Đây là ý kiến của bà Nguyễn Vân Anh- giám đốc trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Khoa học về Giới- Gia đình- Phụ nữ và Vị thành niên ( CSAGA) xung quanh câu chuyện về người đàn ông "chém chết con rể rồi chở xác đến công an tự thú" khiến dư luận không khỏi bàng hoàng những ngày qua.
Phóng viên Infonet đã có cuộc phỏng vấn với vị chuyên gia gắn bó gần 20 năm với công việc phòng chống bạo lực gia đình xung quanh vấn đề này.
Thưa bà, mạng xã hội đang lan truyền câu chuyện bi thương về việc một người cha đã ra tay chém con rể rồi chở xác đến công an đầu thú.
Nguyên nhân ban đầu được cho là nạn nhân say rượu, đến nhà bố vợ chửi, đe dọa vợ con, người cha vợ không kiềm chế được nên xảy ra án mạng. Là người gắn bó nhiều năm với công cuộc chống bạo lực gia đình, bà nghĩ gì về hành vi của người cha này? Ông ấy có phải người "máu lạnh"?
Bà Nguyễn Vân Anh: Trong quá trình thực hiện các dự án về phòng chống bạo lực gia đình bà có gặp những trường hợp nào tương tự hoặc người phụ nữ "sống mà như chết" vì chồng bạo hành?
Tôi nghĩ mình nên thay cụm từ "xã hội đang lan truyền". Bây giờ cụm từ này bị lạm dụng nhiều quá. Đây là câu chuyện khá đau lòng và nó đúng như lý thuyết, bạo lực sinh ra bạo lực. Đừng chỉ trích ai vì tất cả đều có lỗi và đều đau đớn cả.
Trong quá trình thực hiện các dự án về phòng chống bạo lực gia đình bà có gặp những trường hợp nào tương tự hoặc người phụ nữ "sống mà như chết" vì chồng bạo hành?
Bà Nguyễn Vân Anh: Trong suốt gần 20 năm làm công việc tư vấn và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, tôi đã gặp cả hàng trăm trường hợp "sống mà như chết" hay tệ hơn là sống mà như trong địa ngục.
Người Việt mình, phụ nữ mình hay nghĩ rằng, sống không ly dị, im lặng chịu đựng là vì con. Thậm chí có khi còn tự hào là vì sự nhẫn nhịn của mình mà còn có gia đình.
Nhưng cái gia đình ấy nó đầy uất ức, bạo lực, cay đắng, câm nín, và đợi chờ bùng phát. Nó có thể luôn ngậm bom và nổ bất cứ lúc nào. Và cái vụ giết người này là một ví dụ.
Nhiều ý kiến cho rằng, nên cảm thông với người cha bởi ông đã quá bức xúc khi ngày ngày chứng kiến cảnh con mình bị chồng mắng chửi, đánh đập… quan điểm của bà về hành vi này như thế nào? Xét dưới góc độ tâm lý cách thương con của người cha này có phù hợp?
Bà Nguyễn Vân Anh: Không có tội ác nào đáng được cảm thông. Không thể sử dụng bạo lực để chống lại bạo lực. Việc làm của người cha thể hiện sự bất lực với sự vũ phu của anh con rể.
Chúng ta hiểu hoàn cảnh xảy ra thì đúng hơn.Và có ai đặt câu hỏi vì sao ông phải làm vậy? vì sao ông bất lực? Đáng ra thì việc giải quyết này thuộc về ai? Ai có lỗi?
Vậy theo bà để xảy ra kết cục bi thảm này, có một phần lỗi của người con gái hay không? Bởi chị ấy đã không biết cách "tự bảo vệ mình", không dám đứng lên tố cáo chồng… thậm chí ly hôn để không phải sống chung với người chồng vũ phu như thế.
Bà Nguyễn Vân Anh: Tại sao bạn lại đổ lỗi cho cô con gái nhỉ? Hai người đàn ông kia đều sử dụng bạo lực với người khác và với nhau, mà cuối cùng bạn lại đưa ra ý kiến cô gái có lỗi.
Cô ấy đã ly thân. Và như vậy là cô ấy hiểu cần cách ly với kẻ bạo lực. Nhưng tại sao không có ai can thiệp khi kẻ vũ phu vẫn theo cô ấy sang tận nhà bố mẹ đẻ để chửi bới lăng mạ?
Vậy theo bà để xảy ra câu chuyện đáng tiếc này, lỗi do đâu?
Bà Nguyễn Vân Anh: Đó là do hệ thống dịch vụ hỗ trợ các vấn đề gia đình trong đó có vấn đề phụ nữ và bạo lực chưa sẵn có mặc dù đã có luật.
Ngoài ra, luật/ kỹ năng hỗ trợ nạn nhân bạo lực/ kỹ năng thoát hiểm , xử lý vấn đề chưa đến với người dân. Người dân chưa có niềm tin vào hệ thống thực thi pháp luật- nên mọi việc đều "tự xử"
Do vậy, để khắc phục tình trạng này, những nhà quản lý cần rà soát lại hệ thống thực thi luật. Có các phương pháp / chế tài để đem luật / kỹ năng xử lý vấn đề khi có mâu thuẫn đến với dân.
Qua câu chuyện đau lòng này, có điều gì bà muốn chia sẻ với chị em?
Bà Nguyễn Vân Anh: Tôi muốn nhắn gửi gì ấy ư? Tôi muốn gửi lời nhắn cho hệ thống can thiệp, thực thi luật tại tất cả các địa phương, rằng đừng thờ ơ với những vụ việc bạo lực khi nó mới chớm nở.
Tôi muốn nhắn cho tất cả những người đàn ông rằng, bạo lực không bao giờ tạo ra hạnh phúc và sức mạnh.
Tôi muốn nhắn các bạn báo chí rằng, truớc những vụ việc thế này, hãy hiểu kỹ vấn đề, đừng chỉ nhìn nó tách rời như một vụ giết người, hãy thôi đổ lỗi cho phụ nữ.
Tôi muốn nhắn các chị em, hãy cẩn thận, bảo vệ mình và luôn cảnh giác trước những hành vi bạo lực. Nó có thể lấy đi mạng sống và tương lai của bạn và gia đình. Trong việc này, có tới mấy người chết chứ đâu phải một.
Phòng chống bạo lực gia đình là để bảo vệ đàn ông. Bởi nếu phòng chống từ đầu, 2 người đàn ông này đã không một chết, một phải vào tù.
Nếu anh con rể không sử dụng bạo lực/ không sử dụng bạo lực vì bị ngăn cản/ can thiệp bởi các cơ quan, tổ chức thì đã không có 1 án mạng và 1 án tù.
- Xin cảm ơn bà!
Chiều 14/5, Tôn Thanh V (SN 1982) là con rể ông Nguyễn Văn Nam (SN 1958) đi nhậu say xỉn rồi mới tìm về nhà cha vợ, chửi bới om xòm. Lúc đó ông Nam ở trong nhà nhưng nín nhịn, không nói gì.
Đúng lúc này con gái thứ 2 của ông Nam, là chị D đi làm về đến nhà. Vừa vào nhà, giữa D và V xảy ra cự cãi. V có xô D ngã xuống đất. Không kiềm chế được, ông Nam đã lao ra chém chết con rể rồi chở xác đến công an tự thú.
Trước đó, con gái ông Nam lấy V được khoảng 7 năm nay, có với nhau 1 đứa con chung đang học lớp 1.
Hai vợ chồng đều làm công nhân tuy nhiên, gần đây giữa hai người phát sinh mâu thuẫn, phải sống ly thân; vợ của V về nhà cha mẹ ruột sinh sống.
Còn V sống với con ở nhà cũng gần đó, tại hẻm số 72 đường số 3, P.13, Q.Gò Vấp.