Không chấp hành thổi nồng độ cồn, doạ đánh lái xe cẩu

Thanh Hà |

Nam tài xế ô tô BKS Hà Nội có biểu hiện say xỉn, không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của tổ công tác và chây ì, yêu cầu CSGT “chứng minh vi phạm”. Khi bị tạm giữ phương tiện người này còn đe dọa đánh lái xe cẩu để ngăn cản.

Không chấp hành thổi nồng độ cồn, doạ đánh lái xe cẩu - Ảnh 1.

Nhiều người dân theo dõi sự việc tại hiện trường.

Đêm 29/9, tổ công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn thuộc Phòng CSGT Công an TP Hà Nội làm nhiệm vụ trên đường Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) dừng kiểm tra ô tô BKS 30G-053.XX.

Tại thời điểm kiểm tra, trên ô tô có 2 người đàn ông. Tổ công tác thông báo và yêu cầu tài xế kiểm tra nồng độ cồn . Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện không chấp hành và cho biết tên là N.Đ.Đ (trú tại Yên Bái).

Sau hàng giờ đồng hồ vận động, tài xế có biểu hiện say xỉn vẫn không chấp hành theo yêu cầu của tổ công tác. Khi tổ công tác lập biên bản, tạm giữ phương tiện thì tài xế nói rằng tổ công tác phải chứng minh được vi phạm… thì mới được giữ xe.

Không chấp hành thổi nồng độ cồn, doạ đánh lái xe cẩu - Ảnh 2.

Tổ công tác yêu cầu tài xế chấp hành kiểm tra nồng độ cồn.

Tổ công tác mời công an phường sở tại đến để hỗ trợ, bảo đảm an ninh trật tự. Nhiều người dân hiếu kỳ dừng lại theo dõi và quay video.

Khi xe cẩu đến di chuyển phương tiện bị tạm giữ, tài xế này còn lớn tiếng đe dọa đánh tài xế xe cẩu, không cho đưa ô tô đi khỏi hiện trường. Sau đó, tài xế ô tô bỏ đi. Hiện vụ việc đang tiếp tục được xử lý theo quy định.

Không chấp hành thổi nồng độ cồn, doạ đánh lái xe cẩu - Ảnh 3.

CSGT niêm phong phương tiện.

Theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, việc các tổ công tác xử lý chéo giữa địa bàn các Đội CSGT nhằm xử lý triệt để các lỗi vi phạm, đặc biệt là tình trạng người điều khiển khi tham gia giao thông trong cơ thể có chất kích thích, nồng độ cồn.

Kế hoạch được triển khai nhằm tạo sức mạnh đồng bộ, toàn diện trên địa bàn toàn thành phố, có tính lan tỏa, tuyên truyền, phòng ngừa nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, cũng như giảm thiểu việc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong cơ thể có nồng độ cồn.

Bên cạnh đó, việc xử lý chéo giữa các địa bàn các Đội CSGT với quan điểm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” sẽ tránh được tình trạng quen biết, nể nang mà không xử lý triệt để các hành vi vi phạm. Phòng ngừa dấu hiệu tiêu cực của cán bộ trên địa bàn quản lý".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại