Thành viên đồng sáng lập Taliban Abdul Ghani Baradar. Ảnh: AFP
Mỹ tính lộ trình công nhận Taliban Ông West tới Brussels để thông báo với các đồng minh NATO về các cuộc đối thoại của Mỹ với Taliban , đồng thời tham vấn về “lộ trình” hướng tới việc công nhận chính phủ Taliban.
“Taliban đã tuyên bố rất rõ ràng và công khai về việc họ mong muốn bình thường hóa quan hệ với cộng đồng quốc tế, để được khôi phục viện trợ, dỡ bỏ trừng phạt. Mỹ không thể đảm bảo được những điều này nếu chỉ có một mình”, các nguồn tin dẫn lời ông West cho biết.
Sau cuộc tham vấn ở Brussels, ông West tới Pakistan dự cuộc họp “Troika Plus” tại Islamabad ngày 11/11. Sau đó, ông sẽ tới New Delhi để thông báo với đồng minh trong nhóm Bộ Tứ về những cân nhắc của Mỹ liên quan tới chính phủ Taliban và các vấn đề liên quan khác.
Từ New Delhi, ông West dự kiến tới Moscow. Hãng thông tấn TASS trước đó cho biết, trong cuộc điện đàm với đặc phái viên tổng thống Nga Zamir Kabulov, ông West đã nói rằng ông muốn tới Moscow để thảo luận các vấn đề Afghanistan. “Chuyến công tác” của ông West được lên lịch trình vào ngày 16/11 tới.
Tiết lộ của ông West được đưa ra trong bối cảnh truyền thông Pakistan ngày 9/11 đưa tin Islamabad sẽ “tiếp đón quyền Ngoại trưởng Afghanistan cũng như đặc phái viên của Mỹ, Nga và Trung Quốc như một phần nỗ lực ngoại giao nhằm chuẩn bị nền tảng cho việc cộng đồng quốc tế công nhận chính phủ Taliban”.
Quyền Ngoại trưởng Afghanistan Amir Khan Muttaqi đã dẫn đầu một phái đoàn cấp cao tới Islamabad ngày 10/11. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông tới Pakistan.
Cuộc gặp giữa các đặc phái viên tại Islamabad được tổ chức theo hình thức “Troika Plus” – Nga, Mỹ, Trung Quốc và Pakistan. Sự xuất hiện của ông Muttaqi tại cuộc họp có ý nghĩa đặc biệt.
Mỹ đang cân nhắc việc cho phép Taliban tiếp cận nguồn dự trữ lên tới 9,5 tỷ USD của Afghanistan tại các ngân hàng Mỹ. Một số nước cũng đã gây sức ép để Mỹ “rã băng” số tiền này và vấn đề cũng được nêu ra trong một cuộc họp gần đây của các nước trong khu vực theo thể thức Moscow.
Rõ ràng, chính quyền Biden đã thay đổi quan điểm và cho rằng, một chính phủ Taliban có khả năng ổn định tình hình Afghanistan, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh và kinh tế, sẽ đem lại lợi ích cho an ninh khu vực và quốc tế.
Cuộc chơi đảo chiều khiến Trung Quốc bất ngờ? Trung Quốc có vẻ bất ngờ trước sự thay đổi quan điểm của Mỹ. Một bài bình luận trên Global Times của Trung Quốc ngày 9/11 dường như “không biết” thực tế đã thay đổi đáng kể.
Bài báo của Global Times cho rằng “chuyến thăm của ông Muttaqi tới Pakistan có lẽ chỉ mang tính chất thảo luận về các vấn đề thực tế mà hai bên cùng quan tâm, bao gồm cả vai trò của Taliban ở Afghanistan như một bên trung gian hòa giải giữa chính phủ Pakistan và lực lượng Taliban ở Pakistan”.
“Bất chấp các cuộc tiếp xúc gần đây giữa Taliban và Pakistan, vẫn còn một chặng đường dài phía trước để một quốc gia công nhận chính phủ Taliban là hợp pháp. Ngoài việc Taliban phải thực hiện các cam kết chống khủng bố, đảm bảo sự hòa nhập và bảo vệ quyền của phụ nữ, còn có nhiều vấn đề khác như biên giới và các tuyến đường thương mại ”, bài báo của Global Time nhận định.
Lực lượng đặc nhiệm Taliban tại Kabul ngày 2/9/2021, sau khi Mỹ và NATO rút các lực lượng khỏi Afghanistan. Ảnh: AFP
Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Afghanistan bị đe dọa khi Mỹ tính toán thay đổi chiến lược và âm thầm hành động khiến “cuộc chơi” đảo chiều.
Trên thực tế, những cân nhắc của Mỹ có thể làm thay đổi hoàn toàn sự liên kết trong khu vực. Đầu tiên, Pakistan sẽ trở lại với tư cách là đối tác quan trọng nhất của Mỹ trong giai đoạn sắp tới liên quan đến “lộ trình” đang được xem xét để công nhận chính quyền Taliban. Vai trò trong tương lai của Mỹ ở Afghanistan cần phải được gắn với sự hợp tác của Pakistan.
Cách tiếp cận thực tế Chính quyền Biden có lẽ đã dao động trước lập luận của Pakistan rằng việc tiếp tục trì hoãn hợp tác với chính quyền Taliban sẽ gây nguy hiểm và tái diễn điều kiện vô chính phủ như những năm 1990, chưa kể sự phức tạp hiện nay do các nguy cơ từ tổ chức khủng bố IS-K.
Tương tự, Mỹ dường như cũng đồng tình với đánh giá của Anh cho rằng các thành phần cấp tiến của Taliban xứng đáng được ủng hộ.
Phát biểu trước Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Anh ngày 9/11, Tướng Nick Carter, Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Anh, nhấn mạnh: “Taliban 2.0 đã khác trước. Có rất nhiều người trong Taliban 2.0 muốn cai trị theo cách hiện đại hơn, nhưng họ lại bị chia rẽ nội bộ. Đây cũng là điều thường gặp ở các thực thể chính trị. Nếu các thành phần ít hà khắc hơn cuối cùng giành được quyền kiểm soát lớn hơn [trong nội bộ Taliban], tôi nghĩ không có lý do gì để cho rằng Afghanistan trong vòng 5 năm tới không thể trở thành một quốc gia hòa nhập hơn so với trước đây”.
Việc tính toán lộ trình công nhận chính phủ Taliban được xem như cách tiếp cận thực tế của chính quyền Tổng thống Biden để mở ra một trang mới ở Afghanistan vì các lợi ích quốc gia của Mỹ. Dù vậy, điều này có thể sẽ gây tranh cãi trong nội bộ chính trị phân cực ở Washington./.