Cha mẹ Do Thái vô cùng đề cao tầm quan trọng của trí tuệ, nhưng đối với họ, cách hành xử trong cuộc sống và cách giao tiếp cũng là yếu tố vô cùng quan trọng đóng góp vào thành công của một con người.
Chính vì thế, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, bên cạnh những kiến thức sách vở, gia đình và xã hội đã sớm dạy cho trẻ những bài học về đối nhân xử thế.
Trẻ được dạy kỹ năng giao tiếp từ khi lọt lòng
Với người Do Thái kỹ năng giao tiếp đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng tới chất lượng sinh tồn, sự phát triển cá tính, chỉ số hạnh phúc và quá trình thực hiện lý tưởng của một con người.
Một người giao tiếp tốt sẽ có mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh, điều đó giúp họ có cuộc sống hạnh phúc, công việc phát triển thuận lợi.
Còn một người luôn sống trong các mối quan hệ bất hòa, căng thẳng sẽ khó có được hạnh phúc và cảm giác lẻ loi, cô độc, tự ti sẽ dần xâm chiếm tâm hồn.
Người Do Thái coi cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên dạy con cách giao tiếp.
Kể từ ngày đầu tiên chào đời, trẻ đã bắt đầu giao tiếp và đối tượng đầu tiên chính là cha mẹ chúng.
Trong suốt tuổi thơ, đứa trẻ hầu như chỉ giao tiếp trong phạm vi gia đình, do đó cách các thành viên trong gia đình giao tiếp với nhau, giao tiếp với trẻ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cách trẻ giao tiếp.
Nói cách khác, cha mẹ chính là người thầy huấn luyện kỹ năng giao tiếp đầu tiên và quan trọng cho con, là khuôn mẫu cho hành vi giao tiếp của trẻ.
Vì vậy, theo người Do Thái, để bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp cho trẻ, bản thân người làm cha mẹ cần phải sớm vạch ra một kế hoạch và thực hiện nó một cách hiệu quả. Đừng bao giờ nghĩ rằng, con mình còn quá nhỏ chưa cần thiết đưa ra yêu cầu với nó về cách giao tiếp, cư xử đúng đắn.
Chờ đến khi trẻ đã hình thành độ lỳ trong tính cách thì lúc đó đã quá muộn để sửa chữa. Điều này là sai lầm của cha mẹ.
Phụ huynh Do Thái luôn khuyến khích con cái họ bước ra khỏi nhà, tiếp xúc với thế giới bên ngoài để gạt bỏ sự tự ti và học cách giao tiếp. Họ không ra mặt thay chúng và chủ động rời xa con cái trước khi chúng có ý thức mình nên rời xa cha mẹ.
Theo họ một người con được cha mẹ quá bao bọc, nuông chiều thì chỉ biết ứng xử trong phạm vi hẹp là gia đình mà không biết cách giao lưu, hợp tác với người khác khi bước chân ra xã hội.
Những buổi quyên góp tiền được nhà trường tổ chức nhằm bồi dưỡng kỹ năng thuyết trình và giao tiếp của trẻ.
Còn ở phạm vi nhà trường, trong các trường học tại Israel, học sinh từ lớp hai đã được bồi dưỡng kỹ năng diễn đạt, giao tiếp để sau này các em dám đưa ra quan điểm, ý kiến cá nhân của mình về một vấn đề nào đó.
Việc rèn luyện kỹ năng trao đổi, giao tiếp còn được thực hành trong thực tế. Nhà trường khuyến khích học sinh đi quyên góp tiền ở những cửa hàng trong khu vực lân cận. Mỗi học sinh phải tự đưa ra những phương án thuyết phục người khác để họ đồng ý quyên góp.
Điều này giúp các em khắc phục được tính rụt rè, nhút nhát, mạnh dạn giới thiệu với mọi người tên mình, tên trường học, mục đích quyên góp là gì... Cuối cùng nhà trường sẽ tổng kết hoạt động và đánh giá cho điểm.
Cách hành xử trong cuộc sống
Người Do Thái quan niệm, phẩm chất con người tốt hay xấu sẽ quyết định sự thành công của người ấy. Những phụ huynh Do Thái không chỉ quan tâm đến thành công của con cái trong học tập, mà họ còn mong muốn con trở thành những người có đạo đức và biết cách đối nhân xử thế.
Họ giáo dục con trẻ thông qua việc xây dựng tấm gương tốt; dạy trẻ các phép tắc lịch sự, lễ phép với mọi người xung quanh và bồi dưỡng lòng tốt, sự nhân hậu ở trẻ.
Ngay từ nhỏ những đứa trẻ Do Thái đã được dạy phải biết đoàn kết và giúp đỡ những người xung quanh.
Cha mẹ Do Thái thường dạy con cần yêu thương người khác như yêu bản thân mình, biết yêu thương người khác chân thành mới nhận được sự tôn trọng và yêu mến của mọi người, đồng thời cuộc sống của con sẽ trở nên phong phú và thiết thực hơn.
Họ bồi dưỡng cho con phẩm chất biết yêu thương thông qua việc tăng cơ hội cho trẻ giao lưu với những người xung quanh;
đối xử khoan dung với người khác và ai cũng là người quan trọng, giúp trẻ học cách quan sát và cảm nhận niềm vui, nỗi buồn của người khác, biết cổ vũ động viên và an ủi kịp thời.
Họ còn dạy con không bao giờ được coi thường người khác. Không coi thường, đối xử bình đẳng, khoan dung và chân thành với mọi người là tiền đề để bản thân chúng ta được tôn trọng và có mối quan hệ tốt.
Để giáo dục phẩm chất đó cho con trẻ, cha mẹ Do Thái xóa bỏ các quan niệm cổ hủ, tăng cơ hội cho con cái trong tiếp xúc với người khác, nâng cao trình độ văn hoá cho trẻ để đánh giá con người và sự vật một cách toàn diện và sâu sắc hơn, từ đó hình thành thói quen tôn trọng người khác.
Trẻ em luôn được khuyến khích ra ngoài và giao lưu với những đứa trẻ khác.
Biết lắng nghe và chia sẻ với người khác cũng là một kỹ năng được người Do Thái dạy cho trẻ ngay từ nhỏ. Những câu ngạn ngữ mà cha mẹ người Do Thái thường dạy con là: “Thượng đế tạo cho con người hai cái tai, một cái miệng, là để chúng ta nói ít, nghe nhiều”…”;
"Lời nói đúng mực như liều thuốc tốt, nhưng nói quá nhiều thì tác dụng ngược lại, không có ích mà còn làm hại bản thân”, “Không có ai bình luận về cuộc sống của người khác, cuộc sống sẽ bớt mâu thuẫn và tranh chấp”; “Im lặng là vàng, hùng biện là bạc”.
Qua đó, họ dạy con không tùy tiện đánh giá người khác và dạy con ý nghĩa và cách thức lắng nghe để được người khác tin cậy.
Nguồn: Tổng hợp