Không đánh đổi
Trong khi nhiều doanh nghiệp tỏ ra phấn khích với việc Thủ tướng Chính Phủ rất quyết tâm chỉ đạo các Bộ ngành tạo môi trường kinh doanh thuận lợi bằng việc thực hiện các cam kết, thì một vấn đề quan trọng được đặt ra: Phát triển bền vững.
Một nhà báo đặt câu hỏi: Liệu chúng ta, trong khuyến khích phát triển kinh tế, có chấp nhận đánh đổi môi trường hay không?
Đó là một vấn đề đã xảy ra trên thế giới. Và cũng là cái giá phải trả cho sự phát triển, của những quốc gia cần đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định ngay: Chúng tôi không đánh đổi môi trường để lấy dự án với bất cứ lý do nào.
Ông Đông cho biết, trong tất cả thẩm định dự án đầu tư thì có thẩm định về ảnh hưởng môi trường. Khi dự án đi vào hoạt động có thẩm định phê duyệt về việc xử lý các vấn đề về môi trường.
Và khi dự án đi vào hoạt động thì có quy trình quy chuẩn xử lý vấn đề này.
Cũng với câu hỏi này, ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng khẳng định: Với bất cứ doanh nghiệp nào vi phạm, Bộ công an vào cuộc thu thập chứng cứ và kiên quyết làm đến cùng.
Ông Dũng, người phát ngôn của Chính phủ tại cuộc họp báo chiều nay cũng liên hệ với vấn đề đang rất nổi cộm hiện nay tại Hà Tĩnh. Ông Dũng cho biết, vụ việc này, hiện các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan chuyên môn đang nghiên cứu nguyên nhân.
"Bằng mọi cách phải trả lời nhân dân sớm. Thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp các địa phương rà soát thiệt hại của người dân để hỗ trợ, không để dân đói.
Bên cạnh đó, nghiêm cấm việc thu gom hải sản chết để tiêu thụ trên thị trường. Phải tiêu hủy, để đảm bảo môi trường, sức khỏe người dân", ông Dũng nhấn mạnh.
Chủ nhiệm văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng
Không thể coi thường sức khỏe của người dân
Ngành dệt may sáng nay có đưa ra danh sách "khổ ải" khi mà các cơ quan giám sát bên ngành Công thương khá "hành" họ trong việc nhập khẩu vải. Cụ thể là, nhiều khi chỉ một mét vải mẫu nhập về cũng hành kiểm định hết khâu này sang khâu nọ.
Bên cạnh đó, còn bắt họ phải xây nhà máy xử lý môi trường, khi mà với sản phẩm vải, không cần phải cứng nhắc đến như thế.
Trả lời thắc mắc này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay Bộ Công thương đang cho quy hoạch lại ngành dệt may và da giày.
Và với ngành dệt may, việc kiểm định vải, không phải để hành doanh nghiệp, mà để góp phần loại bỏ những sản phẩm chứa hóa chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, trong quy trình thực hiện vẫn còn những vướng mắc.
"Bộ sẽ có những cơ chế để doanh nghiệp hưởng nhiều ưu đãi hơn. Nhưng vấn đề sức khỏe của người dân thì Bộ không thể xem nhẹ được. Điều đó cũng là đảm bảo lợi thế của ngành dệt may Việt Nam trong quá trình hội nhập", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Trong tất cả những kiến nghị của đại diện các doanh nghiệp sáng nay, gồm doanh nghiệp Hoa Kỳ, doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu, cũng nhắc đến rất nhiều vấn đề phát triển bền vững, khi hợp tác, đầu tư với Việt Nam.
Đại diện doanh nghiệp Nhật Bản rất hứng khởi nới về việc hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, mang đến những sản phẩm sạch, có ích cho sức khỏe của con người, và có ích cho môi trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những ý kiến của các doanh nghiệp trong vấn đề phát triển bền vững. Thủ tướng cũng khẳng định, sức khỏe của người dân là cốt lõi cho sự phát triển kinh tế.