Không có vùng cấm, ''chung chi'' trong xử lý vi phạm nồng độ cồn

Việt Hùng |

Lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý với người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn và sẽ không có vùng cấm.

Sau 15 ngày Luật phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực ban hành, đại diện lực lượng chức năng cho rằng, tai nạn giao thông đã giảm sâu và việc xử lý vi phạm sẽ được triển khai quyết liệt trong thời gian tới.

Xử lý vi phạm mới chỉ là phần ngọn

Tại buổi họp báo về triển khai thực hiện Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 16/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP vào chiều ngày 16/1 do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, từ ngày 1-15/1/2020, cả nước xảy ra 322 vụ tai nạn, làm chết 249 người, bị thương 158 người. So với thời gian trước liền kề, tai nạn giao thông giảm 31 vụ (giảm 8,8%), giảm 38 người chết (giảm 13,2%), giảm 57 người bị thương (giảm 26,5%).

Theo Thiếu tướng Đức, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 54.892 trường hợp vi phạm giao thông, phạt tiền 49,7 tỷ đồng; phát hiện xử lý 6.279 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 21 tỷ đồng.

Trong đó, có 60 tài xế ôtô và 1.270 xe máy bị xử phạt ở mức cao nhất về vi phạm nồng độ cồn (vượt quá 0,40 mg/lít khí thở), với mức phạt tài xế ôtô từ 35-40 triệu đồng và xe máy 6-8 triệu đồng, tước bằng lái 22-24 tháng.

Nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm quy định của pháp luật đã dần hình thành thói quen đã sử dụng rượu bia thì không tham gia giao thông, Thiếu tướng Đức nhìn nhận tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm mới chỉ là vấn đề ngọn, cái gốc là phải phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị, cơ quan truyền thông để người dân nhận thức được tác hại của rượu, bia.

Tuy nhiên, ông Đức thừa nhận qua quá trình thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như Nghị định được ban hành và có hiệu lực trong thời gian rất ngắn nên việc triển khai gấp và tuyên truyền cho người dân biết, nắm được những quy định của Nghị định còn hạn chế.

Mặc khác, ý thức của một số người điều khiển phương tiện chưa cao nên khi lực lượng chức năng dừng phương tiện để kiểm tra nồng độ cồn có những lời nói, hành động chống đối, bất hợp tác, không chấp hành ngay việc kiểm tra nồng độ cồn, khoá cửa xe và bỏ đi.

“Theo quy định tại Nghị định 100 /2019/NĐ-CP, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý các trường hợp không chấp hành như xử lý đối với người vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất,” Thiếu tướng Đức cho hay.

Không có vùng cấm

Giải đáp thông tin về việc ăn hoa quả và uống siro cũng có thể bị xử lý vi phạm nồng độ cồn, vị Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, hoa quả tươi trước và sau khi ăn không phát hiện nồng độ cồn; siro và chanh đào có phát hiện nồng độ cồn nhưng sau khi nghỉ ngơi khoảng 2-5 phút hoặc uống 1 cốc nước thì về mức không có nồng độ cồn.

“Cục Cảnh sát giao thông sẽ hướng dẫn lực lượng Cảnh sát giao thông khi kiểm tra các trường hợp có trình bày sử dụng siro hoặc thuốc sẽ chờ nghỉ sau 10-15 phút hoặc uống nước và kiểm tra lại,” Thiếu tướng Đức nói.

Còn theo bác sỹ Gia Anh, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Việt Đức), mỗi năm, bệnh viên này mổ cấp cứu 10.000 ca, trong đó có 75% ca liên quan tai nạn giao thông và 60% bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu.

“Qua hai tuần vừa qua, số bệnh nhân bị tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức đã giảm 10%, dù đây là khoảng thời gian người tham gia giao thông đang gia tăng. Đây là tín hiệu mừng cho người tham gia giao thông và cho cả Chính phủ.

Giảm tai nạn giao thông là giảm tải cho cả ngành y tế và điều quan trọng là làm sao duy trì được kết quả này,” bác sỹ Gia Anh chia sẻ.

Đề cập đến thắc mắc của nhiều người dân sau khi uống rượu bia, thời gian bao lâu có thể điều khiển phương tiện ra đường, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y Tế) giải thích việc này phụ thuộc vào tần suất uống, mức độ đào thải và tuỳ theo sức khoẻ của mỗi người.

“Hiện nước ta chưa có nghiên cứu cụ thể nào và kể cả trên thế giới chưa có bằng chứng khoa học chứng minh sau bao lâu uống rượu bia thì nồng cộ cồn về 0. Vì thế, nếu đã sử dụng rượu bia thì không nên tham gia giao thông,” ông Quang đưa ra lời khuyên.

Trả lời về lo ngại mức phạt cao sẽ khiến người vi phạm "chung chi" với cảnh sát giao thông, Thiếu tướng Đức quả quyết, hoạt động của Cảnh sát giao thông theo kế hoạch của các cấp có thẩm quyền và chịu sự giám sát của người dân, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

“Hai tuần qua, Cục Cảnh sát giao thông chưa nhận được khiếu nại về bất cứ trường hợp vi phạm nào, sẽ không có vùng cấm trong xử lý với những ai làm sai,” Thiếu tướng Đức khẳng định.

Bổ sung thêm, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh chế tài ban hành không phải với mục đích xử phạt mà là thông điệp nhắc nhở, răn đe, tín hiệu đủ mạnh để giúp người dân không vi phạm.

“Có quốc gia áp dụng chế tài hình sự cho lỗi sử dụng rượu bia vẫn tham gia giao thông nhưng không ai mong muốn phải xử lý. Đó là tính nhân văn trong việc ban hành chế tài xử phạt tại nước ta,” ông Hùng cho hay./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại