6 tổ công tác Bộ Công an phối hợp kiểm tra nhiều tỉnh thành
Thực hiện mệnh lệnh của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSGT toàn quốc đã và đang kiểm tra, xử lý quyết liệt vi phạm về TTATGT, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn. Theo đó, Cục Cảnh sát giao thông (C08) Bộ Công an đã bố trí 06 tổ công tác sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được trang cấp, tham gia thực hiện kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm tại các địa phương trong toàn quốc.
Thành phần tổ công tác gồm lãnh đạo cấp phòng thuộc Cục Cảnh sát giao thông làm tổ trưởng, thành viên là cán bộ thuộc Văn phòng Bộ Công an, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát giao thông phối hợp với Công an các địa phương.
Lực lượng chức năng kiểm soát với lái xe ô tô (Ảnh: Cục CSGT)
Từ ngày 30/8 đến ngày 21/9 các Tổ công tác của Cục CSGT đã triển khai ở nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Yên Bái, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lào Cai, Bến Tre, Đắk Lắk...
Các tổ công tác của Cục CSGT đã trực tiếp kiểm soát 80.560 phương tiện, phát hiện và bàn giao cho Công an các đơn vị địa phương lập biên bản xử lý 2.890 trường hợp vi phạm.
Trong đó, có 2.762 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 31 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, 09 trường hợp vi phạm về ma túy, 5 trường hợp quá tải, 3 trường hợp quá kích thước, 80 trường hợp vi phạm khác.
160 trường hợp vi phạm nồng độ cồn là công chức, cán bộ...
Ngày 28/9, phát biểu tại hội nghị sơ kết của Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết qua 25 ngày thực hiện, các tổ công tác đã phát hiện, lập biên bản hơn 3.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bàn giao cho công an các đơn vị, địa phương xử lý theo quy định.
Trong đó, bước đầu xác định 160 trường hợp người điều khiển là công chức, công an, bộ đội đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, nhà báo…
Đặc biệt, trong số này có những trường hợp còn chống đối, thậm chí đâm xe vào tổ công tác khi bị kiểm tra nồng độ cồn. Cụ thể như trường hợp ông Lê Ngọc - một cán bộ một ngân hàng ở TP Bắc Ninh mới bị khởi tố chiều 28/9 về tội "Chống người thi hành công vụ".
Ông Ngọc được xác định có lời lẽ xưng hô "mày", "tao" với lực lượng CSGT, sau đó dùng tay đấm thẳng vào vùng mặt cán bộ CSGT khi được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn vào tối 8/9 vừa qua.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với cán bộ ngân hàng (Ảnh cắt từ clip)
Một trường hợp khác là ông L.H.Q, Chủ tịch UBND phường Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội) lái xe ô tô con nhãn hiệu Mazda CX5 BKS 30H-318.xx lúc 22h ngày 18/9 thì bị yêu cầu dừng xe kiểm tra. Tuy nhiên, nam tài xế không chấp hành việc đo nồng độ cồn, không xuất trình được các giấy tờ liên quan và không chấp nhận ký vào biên bản hành chính được CSGT lập.
Hay mới đây nhất là ngày 29/9, một lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Bình Dương tạm đình chỉ công tác vì có hành vi thiếu chuẩn mực với Cảnh sát giao thông khi bị yêu cầu đo nồng độ cồn.
Cụ thể, ông H.V.S (SN 1965) đã nhất quyết không chịu chấp hành khi tổ công tác cục CSGT yêu cầu đo nồng độ cồn mà chạy thẳng vào quán cà phê. Sau đó, ông S. còn đôi co với lực lượng Cảnh sát giao thông bằng những lời lẽ khiếm nhã.
Theo Cục CSGT việc xử lý vi phạm về TTATGT đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông là xuyên suốt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Ngoài xử lý theo quy định, lực lượng CSGT còn gửi thông báo về đơn vị công tác đối với các cá nhân vi phạm là cán bộ, đảng viên để kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, của cơ quan.
Trong thời gian tới Bộ Công an sẽ tiếp tục xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo đến các khu dân cư, khu vực tập trung nhiều người, để người dân biết và thực hiện.