Bảo hiểm xe máy là một trong các loại giấy tờ bắt buộc người điều khiển xe phải mang theo khi tham gia giao thông. Theo khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008, khi lưu thông trên đường thì người điều khiển xe máy phải mang theo các giấy tờ sau: Giấy phép lái xe; Giấy đăng ký xe; Bảo hiểm xe máy bắt buộc. Ngoài ra, còn phải mang theo giấy tờ tùy thân như CMND hoặc CCCD,...
Căn cứ theo quy định tại Điều 56 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 thì từ 1/1/2025 người lái xe tham gia giao thông đường bộ cần mang theo giấy tờ sau đây:
- Chứng nhận đăng ký xe hoặc bản sao Chứng nhận đăng ký xe có chứng thực kèm bản gốc giấy tờ xác nhận của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài còn hiệu lực trong trường hợp xe đang được thế chấp tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
- Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển; Chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định của pháp luật;
- Chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Trường hợp giấy tờ quy định như trên đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử thì việc xuất trình, kiểm tra có thể thực hiện thông qua tài khoản định danh điện tử.
Hiện Bộ Công an cũng đang đưa ra dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dự kiến dự thảo nghị định này sẽ được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2025.
Nghị định đề cập việc xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xe cơ giới, trong đó có xe máy chuyên dùng. Cụ thể, theo Khoản 5, Điều 6 của dự thảo Nghị định, quy định rõ cơ sở dữ liệu về bảo hiểm của chủ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, trong đó nội dung liên quan đến bảo hiểm xe máy đó là: Thời hạn bảo hiểm, số giấy chứng nhận bảo hiểm, phí bảo hiểm, thời hạn thanh toán phí bảo hiểm, ngày cấp đơn, nơi cấp đơn; người cấp đơn (nếu có).
Theo quy định hiện hành, nếu người điều khiển xe máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (tức bảo hiểm xe máy) còn hiệu lực thì sẽ bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng (Điểm a, Khoản 2 Điều 21 của Nghị định 100/2019 của Chính phủ, Khoản 11 Điều 2 của Nghị định 123/2021 của Chính phủ).
Các loại bảo hiểm xe máy
Có 2 loại bảo hiểm xe máy trên thị trường đó là Bảo hiểm bắt buộc và Bảo hiểm tự nguyện.
- Bảo hiểm bắt buộc: Là loại bảo hiểm bắt buộc chủ xe máy, xe mô tô phải tham gia nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội.
Khi xảy ra tai nạn, về nguyên tắc, bảo hiểm xe máy bắt buộc không bồi thường cho chủ xe mà thực hiện bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn do lỗi của chủ xe cơ giới.
- Bảo hiểm tự nguyện: Là loại bảo hiểm không bắt buộc. Người tham gia giao thông có thể lựa chọn mua hoặc không mua bảo hiểm xe máy tự nguyện.
Nếu tham gia bảo hiểm xe máy tự nguyện, chủ xe sẽ được bồi thường thiệt hại về tài sản hoặc thiệt hại về người (bao gồm cả chủ xe và người đi cùng) khi gặp tai nạn, sự cố cháy nổ hoặc trộm cướp.
Thời hạn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới sẽ tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm. Các trường hợp dưới đây có thể mua bảo hiểm dưới 1 năm:
- Xe cơ giới nước ngoài tạm nhập, tái xuất và có thời hạn tham gia giao thông trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với thời gian dưới 1 năm.
- Xe cơ giới có niên hạn sử dụng nhỏ hơn 1 năm theo các quy định của pháp luật.
- Xe cơ giới thuộc đối tượng đăng ký tạm thời theo các quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.