Trung Quốc nhập khẩu trở lại
Việc Trung Quốc trở lại nhập khẩu lúa mạch Australia đã mang lại niềm vui cho ít nhất một ngành công nghiệp của đất nước tỉ dân: các nhà sản xuất bia thủ công đang hy vọng giảm được một khoản chi phí khổng lồ nhờ động thái này.
Ba năm qua là kí ức không mấy tốt đẹp đối với ngành sản xuất bia thủ công còn non trẻ của Trung Quốc. Đại dịch COVID-19 đã khiến khách hàng tránh xa các quán bar và sau đó, chính phủ Trung Quốc vào năm 2020 đã áp đặt thuế chống bán phá giá mạnh tay đối với lúa mạch và rượu vang của Australia.
Theo CNA, thuế lúa mạch đã được giảm vào tháng trước sau khi căng thẳng thương mại giảm bớt. Điều đó sẽ giúp giảm chi phí cho tất cả các nhà sản xuất bia ở Trung Quốc, đặc biệt là các nhà sản xuất bia thủ công sử dụng mạch nha nguyên chất và không thêm các thành phần khác như gạo tấm hoặc tinh bột, thứ khiến sản phẩm của họ đắt đỏ hơn.
Dữ liệu chính phủ Australia cho thấy, trong ba năm trước khi áp dụng thuế quan, Trung Quốc đã mua từ 86% đến 91% lượng lúa mạch mạch nha xuất khẩu của Australia. Những lô hàng này đôi khi chiếm hơn một nửa nhu cầu lúa mạch của Trung Quốc, tùy theo từng năm.
Miller Meng, nhà sản xuất bia tại quán bia thủ công The Brew ở Thượng Hải, cho biết: “Sự trở lại của lúa mạch Australia sẽ làm mọi người vui hơn”.
Ông nói: “Mạch nha Australia trên thị trường đã đưa giá cả trở lại đúng hướng. Không có mạch nha Australia, giá của các loại mạch nha khác đã tăng chóng mặt”.
Nghiên cứu từ các chương trình của EqualOcean International cho thấy hiện có hơn 13.000 doanh nghiệp liên quan đến bia thủ công ở Trung Quốc. Một số công ty như Trueman Brewing có trụ sở tại Thiên Tân và Mahanine Brewing có trụ sở tại Nội Mông đang sản xuất các loại bia từng đoạt giải thưởng toàn cầu. Theo Statista, Trung Quốc là thị trường bia lớn nhất thế giới, dự kiến trị giá 125 tỷ USD trong năm nay và cho đến năm 2020, các nhà sản xuất bia thủ công vẫn là một nhánh gặt hái được nhiều lợi nhuận.
Tuy nhiên, do thiếu lúa mạch mạch nha của Australia, nhiều nhà sản xuất bia thủ công Trung Quốc đã chuyển sang sử dụng các lựa chọn thay thế như mạch nha của Pháp hoặc Canada. Các lựa chọn có chất lượng tương đương với lúa mạch Australia không hề rẻ, đặc biệt sau khi xung đột Ukraine bùng nổ khiến chi phí ngũ cốc và vận chuyển tăng vọt trên toàn thế giới và mùa màng bị ảnh hưởng bởi thời tiết không thuận lợi.
Điều đó có nghĩa là tỷ suất lợi nhuận đang giảm đi một cách đáng kể và nhiều người hy vọng rằng hàng nhập khẩu từ Australia sẽ đảo ngược xu hướng này - các nhà sản xuất bia thủ công nói với Reuters.
Theo Yang Zhenglong, tổng giám đốc Trung Quốc của công ty sản xuất mạch nha Malteurop, lúa mạch mạch nha của Australia hiện được chào bán ở mức 350 USD/tấn so với 390 USD của lúa mạch Pháp, trong khi cước phí vận chuyển từ Australia đến Trung Quốc là khoảng 25 đến 30 USD/tấn so với 35 đến 45 USD từ châu Âu.
Ông cho biết thêm, khoảng 300.000 tấn lúa mạch mạch nha của Australia đã được ký hợp đồng bán sang Trung Quốc kể từ khi thuế quan được dỡ bỏ. Đối với nông dân trồng lúa mạch Australia, việc mở lại thị trường Trung Quốc đương nhiên mang lại lợi ích không nhỏ. Phần lớn lúa mạch từng được sử dụng để sản xuất bia Trung Quốc trong những năm gần đây đã trở thành lúa mạch làm thức ăn cho lạc đà, cừu và dê ở Ả Rập Saudi và được bán với giá thấp hơn.
Matthew Jimenez, giám đốc nghiên cứu tại công ty sản xuất bia Duvel Moortgat của Bỉ ở Thiên Tân, cho biết ông kỳ vọng nhu cầu về lúa mạch mạch nha của Australia sẽ tăng trong hai năm tới.
“Điều này đã được thảo luận trong các cuộc trò chuyện mà tôi tham gia với các nhà sản xuất bia khác. Việc lúa mạch Australia quay trở lại Trung Quốc là điều rất thú vị”.