thể là tách riêng phần của mình và trên cơ sở đó xây dựng một Trạm vũ trụ mới. Hoặc cũng có thể, theo phong cách của Giám đốc cơ quan hàng không vũ trụ Nga (Roscosmos) Dmitry Rogozin, Nga sẽ xây dựng một Trạm vũ trụ khác trên Mặt trăng vào khoảng những năm 2150.
Cũng có một công ty bày tỏ mong muốn được thuê lại phần của Nga trên ISS để tạo ra một thứ gì đó kiểu như sân bay vũ trụ. Đó là công ty nổi tiếng trong giới quan tâm đến chủ đề vũ trụ - “S7 Space Transport Systems” – công ty thương mại của Nga, được biết đến như là chủ sở hữu của “Sea Launch”.
Sea Launch là một dự án sử dụng bệ phóng di dộng trên biển bằng cách đưa tàu vũ trụ lên quỹ đạo bằng tên lửa chuyên dụng Zenit tại xích đạo.
Bệ phóng di động trên biển của Sea Launch. (Ảnh: S7space)
Hiện nay, sự sụp đổ trong mối quan hệ Nga-Ukraine gần như chấm dứt sự ra mắt của Sea Launch, bởi đến 80% bộ phận tên lửa này do Nga sản xuất, nhưng nếu không có 20% Ukraine còn lại, “Sea Launch” cũng sẽ không bay.
Tuy nhiên, có một phương án có thể thay thế cho “Zenit”. Nếu có một cơ sở lắp ráp-sản xuất ngoài vũ trụ trong quỹ đạo gần Trái đất, sẽ không cần đến các tên lửa siêu nặng, siêu đắt để phóng các thiết bị thăm dò và tàu vũ trụ liên hành tinh nữa.
Việc lắp ráp các modun nhỏ hơn có thể được thực hiện trực tiếp trên hoặc gần với ISS. Và các phi hành đoàn cũng được chuyển đến Trạm này để có thời gian thích nghi với điều kiện không gian, sau đó mới chuyển sang các con tàu có thể bay đến Mặt trăng và xa hơn.
Đó sẽ là phương án kinh tế và an toàn hơn mà S7 hướng đến. Với việc khôi phục lại hệ thống Sea Launch và nhận được phương pháp rẻ hơn để đưa vệ tinh và hàng hóa lên quỹ đạo, S7 hoàn toàn có thể cho thuê dịch vụ để đảm bảo hoạt động của Trạm.
Video: Vật thể nghi là UFO được quan sát từ ISS
Các chuyên gia nhìn nhận, khi các chính phủ không đủ kinh phí để thực hiện các hoạt động nghiên cứu, phát triển tiếp theo của ISS, thì nên để cho các tổ chức tư nhân có cơ hội tham gia vào sự phát triển của nó. Các công ty tư nhân này có đủ tiềm lực về mọi mặt để có thể khai thác và phát triển trạm này.
Và khi đó không gian vũ trụ sẽ được chia thành các khu vực và phạm vi ảnh hưởng. Nhưng không phải các phần dành cho Mỹ và Nga, mà là tư nhân và nhà nước.