Vào mùa hè, đa phần mọi người sẽ tìm đến các loại trái cây có tác dụng giải nhiệt. Tuy nhiên, có một loại quả không nằm trong nhóm đó, song nhờ có hương vị thơm ngọt, nó vẫn luôn được yêu thích, thậm chí là "săn lùng". Đó là quả mít.
Mít được đánh giá là loại quả có tính nóng song vẫn chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin A, vitamin B, vitamin C, canxi, kali hay sắt. Thậm chí nguồn vitamin C trong một quả mít được đánh giá là tuyệt vời, lượng dưỡng chất và khoáng chất trong mít có thể còn nhiều hơn táo, mơ, chuối hay bơ.
Quen thuộc và là món khoái khẩu của nhiều người, nhiều nhà là vậy, nhưng cũng không phải ai cũng biết cách để chọn được một quả mít ngon, chuẩn chín cây và không có sự tác động, can thiệp của hoá chất. Theo những người có dày dặn kinh nghiệm, có một mẹo đó là gõ, vỗ vào mình quả mít. Cụ thể, nếu mít ngon chuẩn sẽ có tiếng "bình bịch", cầm nặng tay.
Trên thực tế, cách nhận biết này cũng khá tương đối. Bởi không phải ai cũng dễ dàng phân biệt, nhận biết được sự khác nhau trong âm thanh khi vỗ vào thân quả mít. Bởi vậy, có những cách dễ dàng mà chính xác hơn, đó là người mua có thể dùng mắt thường để quan sát và để ý kỹ các chi tiết trên quả mít.
Những chi tiết cho thấy quả mít ngon, chuẩn chín cây
1. Hình dáng quả mít
Đầu tiên đó là người mua hãy nhìn vào hình dáng của quả mít. Quả mít ngon sẽ có hình dáng tròn hoặc hơi oval, các cạnh đều nhau, không có khu vực bị lõm sâu.
Những quả mít có khu vực bị lõm, hay thường được gọi là "có eo" thường là những quả dễ bị sâu, cứng hoặc nhiều xơ hơn so với những quả tròn đều. Bởi vậy, tốt nhất người mua nên tránh chọn những quả này bởi khi mua về có thể phải bỏ đi 1 phần hoặc gây khó khăn khi ăn.
2. Cuống quả mít
Sau hình dáng tổng thể, người mua quan sát kỹ phần cuống của quả mít. Trên thực tế, cuống là một trong những bộ phận quan trọng của mít cũng như nhiều loại trái cây khác. Bởi vậy, nhìn phần cuống, người mua có thể chọn được mít ngon theo tỷ lệ chính xác cao.
Nhiều chủ vườn mít hướng dẫn, nếu nhìn thấy cuống mít có phần mủ vẫn chảy ra hay cuống còn ướt, tức là quả mít đã già, chín cây tự nhiên, ăn có vị ngon, ngọt. Còn những quả mít cuống cũng có nhựa nhưng nhựa trắng bị vón cục dày thì tức là mít non, được hái sớm, thậm chí đã bị ngâm hoá chất.
Ngoài ra, có thể nhìn vào kích thước của cuống mít để nhận định đây là loại mít gì. Ví dụ cuống rộng khoảng 0,5cm, còn xanh tươi, cuống không héo, thì tức là mít tố nữ. Còn mít tây thì sẽ có cuống to hơn, ngả nhiều sang màu nâu.
3. Gai, mắt quả mít
Cách thứ 3 là nhìn vào thân, vỏ quả mít, cụ thể là phần gai và mắt của quả mít. Mít chín cây chuẩn, thơm ngon sẽ có phần mắt mở to, gai đều, thưa, không quá nhọn. Bởi vậy khi người mua dùng tay ấn nhẹ vào để kiểm tra độ cứng/mềm cũng sẽ không bị đau.
Còn những quả mít đã có tác động hoá chất thì ngược lại: Mắt mở bé, phần gai nhọn, cứng và dày. Phản xạ tự nhiên của người mua khi sờ vào vỏ những quả mít này sẽ phải thu tay lại ngay bởi gây cảm giác châm chính khá đau.
Trên đây là 3 vị trí cơ bản đi cùng đặc điểm nhất định để người mua nhận biết và lựa chọn được một trái mít ngon. Khi mua mít về, cũng có thể bổ ra để kiểm tra một lần nữa.
Nếu mít có mùi thơm đặc trưng toả ra, múi vàng óng, khi ăn có vị ngọt bùi, mềm, xơ mít màu vàng nhạt hoặc trắng, chứng tỏ đó là quả mít chín cây tự nhiên. Còn nếu mít chỉ có mùi thơm nhẹ, vị ngọt lợ, không tự nhiên, khi ăn cảm giác sượng; hay đặc biệt xơ mít nhiều, màu vàng đậm như múi mít, thì khả năng cao mít đã bị tác động bởi hoá chất.
Những quả mít này người dùng không nên tiếp tục ăn bởi có thể ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ.
CÁCH BẢO QUẢN MÍT TẠI NHÀ: Khi mua mít về, để thuận tiện nhất cho việc thưởng thức, người dùng nên bổ rồi tách, bóc sẵn các múi mít ra. Sau đó bảo quản trong hộp đậy kín hoặc bọc bằng màng bọc thực phẩm, túi zip rồi đặt trong ngăn mát tủ lạnh. Với nhiệt độ ổn định trong ngăn mát, mít có thể giữ được hương vị thơm ngon trong khoảng 3-5 ngày. Không nên để mít quá lâu ở bên ngoài, đặc biệt trong những ngày nắng nóng bởi sẽ khiến mít bị hỏng và thu hút côn trùng như gián, kiến... Nếu không bảo quản mít trong tủ lạnh, mít nên ăn chậm nhất sau 1 ngày ở nhiệt độ phòng (20-25 độ C).