Để làm sáng tỏ những thắc mắc trên, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với GS Vũ Trọng Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, người đã có hơn 60 năm gắn bó với công tác thuỷ lợi trên các dòng sông.
GS Vũ Trọng Hồng.
PV: GS có cho rằng, siêu dự án này có tính khả thi hay không?
GS Vũ Trọng Hồng: Dự án này hoàn toàn không khả thi về tất cả các mặt. Về kinh tế, không có chủ đầu tư nào vốn chỉ có 1.200 tỉ, mà làm dự án trên 24.000 tỉ.
Họ không kiếm đâu ra vốn đối ứng để hoàn thành công trình. Nếu họ làm dang dở rồi bị phá sản, thì hậu quả của sông Hồng để lại cho ai?
Về môi trường, nếu dự án này được thực hiện, vựa lúa sông Hồng sẽ mất, ai lo vấn đề an ninh lương thực quốc gia? Đồng bằng sông Hồng có mỏ than rất lớn, nhưng Chính phủ không dám cho khai thác vì sợ làm cho đồng bằng sông Hồng tụt xuống.
Bao đời nay, người dân Bắc Bộ chỉ biết trồng lúa, nếu đồng bằng sông Hồng sụt lún sâu, không còn đất sản xuất thì biết làm gì?
Về an ninh, nếu dự án hoàn thành, biên giới 2 nước Việt Nam – Trung Quốc sẽ trở thành xuyên suốt, kiểm soát sẽ khó khăn hơn.
Trong trường hợp công ty Xuân Thiện thua lỗ rồi bán dự án cho doanh nghiệp nước ngoài, liệu rằng Chính phủ có thể điều hành được không?
Về xã hội, việc Tập đoàn tư nhân nắm con sông huyết mạch sẽ xảy ra tranh chấp nước giữa các địa phương dưới hạ du.
Tại sao Bộ Kế hoạch - Đầu tư lại tham mưu, đệ trình Chính phủ phê duyệt dự án? Tôi nghĩ rằng bản thân họ cũng không hiểu rằng dự án sẽ đi về đâu.
PV: Sông Hồng không có quy hoạch phát triển thuỷ điện. Việc xây 6 đập này, nếu được thực hiện, có phải là trái luật không, thưa GS?
GS Vũ Trọng Hồng: Hoàn toàn trái luật. Sông Hồng là tài sản quốc gia, phải do quốc gia định đoạt.
Một doanh nghiệp tư nhân có quyền đề nghị nhưng đụng đến con sông chi phối đời sống của hơn 40 triệu người dân đồng bằng Bắc Bộ, thì phải được Quốc hội phê chuẩn. Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã làm sai trình tự xây dựng cơ bản.
Khi xem xét một dự án nào đó phải căn cứ vào nhu cầu thực sự.
Với dự án này, phải xem xét có nhu cầu về giao thông và thuỷ điện ở khu vực đó không. Tôi nghe là Bộ Giao thông vận tải có đề nghị, nhưng ngành Điện không đồng ý. Vậy tại sao lại trình 6 cái thuỷ điện?
Sau khi xem xét nhu cầu lại phải xem đến quy hoạch. Sông Hồng không có quy hoạch thuỷ điện, chỉ có quy hoạch thuỷ lợi. Quy hoạch chưa có đã trình Chính phủ là sai rồi. Đánh giá khả thi cũng chưa chắc chắn.
Nếu như dự án này được thông qua sẽ gây hậu quả khôn lường. Đây không phải dự án bình thường, mà phía sau đó là rất nhiều hệ lụy mà hàng trăm năm sau cũng không giải quyết được.
PV: Đây đều là những công trình thuỷ điện nhỏ trong khi chủ trương của Chính phủ là hạn chế phát triển thuỷ điện nhỏ. Nhưng dự án này lại được sự đồng thuận cao của các Bộ, ngành. Vì sao vậy?
GS Vũ Trọng Hồng: Theo tôi, thuỷ điện không phải mục tiêu dự án, mà mục tiêu của nó là giao thông thuỷ để kết nối với Trung Quốc, giúp vận chuyển hàng hoá giữa Trung Quốc – Việt Nam thuận lợi hơn.
Đập thuỷ điện chỉ để dâng nước lên giúp cho việc đi lại dễ dàng hơn. Các đập này không có lợi gì cho phía hạ du. Cái gốc của dự án là để thu phí giao thông.
Nên nhớ rằng hiện nay giao thông thuỷ đang là miễn phí. Khi dự án hoàn thành, phí sẽ rất cao. Đây là nhà đầu tư tư nhân, họ làm việc vì lợi nhuận. Các Bộ đều tỏ vẻ nghi ngại về dự án, nhưng lại không thể hiện sự phản đối trên văn bản.
Vì vậy, chủ đầu tư đang mập mờ, cho rằng đó là sự đồng ý. Với dự án này phải hỏi ý kiến của 40 triệu người dân đồng bằng Bắc Bộ, chứ không phải Bộ này hay Bộ kia có thể quyết định.
PV: Siêu dự án này đang tồn tại nhiều điểm mập mờ, vô lí. Theo GS, bản chất của dự án này là gì?
GS Vũ Trọng Hồng: Bản chất dự án này là nhân thể kiếm lời, sau đó bán dự án. Thuỷ điện chỉ là cái cớ để kiếm thêm tiền.
Mục đích của dự án là tận thu cát và sa khoáng từ việc nạo vét 288km lòng sông. Nếu lỗ vốn, doanh nghiệp sẽ bán dự án, khi đó chắc chắn doanh nghiệp Trung Quốc sẽ mua.
Trung Quốc đã có 8 đập lớn trên thượng nguồn, nếu có thêm các đập phía hạ nguồn sẽ kiểm soát toàn bộ sông Hồng, khiến Việt Nam bị phụ thuộc nguồn nước.
Khi Trung Quốc kiểm soát nguồn nước thì hạ du còn gì? Mùa kiệt chúng ta cần nước thì thuỷ điện sẽ tích lại. Muốn có nước, Nhà nước phải đánh đổi, cho họ đất vàng và các cơ chế ưu đãi đặc thù.
PV: Theo GS, những công trình trên những dòng sông huyết mạch có nên giao cho tư nhân không?
GS Vũ Trọng Hồng: Tuyệt đối không. Kể cả những công trình ấy do Chính phủ thực hiện cũng cần phải xem xét kĩ bởi giữa thuỷ điện và thuỷ lợi hoàn toàn khác nhau.
Người dân miền Trung đã hiểu rằng, các thuỷ điện không giúp gì cho việc chống hạn. Khi người dân cần nước vụ đông xuân, thì thuỷ điện phải tích nước để phát điện.
Giữa thuỷ điện và nông nghiệp hoàn toàn ngược nhau. Thuỷ điện có rất nhiều nhưng để phát điện chứ không phải cho nông nghiệp. Nếu có dự án, sông Hồng sẽ chết.
Bởi vì lòng sông Hồng sẽ tụt xuống, đồng bằng Bắc Bộ sẽ tụt xuống, nền văn minh sông Hồng sẽ mất đi. Điều này là đau đớn. Thuỷ điện Hoà Bình đã làm đồng bằng Bắc Bộ xuống thấp 1m rồi.
Chúng ta không nên tư nhân hoá thuỷ điện. Vì tư nhân hoá nên quy trình vận hành liên hồ chứa rất khó thực hiện.
Chính phủ muốn điều hành thuỷ điện mang lại nước cho dân, nhưng lại khó kiểm soát được các công trình do tư nhân quản lí. Không thể ép họ xả nước phục vụ sản xuất.
Như trường hợp thuỷ điện Đắk Mi 4 chuyển nước từ Vu Gia về Thu Bồn, dưới hạ du Vu Gia khô khát, nhưng chủ hồ không chịu xả.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khi đó yêu cầu họ xả 25m3/s nhưng chủ hồ không thực hiện. Khi giao tư nhân, Nhà nước không còn quyền định đoạt.
PV: Nhiều chuyên gia phân tích rằng, lợi nhuận kinh tế của thuỷ điện thực sự không lớn, trong khi đầu tư nhiều. Vậy tại sao nhiều doanh nghiệp vẫn xin làm, thưa GS?
GS Vũ Trọng Hồng: Đúng là lợi nhuận của thuỷ điện không lớn. Đối với các thuỷ điện nhỏ dưới 30 MW thì nguồn lợi lớn nhất là từ khai thác gỗ, sau mới đến bán điện thu lời.
Việc xả nước cho hạ du để chống hạn là không có, vì không có dung tích điều tiết nước. Hơn 60 năm làm thuỷ lợi, tôi hiểu rõ điều này.
PV: Trong bối cảnh hiện nay Việt Nam có cần thiết phải phát triển thêm thuỷ điện không?
GS Vũ Trọng Hồng: Về điện, coi như quy hoạch đã hoàn thành rồi. Chỉ khoảng 30 năm nữa, nhân loại sẽ bắt đầu phá bỏ dần thuỷ điện. Nước Mỹ cũng đang tiến hành loại bỏ các thuỷ điện nhỏ, bởi nó làm mất đi hệ sinh thái của dòng sông.
Trong tương lai, Việt Nam cũng sẽ phá dần thuỷ điện. Thuỷ điện coi như kết thúc số phận. Nếu có thiếu điện, chỉ cần nâng cấp các thuỷ điện lớn như Sơn La, Hoà Bình, Yaly để bù cho hàng trăm cái thuỷ điện nhỏ.
PV: Theo GS, quy hoạch thuỷ lợi và thuỷ điện hiện nay đã làm tốt chưa?
GS Vũ Trọng Hồng: Quy hoạch thuỷ lợi đã có từ lâu đời trong khi quy hoạch thuỷ điện mới có cách đây khoảng hơn 20 năm.
Cơ bản quy hoạch thuỷ lợi đã hoàn thành, nhưng với yêu cầu phát triển ngày nay, thì quy hoạch này không đáp ứng được.
Ví dụ, việc xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn do khu vực này chưa có quy hoạch thuỷ lợi bài bản. Hạn hán là do cửa cống thiếu, không ngăn mặn được.
Còn quy hoạch thuỷ điện, lúc đó Việt Nam có một ước mơ là trong 2 thập kỉ có thể điện khí hoá toàn quốc.
Trên thế giới chưa có nước nào làm được. Chính vì ước mơ này mà chúng ta đốt cháy giai đoạn. Cái quan trọng nhất của quy hoạch thuỷ điện là sự cân bằng giữa cung – cầu nguồn nước.
Nguồn nước được sử dụng cho nhiều mục đích: sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, vận tải thuỷ, phát điện...
Nhưng thuỷ điện bỏ qua hết mọi yếu tố khác, chỉ tập trung vào việc phát điện. Trong dung tích của thuỷ điện không có dung tích phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Sai lầm của quy hoạch thuỷ điện là đã không đếm xỉa tới sự cân bằng nước.
Việt Nam là nước nông nghiệp, hơn 80% người dân làm nông nghiệp. Mỗi lần chống hạn lại phải làm đơn cầu cứu thuỷ điện, nhưng thuỷ điện cũng bó tay vì không có dung tích làm thuỷ lợi.
Ví dụ, vụ đông xuân năm nay, thuỷ điện Hoà Bình được yêu cầu xả 15 ngày, nhưng mới được 8 ngày đã kêu hết nước.
PV: Phía thượng nguồn sông Hồng, Trung Quốc xây dựng rất nhiều thuỷ điện. Nay dưới hạ nguồn chúng ta tiếp tục xây dựng 6 con đập. Điều gì sẽ xảy ra, thưa GS?
GS Vũ Trọng Hồng: Khi chúng ta xây đập, nếu thiếu nước, chúng ta không có lập luận nào để xin nước từ Trung Quốc. Chúng ta đang tự trói mình vào.
Chúng ta ở hạ nguồn, bị phụ thuộc vào thượng nguồn mà lại tự trói mình là sai lầm. Tôi tin là dự án này sẽ không được Quốc hội phê chuẩn.
PV: Xin cảm ơn GS.