Người khởi kiện là bà lão họ Dư, 76 tuổi, sống tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Chồng mất sớm, mối quan hệ giữa bà với con trai và con gái lại không được tốt nên thường xuyên xảy ra xích mích. Vào ngày 1/5/2019, bà Dư đến nhà con gái ở, không ngờ hôm sau lại xảy ra cãi vã dữ dội với con rể. Khi quay về nhà người con trai cả họ Uông, bà lại phát hiện bản thân mới chỉ đi 1 ngày mà con đã thay khóa cửa liền đùng đùng nổi giận. Dưới sự hòa giải của ủy ban khu phố, ông Uông đã thuê 1 căn nhà khác cho mẹ ở.
Vào tháng 5 năm nay, chủ nhà muốn bán căn nhà, bà Dư phải đối mặt với tình cảnh không còn nơi nào để đi. Do đó, bà lão đã kiện 2 người con của mình ra Tòa, yêu cầu tòa xác nhận rằng bà có "quyền cư trú" trong ngôi nhà của con trai cả. Sau khi cân nhắc, đến tháng 7/2021, Tòa án Bảo Sơn, thành phố Thượng Hải, Trung Quốc đã ra phán quyết rằng bà Dư có quyền cư trú trong nhà của cả 2 người con, đồng thời cả 2 người con đều phải có trách nhiệm và nghĩa vụ chăm sóc mẹ. Cuối tháng 8, bà Dư nộp đơn lên tòa án yêu cầu thực thi quyền cư trú. Vào ngày 3/9, Thẩm phán Viên Ái Trung đã đưa bà đến trung tâm đăng ký bất động sản để hoàn tất việc đăng ký quyền cư trú.
Ảnh minh họa
Dưới góc độ quy định của pháp luật, nếu ông Uông vẫn không chịu cho mẹ dọn về ở sau khi đã có phán quyết thì Tòa có thể áp dụng các biện pháp bắt buộc khác như tạm giam.
"Tuy nhiên, mối quan hệ giữa mẹ và con trai tồi tệ đến mức họ gần như cãi nhau mỗi khi chạm mặt. Nhà ông Uông chỉ có 2 phòng ngủ và 1 phòng khách, kiểu nhà đủ cho 1 gia đình 3 người. Nhưng nếu bà lão đến ở thì sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề bất cập." - Ông Viên Ái Trung nói.
Để chấm dứt tình tình trạng căng thẳng, bà Dư đã đề nghị ông Uông bán căn nhà hiện tại để mua 2 căn hộ tách biệt, và căn nhỏ hơn sẽ thuộc sở hữu của bà.
Ông Viên Ái Trung cảm thấy kế hoạch trên khả thi nên đã thương lượng để đi đến phương án cuối cùng: Ông Uông đầu tư tiền mua 1 căn nhà, và tài sản được đăng ký dưới tên của bà Dư. Cô con gái hứa từ bỏ quyền thừa kế và sau khi mẹ mất thì nhà sẽ thuộc quyền sở hữu của con trai cả.
Kế hoạch trên đã được các bên chấp thuận. Ngày 17/9, họ đã gặp nhau tại Tòa án Bảo Sơn để đàm phán xác định các chi tiết cụ thể của kế hoạch và cùng nhau ký kết thỏa thuận.
Ảnh minh họa
Người đầu tiên đến Tòa là bà Dư và luật sư, tiếp theo là cô con gái, cuối cùng là ông Uông đi cùng người chú. Trước đó, luật sư đã lập 1 bản thỏa thuận và gửi cho 2 người con xem trước. Chính bản thỏa thuận ấy đã trở thành mâu thuẫn đầu tiên trong cuộc đàm phán.
"Thỏa thuận quá chi tiết. Thời gian đi thăm mẹ, thăm bao lâu, thậm chí còn có cả cách chăm sóc ra sao, tất cả đều được viết thành văn bản." - Cô con gái tin rằng những quy định chi tiết như vậy là không thực tế, gây thêm rất nhiều rắc rối cho bản thân cô và ông Uông, thậm chí còn có thể khiến họ gặp rủi ro về mặt pháp lý.
"Tôi nghĩ chỉ cần ghi quyền cư trú trong thỏa thuận là đủ. Con cái có bổn phận chăm sóc, báo hiếu bố mẹ, nhưng có cần thiết phải gạch đầu dòng từng điều khoản như vậy không?" - Ông Uông bức xúc bày tỏ quan điểm.
"Ký thỏa thuận xong liệu chị gái tôi có bị đuổi ra đường nữa không?" - Người chú lại cho rằng vấn đề quan trọng nằm ở hòa giải tình cảm chứ không phải thảo luận thiệt hơn với các điều khoản cứng nhắc.
Người chú nói với luật sư rằng chính mình đã thuyết phục cháu trai nhường mẹ bằng cách bán nhà cũ để mua 2 căn mới. Bây giờ ông cũng muốn chị gái nhường con, mỗi người lùi lại 1 bước, thay vì làm tổn thương lẫn nhau.
Ảnh minh họa
Sau cuộc cãi vã kéo dài 10 phút, ông Uông lấy ra 1 bản thỏa thuận khác do mình, em gái và người chú cùng viết. Ngoài việc bác bỏ tất cả nội dung về việc chăm sóc mẹ, thỏa thuận còn đề xuất khi con gái ông Uông trưởng thành, bà Dư sẽ chuyển nhượng 99% giá trị (quy thành tiền mặt) của căn nhà cho cháu gái. Sau khi đọc xong, bà Dư liền không hài lòng và 2 bên bắt đầu tranh cãi.
Cuối cùng, người chú nóng nảy chỉ trích luật sư bất công, khiến ông ta tự ái đứng dậy rời khỏi phòng. Thấy vị luật sư bảo vệ quyền lợi của mình bị 3 người kia chọc tức bỏ về, bà Dư không kiềm chế được liền lớn tiếng cãi vã với họ.
Thấy tình hình sắp vượt quá tầm kiểm soát, ông Viên Ái Trung nhắn gọi luật sư nhanh chóng quay lại, đồng thời nói với phía ông Uông rằng bản thỏa thuận luật sư đã gửi trước đó chính là muốn công bằng cho cả 2 bên, hôm nay hẹn gặp nhằm mục đích thương lượng chỉnh sửa và có cái kết đẹp.
Sau khi luật sư quay lại, ông Viên Ái Trung đã phân tích những điểm chính trong bản thỏa thuận do ông Uông đề xuất.
"Nếu không có điều kiện '99% tài sản được giao lại cho cháu gái', con trai bà sẽ phải trả 1 khoản thuế bất động sản lớn nếu muốn thừa kế căn nhà. Hiện giờ bà chỉ sở hữu 1%, đồng nghĩa với việc chỉ phải đóng 1% thuế. Vả lại chỉ cần 1% cũng vẫn có quyền hợp pháp ở trong căn nhà, không ai có quyền bán nhà nếu bà chưa đồng ý." - Ông Viên Ái Trung cố gắng giải thích với bà Dư rằng con trai bà "không cướp nhà" của mẹ, chỉ muốn cân nhắc vấn đề nộp thuế hợp lý trong tương lai.
Ảnh minh họa
Bà Dư có vẻ bằng lòng nhưng vẫn yêu cầu thêm ngôi nhà ít nhất phải có 1 phòng ngủ và 1 phòng khách, không được quá tồi tàn, không phải tầng trên hay áp mái, đồng thời phải đầy đủ tiện nghi. 1 lần nữa những yêu cầu "hơi quá" của mẹ đã khiến ông Uông không biết nên khóc hay nên cười. Ông bày tỏ rằng đã thỏa thuận ngay từ đầu giá căn nhà không được vượt quá 2 triệu tệ (tương đương 7 tỷ đồng), bây giờ mẹ lại đòi hỏi cao như vậy, ông sợ không tìm được căn thích hợp.
Cuộc cãi vã giữa 2 mẹ con lại nổ ra khiến con trai tức giận tức giận bỏ đi, người chú và em gái phải đuổi theo để thuyết phục. Nhìn cảnh tượng ấy, ông Viên Ái Trung chỉ biết cười bất lực, còn bà Dư vẫn một mực cho rằng mình không yêu cầu gì quá đáng.
"Nhà là do chồng tôi mua, nên tài sản phân đôi cho tôi 1 nửa là hợp lý." - Bà Dư nói.
Được biết, chồng bà Dư đã mua nhà sau đó bán đi để mua lại ngôi nhà mới mà con trai cả đang ở hiện giờ. Nhưng căn nhà cũ được đăng ký sở hữu dưới tên chồng và con trai bà, do đó theo quy định của pháp luật, bà chỉ được hưởng 1/3 tổng giá trị căn nhà.
Ông Viên Ái Trung khuyên bà nên chọn căn 1 phòng ngủ và 1 phòng khách là đủ. Bởi ông Uông chỉ thuộc tầng lớp lao động bình thường, thu nhập không cao, lại có thêm con gái đang tuổi ăn học.
20 phút sau, ông Uông đã bình tĩnh và quay trở lại phòng đàm phán. Mặc dù thỉnh thoảng bà Dư vẫn đề cập đến việc "mua căn 2 phòng ngủ và 1 phòng khách" nhưng không được chấp thuận. Dưới sự bảo trợ của thẩm phán Viên Ái Trung, sau gần 2 tiếng thương lượng, bà Dư đã ký thỏa thuận sửa đổi với 2 người con.
Trong đó, thỏa thuận mới quy định ông Uông sẽ mua nhà loại 1 phòng khách và 1 phòng ngủ cho mẹ, đồng thời chịu tiền thuê nhà cho bà Dư trong thời gian chờ mua được căn nhà phù hợp. Bà Dư đã đồng ý chuyển nhượng 99% quyền sở hữu căn nhà cho cháu gái khi đến tuổi trưởng thành. Cô con gái tuyên bố từ bỏ quyền thừa kế căn nhà. Cả 3 bên cùng cam kết sẽ không còn tranh chấp về các vấn đề tài sản. Ông Viên Ái Trung và luật sư cũng hy vọng rằng sau khi đã đi đến thỏa thuận cuối cùng, tình cảm mẹ con của họ sẽ được cải thiện, không còn căng thẳng như trước.