'Không để con thua ngay vạch xuất phát' và kỳ vọng 'quá khổ' của các bậc phụ huynh xứ Trung: Áp lực vô hình đẩy trẻ vào bước đường cùng

Nguyễn Dũng TT |

Khi kinh tế ngày càng phát triển, thì áp lực cạnh tranh trong xã hội ngày càng gia tăng. Không chỉ người lớn đối mặt với áp lực, mà ngay cả trẻ nhỏ cũng không tránh khỏi. "Không để con thua ngay vạch xuất phát" chính là khẩu hiệu của nhiều bậc cha mẹ xứ Trung ngày nay.

Có những bậc phụ huynh muốn con trẻ sau này không phải sống cuộc sống khó khăn như bố mẹ, người khác mong con cái đi theo con đường mà họ đã chọn sẵn, có người lại kỳ vọng con mình sẽ trở thành ông nọ bà kia để gia đình được mát mặt... Tuy nhiên, đôi khi, sự "tham lam" của người lớn đã vượt quá khả năng, tạo thành những áp lực không nhỏ cho các bé, gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.

Không để con thua ngay vạch xuất phát và kỳ vọng quá khổ của các bậc phụ huynh xứ Trung: Áp lực vô hình đẩy trẻ vào bước đường cùng - Ảnh 1.

Bức ảnh gây bão mạng xã hội: Ông bố ngồi theo dõi con trai học bài, tay "lăm lăm" chiếc dép ép bé học đến tận khuya để thi trường điểm

Xuất phát sớm

Tiểu Bảo là 1 cậu bé 8 tuổi, học lớp chọn tại 1 trường điểm ở thành phố Bắc Kinh, điểm tổng kết hiện tại nằm trong top 10 ở lớp.

"Trường này đầu vào rất nghiêm ngặt, đề thi cũng được bảo mật và thay đổi hàng năm, muốn chuẩn bị trước cũng khó. Do vậy, chỉ có cách phải thật chăm chỉ!" - Mẹ của Tiểu Bảo cho biết.

Là 1 giáo viên, hàng ngày đứng trên bục giảng dạy học trò nên chị không thể chấp nhận con mình chỉ là 1 học sinh bình thường, mà muốn con phải học thật giỏi, bởi nhìn xung quanh, con của bạn bè, đồng nghiệp sức học đều rất khá.

Không để con thua ngay vạch xuất phát và kỳ vọng quá khổ của các bậc phụ huynh xứ Trung: Áp lực vô hình đẩy trẻ vào bước đường cùng - Ảnh 2.

Tiểu Bảo đang học dưới sự giám sát của mẹ

Dù mới lên 8, nhưng cậu bé đã "được" mẹ cho đi học thêm đủ nơi, thuê cả gia sư dạy tiếng Anh về nhà. Thậm chí, mẹ Tiểu Bảo còn cấm con không được chơi game, hạn chế Internet và cắt điện thoại. Lâu dần, cậu bé trở nên lầm lì ít nói ở nhà, sáng lặng lẽ cắp sách để bố chở đi học, tối về nhà lại dán mắt vào sách vở.

Giống với trường hợp trên, sinh ra trong một gia đình khá giả, Lôi Bác được bố mẹ chăm sóc chu đáo, muốn gì được nấy. Thậm chí họ còn đầu tư rất kỹ lưỡng cho con trai trong mọi việc, như cho học tiếng Anh từ sớm, thuê thầy đến nhà dạy đàn, có gia sư kèm cặp… với mục đích trở thành 1 chàng trai hoàn hảo. Nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ cậu bé 10 tuổi thật may mắn khi được bố mẹ yêu thương, chăm chút như thế. Nhưng khi tâm sự với bạn, Lôi Bác cho biết, bản thân cậu cảm thấy thật bất hạnh và khổ sở vì những kỳ vọng của bố mẹ. Bởi thật ra, Lôi Bác không có khiếu âm nhạc nên những giờ học đàn với cậu mà nói không khác tra tấn là bao.

Cậu bé thích đọc sách nhưng lại không có thời gian và bị coi đó là việc vô bổ. Ở trường Lôi Bác thích môn văn, nhưng bố mẹ muốn con trai trở thành nhà kinh doanh nên bắt buộc phải học thật giỏi các môn tự nhiên.

Không để con thua ngay vạch xuất phát và kỳ vọng quá khổ của các bậc phụ huynh xứ Trung: Áp lực vô hình đẩy trẻ vào bước đường cùng - Ảnh 4.

Mẹ lúc nào cũng kè kè bên cạnh giám sát việc học của cậu con trai

Bố mẹ đặt mục tiêu cho Lôi Bác là các môn học phải đạt điểm A, hoặc kém nhất là B+. Nếu thấp hơn sẽ bị mắng mỏ, chê bai, thậm chí bị dọa đuổi ra khỏi nhà. Do đó, Lôi Bác phải gồng mình hết sức cho các kỳ thi để không bị điểm kém. Mỗi lần không được điểm như ý, cậu bé rất lo sợ và không dám về nhà vì biết điều gì đang chờ đợi mình.

Về đích muộn

Ở Trung Quốc, dường như phụ huynh luôn sốt ruột mong muốn con mình giỏi giang, đứng đầu lớp. Thông thường bố mẹ sẽ cảm thấy không yên tâm khi con không đi học sớm, không đi học thêm, sợ con không theo kịp bạn bè. Vì thế, trẻ bị ép học từ rất nhỏ, với lượng kiến thức nhiều ngang nhau từ lúc bé cho đến khi trưởng thành.

Ngay từ nhỏ, trẻ em Trung Quốc đã làm quen với đủ loại áp lực, đơn cử như làm bài tập, học thêm, thi cử, hay áp lực vào trường chuyên, lớp chọn. Lên các cấp học cao hơn, chương trình học của trẻ mở rộng, lượng kiến thức nhiều hơn. Cứ như vậy, trẻ em luôn phải sống trong áp lực học tập là điều dễ hiểu.

Nghiên cứu của Phó Giáo sư Vu Đông - ngành nhân chủng học tại đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh - cho hay: "Trẻ em Trung Quốc khi tốt nghiệp phổ thông yếu kỹ năng hơn học sinh thế giới rất nhiều. Kiến thức lỏng lẻo, kỹ năng ít do không được học và được bố mẹ làm thay, trẻ trở nên ngây ngô ngay cả khi đã trưởng thành."

Không để con thua ngay vạch xuất phát và kỳ vọng quá khổ của các bậc phụ huynh xứ Trung: Áp lực vô hình đẩy trẻ vào bước đường cùng - Ảnh 6.

Các lớp bổ túc buổi tối thi nhau mọc lên như nấm sau mưa

Trên diễn đàn Hội Những Người Mẹ Quảng Đông của Trung Quốc, có không ít những chủ đề "khoe" cách dạy con thành thần đồng:

"Sau khi sinh con và trở về nhà, tôi thường cho con nghe nhạc giao hưởng hoặc nhạc thiếu nhi trong khi tắm và massage. Tôi duy trì thói quen này đến khi con được 1 tuổi. Hiện giờ con gần 2 tuổi, đã biết hát khá nhiều bài." - Bà mẹ có nick Dayuan chia sẻ.

"Tôi cũng thường đọc sách cho con nghe. Đọc sách giúp tăng khả năng ghi nhớ và tiếp nhận ngôn ngữ, hình ảnh của con. Bé nhà mình coi đọc sách như 1 trò chơi, do đó bé rất yêu thích và đọc sách hàng ngày." - Nick Jiayou cũng đăng cách dạy con trên diễn đàn.

"Tôi đăng kí các lớp học ngoại ngữ trên mạng cho bé nhà mình, học dần đến khi vào lớp 1 là giao tiếp được tiếng Anh như 'gió’ ngay." - Nick Dabaobao tự hào nói.

Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng cho rằng kích thích con học hỏi là điều tốt, nhưng nhồi nhét kiến thức khi chúng còn nhỏ tuổi là điều không nên: "Hãy để các bé có tuổi thơ. Đừng biến thành robot quá sớm.", "Học sớm như vậy để làm gì? nếu không học liên tục thì nó cũng sẽ quên. Không tự dưng người ta quy định 6 tuổi học lớp 1 đâu!"...

Phó Giáo sư Vu Đông nói: "Việc dạy con học chữ từ 2 tuổi là không nên. Thay vì ép con đi học thêm, bố mẹ hãy quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo kỹ năng cho trẻ và ngừng can thiệp vào sự lựa chọn của trẻ."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại