Những nghiên cứu mới đây tại Viện Salk, California, Mỹ, đã tìm ra một cơ chế giúp đảo ngược quá trình lão hóa. Trong thí nghiệm, phương pháp này không chỉ giúp những tế bào da người trẻ lại, nó còn có tác động tích cực đến những con chuột mang bệnh lão hóa, giúp tăng tuổi thọ của chúng lên 30%.
Những kết quả ban đầu cung cấp cái nhìn sâu hơn vào quá trình lão hóa tế bào và phương thức tiếp cận giúp cải thiện tuổi thọ và sức khỏe con người.
Theo GS Juan Carlos Izpisua Belmonte, tác giả của nghiên cứu, quá trình lão hóa không chỉ diễn ra theo một chiều, nếu điều chỉnh phù hợp, chúng ta có thể "cải lão hoàn đồng."
Khi mà con người hiện đại sống lâu hơn, nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tuổi già cũng tăng theo. Trên thực tế, tuổi già là nguy cơ chính đối với các bệnh tim mạch, ung thư và suy giảm thần kinh.
Manh mối để làm chậm hoặc đảo ngược quá trình lão hóa thuộc về những nghiên cứu tái lập trình tế bào, quy trình tác động lên bốn gen được biết đến như nhân tố Yamanaka cho phép các nhà khoa học chuyển hóa tế bào sang dạng tế bào gốc iPSCs. Tế bào gốc là những tế bào có khả năng phát triển thành bất cứ tế bào nào cần thiết trong cơ thể.
Theo Alejandro Ocampo, những nghiên cứu mà họ và các phòng nghiên cứu khác đang thực hiện cho thấy sự tác động tích cực của tế bào gốc lên quá trình trẻ hóa. Câu hỏi tiếp theo là làm sao thực hiện quá trình trẻ hóa này trên động vật sống.
Tuy rằng những tác động của tái tạo tế bào là rất hứa hẹn, nguy cơ mà nó đem lại cho cơ thể cũng không kém. Tốc độ tái tạo tế bào nhanh ở người trưởng thành là nguy cơ của ung thư.
Hơn thế nữa, khi các tế bào bị đảo ngược quá trình phát triển, nó có thể dẫn đến suy giảm chức năng của các bộ phận trong cơ thể, dẫn đến tử vong.
Tế bào được tái lập trình giảm thiểu hư hỏng trên ADN.
Để tránh những rủi ro trên, các nhà khoa học tìm cách giảm thời lượng tác động lên nhân tố Yamanaka. Nhờ vậy, các tế bào có thể đảo ngược quá trình lão hóa nhưng không mất đi tính đặc trưng của nó.
Nhờ những thành công trên, nhóm nghiên cứu đã áp dụng lên những con chuột thí nghiệm bị bệnh lão hóa. Kết quả thử nghiệm cho thấy những con chuột trông trẻ hơn, các chức năng trong cơ thể hoạt động tốt hơn, tuổi thọ tăng lên 30% và không có dấu hiệu của ung thư.
Khi áp dụng tái tạo tế báo cho nhưng con chuột già bình thường khác. Chúng còn có khả năng lành vết thương và tái tạo cơ bắp nhanh hơn bình thường.
Tế bào cơ bắp được tái tạo nhanh hơn trên chuột thí nghiệm.
Theo Izpisua Belmonte, dĩ nhiên là chuột không phải là người và sẽ phức tạp hơn rất nhiều khi áp dụng phương pháp trên lên người. Nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy lão hóa là một quá trình linh động và do vậy dễ bị can thiệp hơn những gì ta thường nghĩ.
Các nhà khoa học tin rằng quá trình lão hóa trên con người rất phức tạp, những liệu pháp "cải lão hoàn đồng" có thể mất đến 10 năm nữa để có thể đi vào thực nghiệm trên người.