Nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran. Ảnh: AFP
Đã có lúc tưởng chừng các cuộc đàm phán kéo dài hơn một năm qua giữa Iran và nhóm P5+1 sẽ khôi phục thành công thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, để Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt và Iran quay trở lại tuân thủ các cam kết hạt nhân với thế giới.
Tuy nhiên, Mỹ và Iran đã không thể cùng nhau vượt qua những trở ngại cuối cùng. Hai bên chưa thống nhất được việc gỡ bỏ trừng phạt, cùng những dấu vết urani được tìm thấy tại các cơ sở hạt nhân không được Iran khai báo rõ ràng... đã khiến việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015 đình trệ.
Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế IAEA, Rafael Grossi thừa nhận: “Mọi thứ đang khó khăn. Thỏa thuận hạt nhân là điều tốt nhất, nhưng hiện tại dường như không có động lực cần thiết nào để các bên quay trở lại. Chúng tôi cũng không thể giám sát Iran hay kiểm định việc Iran thực hiện cam kết với chúng tôi. Như các bạn đã biết, vào năm trước, chúng tôi đã thấy dấu vết Urani tại những nơi đáng lẽ không nên có. Chúng tôi cần lời giải thích từ Iran, nhưng không thể. Tôi vẫn hi vọng, chúng tôi vẫn có thể làm việc với Iran”.
Trong khi đó, Đặc phái viên Mỹ Robert Malley chỉ trích Iran không quan tâm đến thỏa thuận hạt nhân. Do đó, Mỹ không có sự kỳ vọng vào việc nối lại đàm phán với Iran mà thay vào đó dành sự quan tâm cho các vấn đề “nóng” khác của quốc gia Hồi giáo này. Cụ thể, Mỹ đang tìm cách ngăn chặn Iran cung cấp vũ khí cho Nga và hỗ trợ các cuộc biểu tình của người dân Iran.
Trên thực tế, Iran đã nhiều lần tố cáo Mỹ can thiệp vào tình hình nội bộ của quốc gia này, kích động các cuộc biểu tình bạo lực, chống đối chính phủ. Theo Liên Hợp Quốc, đến nay đã có hơn 300 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình bạo động xảy ra giữa lực lượng an ninh Iran và người biểu tình. Phía Iran xác nhận, trong số những người thiệt mạng có nhiều sỹ quan cảnh sát, binh lính quân đội.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ngày 3/12 một lần nữa lên tiếng khẳng định, chính phủ Iran luôn tôn trọng và đảm bảo các quyền dân chủ của người dân, bác bỏ những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch như Mỹ, Israel và Saudi Arabia.
Giữa lúc căng thẳng gia tăng, hai ngày trước, Mỹ và Israel đã tiến hành tập trận chung đối phó các mối đe dọa từ Iran. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, trong các cuộc tập trận không quân chung với Mỹ, hai bên lên “nhiều kịch bản khác nhau khi đối mặt với các mối đe dọa Iran.
Cuộc tập trận này được chú ý hơn khi nó diễn ra sau các tuyên bố “không để Iran có được vũ khí hạt nhân” của Tổng thống Mỹ Joe Biden hay như “Mỹ có các lựa chọn khác thay thế khi ngoại giao bất thành trong vấn đề hạt nhân Iran”./.