Không binh sĩ Mỹ nào bị trừng phạt sau vụ không kích nhầm khiến 10 người Afghanistan thiệt mạng

Minh Thu |

Không một binh sĩ Mỹ nào bị quy trách nhiệm hoặc bị trừng phạt liên quan tới vụ không kích nhầm ở Kabul khiến 10 dân thường thiệt mạng.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin quyết định không một binh sĩ nào của Mỹ sẽ bị trừng phạt liên quan tới vụ không kích nhầm bằng máy bay không người lái (UAV) ở thủ đô Kabul của Afghanistan hồi tháng Tám khiến 10 dân thường thiệt mạng bao gồm 7 trẻ em.

Sau khi xem xét lại toàn bộ quy trình vụ tấn công, Bộ trưởng Austin đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Chiến dịch Đặc biệt và Bộ Chỉ huy Trung tâm đưa ra các khuyến nghị nhằm cải thiện các chính sách và thủ tục của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Không binh sĩ Mỹ nào bị trừng phạt sau vụ không kích nhầm khiến 10 người Afghanistan thiệt mạng - Ảnh 1.

Không binh sĩ Mỹ nào bị quy trách nhiệm trong vụ không kích nhầm giết hại 10 người ở Kabul, Afghanistan hồi tháng Tám. (Ảnh: NDTV)

CNN đưa tin, trong tuyên bố hôm 13/12, thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho hay trong số khuyến nghị được đưa ra không bao gồm việc ai bị quy trách nhiệm hoặc bị kỷ luật liên quan tới vụ không kích ở Kabul.

“Bộ trưởng đã xét xem toàn bộ khuyến nghị. Một số khuyến nghị được bảo mật. Nhưng tôi biết không trường hợp nào đủ để quy trách nhiệm cá nhân trong vụ không kích vào ngày 29/8”, ông Kirby nói.

Sau gần một tháng xảy ra vụ tấn công, Tướng thủy quân lục chiến Kenneth McKenzie, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) thừa nhận “Vụ không kích được thực hiện với niềm tin sẽ ngăn chặn mối đe dọa tiềm tàng vào lực lượng của chúng tôi, nhưng cuối cùng đó lại là một sai lầm. Tôi muốn gửi lời xin lỗi chân thành nhất. Tôi muốn gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình của các nạn nhân”.

Chiếc ô tô mà Mỹ cho là xe bom là của anh Zemari Ahmadi, người từng làm việc cho tổ chức Dinh Dưỡng và Giáo dục Quốc tế (NEI) có trụ sở tại Mỹ chuyên hỗ trợ thực phẩm cho người dân Afghanistan trong 14 năm, chứ không phải là tay súng khủng bố của ISIS-K. Anh Ahmadi đang trên đường chở về nhà và chở theo các can đựng nước trong xe ô tô, chứ không phải là thuốc nổ như CENTCOM công bố. Thậm chí, anh Ahmadi từng xin được cấp visa để đưa cả gia đình tới Mỹ sinh sống.

Trước đó, quân đội Mỹ đã miêu tả anh Ahmadi là thành viên của ISIS-K và còn gọi anh này là “mối đe dọa sắp xảy đến” nên cần phải ngăn chặn để không xảy ra thêm các vụ tấn công khác trong tương lai từ ISIS-K.

Vụ không kích nhầm từng được xem là đòn trả đũa của Mỹ sau 3 ngày, các tay súng thuộc lực lượng khủng bố ISIS-K thực hiện vụ đánh bom liều chết nhằm vào khu vực cổng Abbey thuộc Sân bay Quốc tế Kabul, cướp đi sinh mạng của 13 binh sĩ Mỹ và nhiều dân thường Afghanistan.

Ông Steven Kwon, chủ tịch NEI, cơ quan mà anh Ahmadi từng làm việc, đã lên tiếng chỉ trích quyết định của Bộ Quốc phòng Mỹ.

“Quyết định này thực sự gây sốc. Làm sao có chuyện quân đội Mỹ mắc sai lầm cướp đi sinh mạng quý giá của 10 dân thường Afghanistan mà không có ai phải chịu trách nhiệm? Tôi từng khẩn nài chính phủ Mỹ sơ tán các thành viên gia đình và nhân viên NEI suốt nhiều tháng bởi tình hình an ninh quá nhiều rủi ro. Khi Lầu Năm Góc rũ bỏ trách nhiệm giải trình, chuyện này sẽ gửi đi một thông điệp gây hiểu lầm và nguy hiểm rằng hành động của họ là chính đáng và càng làm tăng thêm rủi ro an ninh, cũng như khiến hoạt động sơ tán càng trở nên cấp thiết”.

Một cuộc tổng thanh tra vụ không kích ở Kabul đã được thực hiện theo yêu cầu của Bộ trưởng Austin và phát hiện không có hành vi vi phạm luật nào bao gồm luật chiến tranh trong vụ không kích nhầm.

“Họ đều có niềm tin vào những thông tin nhận được rằng có một mối đe dọa đang nhắm tới các lực lượng Mỹ, một mối đe dọa trực tiếp tới quân đội Mỹ. Đó là sai lầm. Một sai lầm đáng tiếc. Tôi hiểu được hậu quả của sai lầm, nhưng đây không phải hành động phạm tội và lỗi lơ là”, Trung tướng Sami Said, Tổng thanh tra lực lượng Không quân Mỹ nói với các phóng viên hồi đầu tháng 11.

Trong tuyên bố hôm 15/10, ông Kirby cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đưa ra “lời cam kết” đối với gia đình anh Akhmadi về việc bồi thường sau vụ không kích vào ngày 29/8, bao gồm “cung cấp các khoản hỗ trợ chia buồn”. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ hỗ trợ đưa người thân trong gia đình anh Akhmadi tới Mỹ.

Dù phát ngôn viên Lầu Năm Góc đã nhắc tới việc đền bù cho người thân trong gia đình anh Akhmadi, nhưng cơ quan này không nói rõ họ sẽ bồi thường cho bao nhiêu người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại