Không để 'tân quan, tân quy hoạch'

Thành Chung |

Các đại biểu Quốc hội đồng tình với việc cần thiết ban hành Luật Quy hoạch, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, không để xảy ra tình trạng tư duy nhiệm kỳ, điều chỉnh quy hoạch thiếu căn cứ.

Dự án Luật Quy hoạch được các đại biểu Quốc hội thảo luận sáng 21/11. Đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật quan trọng này.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nhìn nhận: “Do chúng ta chưa có quy hoạch theo đúng nghĩa nên dẫn đến tình trạng trăm hoa đua nở. 

Tính đến hết năm 2014, các bộ, ngành và địa phương đã tổ chức lập 12.860 quy hoạch mà không có sự thống nhất, tích hợp, hỗ trợ, bổ sung cho nhau nên người dân thì nói lạm phát quy hoạch nhưng ở nhiều nơi dân vẫn phải khổ vì sống trong quy hoạch treo”.

Đại biểu Thắng và các đại biểu Quốc hội phát biểu đều cho rằng cần phải ban hành Luật Quy hoạch để tạo hành lang pháp lý thống nhất, tạo quy hoạch trên cả nước, ban hành quy chuẩn chung cho công tác quy hoạch của đất nước từ nay về sau.

Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này theo một số đại biểu vẫn còn khiếm khuyết, chưa xác định rõ nội dung. 

Theo dự thảo, Luật quy định về hoạt động quy hoạch, gồm: lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện các loại quy hoạch; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động quy hoạch.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ băn khoăn về phạm vi điều chỉnh. Trong phạm vi điều chỉnh thì Ban soạn thảo chưa rõ quy hoạch này là quy hoạch gì, tức là Luật không có đối tượng.

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, dự Luật phải xác định rõ là quy hoạch không gian phát triển của Việt Nam ở 3 vấn đề, đó là không gian phát triển mặt đất, không gian phát triển vùng trời và không gian phát triển vùng biển.

“Trong Hiến pháp quy định có vùng trời, ở đây chúng ta không quy hoạch vùng trời, chỉ quy định vấn đề biển và đất mà cơ bản là nói về đất đai, tôi cho rằng đây là vấn đề còn thiếu sót”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Trong khi đó, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) và đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng nên có quy định về quản lý Nhà nước về quy hoạch bởi quy hoạch là công cụ quan trọng giúp các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước.

“Các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác quy hoạch còn tản mạn ra một số điểm trong dự thảo Luật này, đồng thời, cũng chưa quy định đủ và rõ ràng nhiệm vụ các ngành, các cấp trong vấn đề quy hoạch”, bà Nguyễn Thị Kim Bé nói.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên-Huế) và Lưu Bình Nhưỡng đều cho rằng phải dựa trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và chiến lược bảo vệ Tổ quốc thì mới xây dựng được quy hoạch.

Vấn đề được nhiều đại biểu nêu ý kiến và cũng là lời cảnh báo tới cơ quan soạn thảo là dự án Luật phải khắc phục được tình trạng tư duy nhiệm kỳ, điều chỉnh quy hoạch không có căn cứ theo kiểu “tân quan, tân quy hoạch”.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để thiết kế được các quy định nhằm khắc phục bằng được tình trạng quy hoạch cho có, có quy hoạch nhưng không dùng được làm trái quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch tràn lan vì lợi ích, bệnh tư duy nhiệm kỳ trong quy hoạch hoặc "tân quan, tân quy hoạch" ở nhiều địa phương thông qua việc điều chỉnh quy hoạch thiếu căn cứ và những vấn đề chung.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đề nghị dự án Luật phải tập trung khắc phục những hành vi lũng đoạn quy hoạch, lợi dụng quy hoạch để trục lợi, điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, nhiệm kỳ sau điều chỉnh quy hoạch của nhiệm kỳ trước.

Khắc phục triệt để lợi ích nhóm trong quy hoạch bằng việc xác lập các chế tài ràng buộc đối với người phê duyệt, trách nhiệm là liên tục, kể cả khi đã về hưu vẫn bị xử lý như tinh thần của kỳ họp này đã xác định.

Công cụ quan trọng để cơ cấu lại nền kinh tế

Vào cuối buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, người đứng đầu cơ quan soạn thảo đã giải trình thêm một số vấn đề liên quan tới quá trình xây dựng Luật.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Luật Quy hoạch ra đời sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế như thiếu tầm nhìn, kém chất lượng về quy hoạch gây thất thoát lãng phí, cản trở sự phát triển của đất nước, phân tán, không hiệu quả dẫn đến tùy tiện, chia cắt, cát cứ và xung đột lợi ích giữa các ngành, địa phương; hướng tới tăng cường liên kết vùng và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương và phát huy hiệu quả khai thác và sử dụng các nguồn lực của đất nước.

Mặt khác, Luật Quy hoạch sẽ trở thành nội dung cũng như một công cụ quan trọng để chúng ta thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong khuôn khổ đồng bộ và thống nhất nhằm thực hiện hiệu quả hơn việc sắp xếp, cơ cấu lại các nguồn lực kinh tế hướng tới mục tiêu tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, quy hoạch cấp huyện, cấp xã là quy hoạch chi tiết, cụ thể và đã được điều chỉnh quy định rõ trong Luật Quy hoạch đô thị và xây dựng nông thôn.

Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy không cần phải đưa các quy hoạch của cấp huyện, cấp xã vào trong Luật này và sẽ được Luật Quy hoạch đô thị và Xây dựng nông thôn điều chỉnh. Cũng theo Bộ trưởng Dũng, không có nước nào đưa quy hoạch đô thị vào Luật Quy hoạch chung (trừ Cuba và Nga).

Nói về phạm vi "quy hoạch bầu trời" như ý kiến một số đại biểu nêu, cơ quan soạn thảo đã đưa ra bàn bạc và xin ý kiến nhưng không hình dung là quy hoạch bầu trời là quy hoạch thế nào. Bộ trưởng Dũng bày tỏ:

“Chúng tôi hình dung đó chỉ là ranh giới lãnh thổ giữa các quốc gia với nhau về bầu trời để xác định không xâm phạm không phận của nhau.

Trong một bầu trời như thế, các máy bay bay trên trời được tự do, quan trọng là quản lý, điều hành bay và sự phối hợp giữa các cơ quan, mình không có giới hạn ai được bay đến đâu và chiều cao của bầu trời cũng không xác định được. 

Chúng tôi thấy quy hoạch bầu trời rất khó, chúng tôi sẽ tiếp thu để nghiên cứu tiếp”.

Về quản lý Nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết cơ quan soạn thảo thống nhất sẽ thiết kế một chương riêng về công tác quản lý Nhà nước .

Đối với quy hoạch vùng, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng nước ta chưa có các quy hoạch một cách chi tiết đối với các vùng. 

Việc xây dựng nội dung này là một việc cần thiết trong thời gian tới để không bị chồng chéo và không bị mâu thuẫn giữa các địa phương trong một vùng, giữa các ngành trong một địa phương.

“Nếu chúng ta không có một quy hoạch như vậy thì các công trình, dự án thuộc hạ tầng kinh tế-xã hội địa phương nào cũng muốn đưa về mình, đặt ở chỗ mình. Nhưng các công trình chung như nghĩa trang, cơ sở hỏa táng, xử lý rác thải... thì các địa phương đều không muốn nhận về mình. 

Đó cũng là quy hoạch để làm rõ và giải quyết các mâu thuẫn này trong quá trình phát triển”, ông Dũng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại