Mới đây, CTCP Hàng không VietJet (Vietjet Air) đã có buổi Roadshow giới thiệu về kế hoạch IPO. Mặc dù Vietjet không thừa nhận bất kỳ thông tin nào “lọt” ra và được đăng tải rộng rãi trên báo chí, nhưng nhìn chung, các nhà đầu tư đang nắm trong tay một số thông tin sơ bộ về số lượng và giá chào bán.
Cụ thể, Vietjet đã chào bán 44,8 triệu cổ phiếu (tương đương gần 15% vốn điều lệ hiện tại) cho các nhà đầu tư tổ chức, trong đó có các tên tuổi lớn như Morgan Stanley, GIC, Dragon Capital, Mirae với giá 84.400 đồng/cp. Khoảng 3,5 triệu cổ phiếu sẽ được chào bán cho các nhà đầu tư cá nhân với mức giá 86.500 đồng/cp.
Cổ phiếu Vietjet cháy hàng trên OTC
Với các thông tin trên, những người quan tâm hỏi mua cổ phiếu VJA sau buổi roadshow đã phải ngậm ngùi khi biết rằng VJA hiện đang “cháy hàng” tại các đầu mối. Giá 86.500 đồng/cp không có mà mua bởi vì giá trên OTC hiện tại của cổ phiếu Vietjet Air dao động trong khoảng từ 96.000 – 100.000 đồng/cp.
Không khó để lý giải sức nóng của VJA.
Trong thời gian qua, các “hàng lạ” như Sabeco (SAB), Habeco (BHN)… khi lên sàn đều chứng kiến sự tăng trưởng phi mã. Đó là những doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất ngành, kết quả kinh doanh khá tốt trong khi ngành hoạt động lại đang trong xu hướng tăng trưởng. Đặc biệt, cơ cấu cổ đông cô đặc là điều kiện thuận lợi để các cổ phiếu tăng trần không mấy khó khăn.
VJA cũng vậy. Từ vài năm gần đây, hãng hàng không này là cái tên “hot” trên truyền thông với chiến lược marketing đặc sắc, tốc độ chiếm lĩnh thị phần thần tốc và kết quả kinh doanh theo con số mà họ công bố là rất ấn tượng.
Cơ cấu cổ đông của VJA rất cô đặc. Với phần lớn cổ phần thuộc về bà Nguyễn Thị Phương Thảo và những công ty liên quan, một phần thuộc về các cổ đông tổ chức thì 3,5 triệu đơn vị chào bán cho nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm khoảng hơn 1% số cổ phần của VJA.
Việc chào bán này phục vụ mục đích lớn nhất là để đủ số lượng cổ đông theo quy định công ty đại chúng nhằm niêm yết trên sàn chứng khoán. Để niêm yết trên HoSE, một trong các yêu cầu bắt buộc là phải có ít nhất 300 cổ đông, không bao gồm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, với số lượng cổ phiếu khi niêm yết ước tính khoảng gần 350 triệu cổ phiếu và lợi nhuận kế hoạch năm 2017 là 3.500 tỷ đồng thì với giá 86.000 đồng, P/E chỉ ở mức 8-9 lần - một mức khá hấp dẫn.
Nhưng VJA có những rủi ro gì?
Băn khoăn của các nhà đầu tư cá nhân khi tiếp cận VJA đến từ việc doanh thu của hãng hàng không này có phần lớn là doanh thu bán máy bay.
Bà Phương Thảo giải thích rằng đây là hoạt động mà VietJet đặt mua máy bay từ các nhà sản xuất (với giá chiết khấu) và bán lại cho các công ty cho thuê tài chính với giá tốt hơn giá mua. Sau đó các đơn vị này cho VietJet thuê lại để khai thác. Bản chất số tiền này làm cho chi phí nhận máy bay về khai thác của VietJet thấp xuống và tương ứng có một phần lợi nhuận đem về.
Áp dụng mô hình bán và thuê lại máy bay giúp cho VJA có thể nhanh chóng tăng số lượng và giảm tuổi đời của máy bay nhưng đồng thời cũng đặt hãng trước rủi ro biến động khoản doanh thu bán máy bay trong tương lai. Hơn nữa, điều khoản thanh toán tiền thuê có thể được cố định và không được hủy bất kể tình hình thực tế của lưu lượng hành khách như thế nào.
Các chuyên gia đánh giá rủi ro ngoại tệ cũng là một điều mà VJA phải tính toán khi hoạt động nói trên phụ thuộc rất nhiều vào các điều khoản cho thuê với bên cho thuê.
Với việc thị phần trong nước đã lên tới trên 40%, vượt qua Vietnam Airlines trong 6 tháng đầu năm nay thì khả năng Vietjet tăng thêm thị phần đã bắt đầu khó khăn hơn, nhất là khi Jetstar Pacific được rót thêm vốn và cũng đang rục rịch các chiến lược để thay đổi phong độ.
Đặt mua rầm rộ một lượng máy bay lớn, Vietjet sẽ mở thêm các đường bay quốc tế một cách rộng rãi. Nhưng việc mở rộng quy mô và đường bay cũng khiến nhiều người e ngại về rủi ro tai nạn hàng không bởi vì trên thế giới, nhiều hãng hàng không đã gặp khủng hoảng, giá cổ phiếu lao dốc ngay khi một tai nạn xảy ra.