Không có “thiên thời, địa lợi”, vì sao Slovakia chống Covid-19 thành công?

Kiều Anh |

Không phản ứng sớm nhất, không có hệ thống y tế tốt nhất, không có nhiều lợi thế nhất, vì sao Slovakia có tỷ lệ tử vong thấp nhất châu Âu?

Không có “thiên thời, địa lợi”...

Quốc gia châu Âu ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 thấp nhất không phải Đức với khả năng phản ứng nhanh, hay Thụy Điển, với chiến lược "ngược dòng" xu thế phong tỏa mà là Slovakia - quốc gia Trung Âu nhỏ bé chỉ với 5,4 triệu dân. Tính đến ngày 12/5, Slovakia ghi nhận 1.457 ca mắc Covid-19 và 26 trường hợp tử vong.

Đầu tiên, cần phải hiểu rằng Slovakia không phải là quốc gia có sẵn lợi thế so với các quốc gia khác, nếu không muốn nói còn có nhiều điểm bất lợi.

Slovakia có số ca mắc và số ca tử vong thấp không phải bởi vì sự cô lập. Trái lại, nước này có sự liên hệ rộng rãi với các khu vực khác khắp châu Âu. Hàng trăm nghìn người Slovakia làm việc ở châu Âu, từ những người lao động đi lại hàng ngày cho tới công nhân thời vụ và người di cư dài hạn.

Chẳng hạn, hơn 20.000 người Slovakia làm công việc chăm sóc người cao tuổi đi lại hàng ngày giữa nước này và Áo - một ổ dịch tương đối lớn ở châu Âu với gần 16.000 ca mắc Covid-19. Thanh thiếu niên ở Slovakia cũng học tập ở nước ngoài nhiều hơn bất kỳ nước nào thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Theo dữ liệu điện thoại di động, khoảng 50.000 người Slovakia đã đi tới khu vực phía bắc Italy - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 ở châu Âu trong suốt thời gian từ nửa cuối tháng 2 - đầu tháng 3, song Slovakia không trải qua bất kỳ đợt bùng phát đáng kể nào sau khi họ trở về.

Một số ý kiến cho rằng tỷ lệ tử vong ở Slovakia thấp có thể là do chất lượng y tế công cộng ở quốc gia này. Trên thực tế, mặc dù là một thành viên EU nhưng Slovakia không được đánh giá cao theo Chỉ số An ninh Y tế toàn cầu năm 2019, vốn được sử dụng để đánh giá khả năng của các quốc gia trong việc phản ứng với các đại dịch hoặc những mối đe dọa tương tự. Slovakia đứng thứ 70 về khả năng phát hiện mối đe dọa an ninh y tế và đứng thứ 105 về khả năng phản ứng với những thách thức như vậy. Trong khi đó, Đức đứng thứ 10 về khả năng phát hiện và đứng thứ 28 về khả năng phản ứng.

Trong suốt 6 tuần qua, chúng ta có thể thấy thực tế về chất lượng hệ thống y tế ở quốc gia này. Từ giai đoạn đầu của đại dịch, các nhà chức trách y tế công cộng của Slovakia đã phải hạn chế các thiết bị bảo hộ y tế cá nhân và kit xét nghiệm chẩn đoán Covid-19. Họ cũng chỉ có một vài đội ngũ sẵn sàng tiến hành xét nghiệm cũng như theo dõi tiếp xúc.

Thậm chí cho tới nay, Slovakia cũng không có ứng dụng theo dõi di động hoặc hệ thống cách ly thông minh. Trong số các quốc gia và khu vực kiểm soát thành công dịch Covid-19, Đài Loan (Trung Quốc) có sẵn một hệ thống thậm chí trước cả khi đại dịch bùng phát. Cộng hòa Séc ban đầu chưa chuẩn bị hệ thống này nhưng sau đó cũng bắt đầu triển khai vào cuối tháng 3.

Cho tới nay, dịch Covid-19 tại Slovakia chủ yếu giới hạn ở 3 nhóm người: những người nghèo trong cộng đồng thiểu số Romani sống ở các khu ổ chuột tại các làng quê, có thể đã lây bệnh từ những người ở Anh trở về; những người cao tuổi sống trong các viện dưỡng lão và những người di cư cùng gia đình họ trở về nước.

Với tất cả thực tế trên, câu hỏi đặt ra là vì sao và bằng cách nào Slovakia có thể kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19?

..., vì sao Slovakia vẫn thành công chống Covid-19?

Có 3 nhân tố chính quyết định số ca tử vong và số ca mắc Covid-19 tại Slovakia đều ở mức thấp.

Nhân tố quan trọng nhất là quyết định nhanh chóng phong tỏa toàn quốc của chính phủ có hiệu lực từ ngày 16/3, 10 ngày sau khi quốc gia này ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên. Lệnh phong tỏa bao gồm đóng cửa tất cả trường học, nhà hàng, quán bar và các cửa hàng, ngoại trừ các cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc và ngân hàng, đồng thời cấm tất cả các sự kiện công cộng và các hoạt động tập trung đông người. Quốc gia này cũng tự cách ly với thế giới bên ngoài bằng cách đóng cửa tất cả các sân bay và thực hiện lệnh cách ly bắt buộc với công dân từ nước ngoài trở về. Tuy nhiên, không giống như một số quốc gia khác, việc giãn cách vật lý giữa các cá nhân phần lớn vẫn chưa bị hạn chế.

Đến đây, chúng ta sẽ thấy phản ứng của Slovakia cũng giống nhiều quốc gia khác. Vậy thì sự khác biệt về số ca mắc và số ca tử vong ở quốc gia này do đâu? Nếu như lệnh phong tỏa là "điều kiện cần" thì nhân tố thứ hai: sự tuân thủ ngay lập tức và rộng khắp của người dân Slovakia chính là “điều kiện đủ”.

Theo một nghiên cứu về Các giá trị châu Âu của Viện Leibniz về Khoa học xã hội, mặc dù Slovakia nhìn chung có mức tín nhiệm chính phủ thấp nhưng người dân nước này luôn thực hiện những điều mà họ được yêu cầu. Người dân Slovakia hành động tự nguyện mà không cần biện pháp cưỡng chế trên quy mô lớn. Phản ứng mà các nhà chức trách đưa ra luôn được người dân chấp hành nghiêm ngặt.

Ngoài ra, mặc dù Slovakia vẫn có những xung đột về đảng phái đối với việc ai là người chịu trách nhiệm khi thiếu sự chuẩn bị trước dịch bệnh, song không có bất kỳ sự bất đồng nào về mức độ nghiêm trọng của đại dịch hay yêu cầu cần phong tỏa đất nước. Điều này dường như không giống với Mỹ và một số quốc gia khác, khi chính quyền liên bang và chính quyền địa phương phân cực sâu sắc về những vấn đề như vậy.

Ngoài “điều kiện cần” và “điều kiện đủ”, Slovakia còn có “điều kiện đảm bảo” để dịch Covid-19 có thể được kiểm soát hiệu quả. Các chuyên gia luôn coi truyền thông là nhân tố quan trọng để đảm bảo thành công của Slovakia. Việc sử dụng khẩu trang trên toàn bộ đất nước được thực hiện từ sớm, cho dù có những tranh cãi ban đầu về mức độ cần thiết của hành động này ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Một dấu mốc mang tính định hướng, làm thay đổi nhận thực về việc đeo khẩu trang ở Slovakia là chương trình truyền hình có sự tham gia của Thủ tướng Igor Matovic và Bộ trưởng Bộ Y tế nước này vào ngày 13/3.

Người dẫn chương trình nổi tiếng của Slovakia - Zlatica Puskarova đã hỏi các quan chức chính phủ tại sao họ không đi đầu làm gương bằng cách đeo khẩu trang. Các nhà lãnh đạo Slovakia sau đó đã ngay lập tức đeo khẩu trang và từ ngày hôm sau, toàn bộ quốc gia này bắt đầu sản xuất và đeo khẩu trang. Kể từ đó, không có chính trị gia Slovakia, biên tập viên hay người nổi tiếng nào xuất hiện trước công chúng mà không đeo khẩu trang.

Truyền thông ở Slovakia đóng vai trò nổi bật trong cuộc khủng hoảng Covid-19 khi không chỉ khiến chính phủ với hành động trách nhiệm mà còn nhanh chóng phổ biến những quy chuẩn xã hội mới tới người dân.

Chính phủ Slovakia đã bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa ngày 22/4 và từ khi số ca mắc mới chỉ ở mức 1 con số, các nhà chức trách đã cho phép mở cửa trở lại hầu hết các cửa hàng, nhà hàng và khách sạn ngày 6/5.

Cuộc sống có thể còn lâu mới quay trở lại bình thường khi các trường học vẫn đóng cửa, các nhà hàng và quán bar chỉ được phục vụ số lượng khách nhất định ngoài trời, nhưng người dân Slovakia đã không phải chấp hành những quy định hạn chế nghiêm ngặt nhất.

Mặc dù hành động quyết đoán từ sớm của chính phủ là yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19 song trường hợp của Slovakia cho thấy truyền thông và sự đồng lòng của người dân có thể bù đắp cho những thiếu hụt về điều kiện y tế công cộng bằng cách tạo dựng một sự nhất trí chung trong việc nhìn nhận về các quy chuẩn xã hội cần thiết. Sự kết hợp đồng thời của 3 yếu tố trên chính là “chìa khóa” để Slovakia trở thành một hình mẫu chống dịch hiệu quả tại châu Âu./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại