“Không gì là không thể” khi VietJet Air vượt Vietnam Airlines?

Hồng Quân |

Chỉ sau 5 năm ra đời, Vietjet Air đang bám sát Vietnam Airlines về thị phần vận tải hành khách bằng đường hàng không với tỷ lệ 41,5% so với mức 42,5% của Vietnam Airlines. Với đà tăng trưởng hiện tại khả năng năm 2016 Vietjet Air sẽ vượt Vietnam Airlines về chỉ tiêu lợi nhuận.

Vietjet Air đang chào bán 4,5 triệu cổ phần cho các nhà đầu tư trong nước, tiếp sau đó sẽ chào bán thêm 1,5 triệu cổ phần.

Trước đó, nguồn tin BizLIVE cho biết ở thị trường nước ngoài, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet Air sẽ bán ra gần 44,8 triệu cổ phần Vietjet Air cho các tổ chức quốc tế với giá chào bán 84.600 đồng/cổ phần. Sau đó bà Thảo thông qua Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny sẽ mua gần 22,4 triệu cổ phần mới phát hành thêm của Vietjet Air.

Thương vụ này được đánh giá là một “thủ thuật” nhằm giúp các nhà đầu tư tổ chức sở hữu cổ phần Vietjet Air mà không bị hạn chế chuyển nhượng như khi họ trực tiếp mua cổ phần phát hành mới của Vietjet Air.

Tỷ lệ sở hữu trực tiếp của bà Thảo tại Vietjet Air là 20,03%; Đầu tư Hướng Dương một công ty của bà Thảo sở hữu 14,65%; tổng lượng cổ phần thuộc sở hữu trực tiếp và gián tiếp của bà Thảo tại Vietjet Air trước thời điểm chào bán là 83,25%. Sau khi hoàn tất việc chuyển nhượng, phát hành thêm ra bên ngoài, tỷ lệ sở hữu của bà Thảo tại Vietjet Air dự kiến là 69,75%.

Lớn nhanh như thổi!

Vào ngày 24/12/2011, chuyến bay thương mại đầu tiên của công ty đã cất cánh từ TP. Hồ Chí Minh đi Hà Nội thành công với cái tên Vietjet Air thay vì tên Vietjet AirAsia như đồn đoán trước đó bởi sự góp mặt của Air Asia trong vai trò cổ đông. Đồng thời, tại thời điểm đó, Vietjet Air cho biết, Air Asia - hãng hàng không giá rẻ quốc tế đã rút vốn khỏi Vietjet Air.

Và dĩ nhiên, Vietjet Air không tránh khỏi sự hoài nghi về khả năng “tồn tại” của hãng khi mà các hãng hàng không tư nhân khác như Indochina Airlines, Air Mekong… nhanh chóng đóng cửa sau một thời gian bay.

Tuy nhiên, sau 5 năm cất cánh, hiện Vietjet Air đang là hãng vận chuyển hành khách lớn thứ 2 ở Việt Nam sau Vietnam Airlines ở thị trường nội địa. Vietjet Air cũng đang mở rộng hoạt động trên thị trường quốc tế. Ở thị trường nội địa, thị phần của Vietjet Air theo thống kê của CAAV, 2016, đến hết tháng 6/2016 là 41,5%; sau Vietnam Airlines với 42,5%, bỏ xa Jestar Pacific đang ở mức 14,2%.

“Không gì là không thể” khi VietJet Air vượt Vietnam Airlines? - Ảnh 1.

Năm 2015, Vietjet Air vận chuyển 9,5 triệu lượt khách, tương ứng với mức tăng trưởng bình quân kép giai đoạn 2013 - 2015 là 71,8%. Vietjet Air cũng đang có đội tàu bay mới với tuổi trung bình 3,3 năm; gồm 33 máy bay Airbus 320S và 5 máy bay A321s tính đến thời điểm 30/06/2016.

Về mặt tài chính, mặc dù bắt đầu vận hành vào thời kỳ giá dầu ở mức cáo 90 USD/thùng, với mô hình vận tải hàng không chi phí thấp, Vietjet Air khá thành công khi vừa tăng được thị phần vừa đạt được mục tiêu có lãi từ năm thứ 2.

Vietjet Air đạt lợi nhuận trước thuế 1.170 tỷ đồng trong năm 2015; 6 tháng đầu năm 2016 đạt 1.237 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2016 con số lợi nhuận của Vietjet Air sẽ cán mức 100 triệu USD, tức hơn 2.220 tỷ đồng.

“Không gì là không thể” khi VietJet Air vượt Vietnam Airlines? - Ảnh 2.

Nguồn: Số liệu Vietjet Air

Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/doanh thu thuần năm 2015 đạt 5,9% và 6 tháng đầu năm 2016 đạt mức 9,9%. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2015 của Vietnam Airlines chỉ ở khoảng 1.400 tỷ đồng, với tỷ suất lợi nhuận chỉ hơn 2%, rất thấp so với Vietjet Air.

Với Vietjet Air - không gì là không thể!

Trong 5 năm qua, cái tên Vietjet Air được nhắc đến và thu hút bởi những màn biểu diễn chưa từng có trên máy bay, hay ngay dưới sân bay - nơi hành khách bắt đầu bước lên máy bay.

Điều này ít nhiều góp phần vào thành công của Vietjet trong việc kích thích nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của những khách hàng mới. Dĩ nhiên, nó cũng giúp Vietjet Air đạt được mục tiêu tăng lượng khách được phục vụ và tăng độ phủ thương hiệu.

“Không gì là không thể” khi VietJet Air vượt Vietnam Airlines? - Ảnh 3.

Là hãng hàng không giá rẻ, nhưng Vietjet Air đanghoạt động khai thác hiệu quả nhờ "tận thu" khách hàng qua bán hàng lưu niệm, thức ăn trên máy bay, dịch vụ....

Năm 2016, Vietjet Air tiếp tục được nhắc đến trên thị trường quốc tế khi thông tin 100 máy bay 737 Max 200 sẽ được Boeing giao cho Vietjet trong vòng 4 năm (2019 - 2023) nhằm phục vụ kế hoạch mở rộng mạng bay của hãng hàng không Việt Nam.

Chưa cần biết mức độ thực hiện bản hợp đồng với Boeing đến đâu, điều Vietjet Air đạt được ngay lập tức chính là thương hiệu và nhận diện thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư trong nước nhằm chào bán 6 triệu cổ phần ra công chúng vào giữa tháng 12/2016, lãnh đạo Vietjet Air cho biết, mục tiêu của Vietjet Air là trở thành hãng hàng không đa quốc gia với mạng bay rộng khắp khu vực và thế giới, mang lại không chỉ dịch vụ hàng không mà còn dịch vụ tiêu dùng thông qua thương mại điện tử.

Vietjet Air đang dần đạt được mục tiêu của mình khi họ làm tốt định vị thị trường, quản trị doanh nghiệp, hoạt động khai thác, nhận diện thương hiệu và đội ngũ điều hành giàu kinh nghiệm…và “không gì là không thể” ở đây.

Với đà tăng trưởng hiện tại, liệu Vietjet Air có thể vượt qua Vietnam Airlines câu trả lời còn ở phía trước. Nhưng chắc chắn rằng, Vietjet Air đã xua tan hoài nghi về sự tồn tại của hãng hàng không tư nhân ở Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại