Không ăn nhậu tiết kiệm được 50 triệu/ năm, nhưng dân văn phòng quả quyết: "Đây là cách giải toả áp lực công việc"

RIKA |

Chi cả chục triệu đi nhậu, nên hay không?

Đến đi nhậu cũng trở thành chủ đề gây tranh cãi. Có ý kiến cho rằng đây có thể là sở thích của một số người, nhưng cũng là cách để làm việc, giao lưu kết bạn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng người trẻ đang có xu hướng chi tiêu nhiều hơn trên các bàn nhậu. Thậm chí nó còn đắt hơn những bữa ăn buffet hải sản cao cấp.

Tuy nhiên, có nên hạn chế hay bỏ luôn chuyện đi nhậu khi rõ ràng rằng, chúng ta có thể tiết kiệm đến 50 triệu đồng khi không còn nhậu nhẹt nữa. Chúng tôi đã liên hệ nhanh với 3 bạn trẻ để hiểu hơn về câu chuyện này.

- Nam Anh, 25 tuổi, hiện đang làm trong lĩnh vực truyền thông, thu nhập mỗi tháng dao động 20-25 triệu đồng.

- Xuân Bách, 29 tuổi, công tác trong ngành kiểm toán, thu nhập 30 triệu/ tháng.

- Thuỳ Phương, 23 tuổi, nghề nghiệp tự do.

Không ăn nhậu tiết kiệm được 50 triệu/ năm, nhưng dân văn phòng quả quyết: Đây là cách giải toả áp lực công việc - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Vui lên thì rủ bạn đi nhậu, chỉ riêng khoản này đã “ngốn” 4-5 triệu/ tháng

Tan làm, ngoại trừ niềm vui được giải thoát khỏi công việc, là những lời mời đi ăn nhậu. Câu chuyện này chắc không còn xa lạ gì với giới trẻ, đặc biệt là nhân viên văn phòng. Thiếu KPI đi uống cho đỡ buồn, nhận thưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tháng này đi ăn chia sẻ niềm vui, trời lạnh cũng có thể thành cái cớ để cùng nhau đi nhậu.

“Gần như tuần nào mình cũng đi nhậu, làm về vui lên thì lại rủ bạn đi quán cóc vỉa hè ăn nướng uống bia là chuyện bình thường. Do cũng bình dân nên tầm 300-400k, 2-3 lần/ tuần.”, Nam Anh chia sẻ.

Đối với Thuỳ Phương mỗi lần đi nhậu, cô bạn sẽ chi khoảng 500k, còn cậu bạn Xuân Bách, con số này rơi vào 1-2 triệu. Tần suất khoảng 1-2 lần/ tuần. Có thể nói cả 3 người bạn được phỏng vấn đều là kiểu “một tuần không nhậu là không vui”.

“Công việc của mình khá áp lực nên việc tụ tập cuối tuần là cách mình xả stress cho bản thân để cân bằng cuộc sống”. Chắc nhiều người đồng cảm với suy nghĩ này của Xuân Bách. Bên cạnh đó, đối với Nam Anh, đi nhậu chủ yếu là chi tiêu cho mong muốn. Cậu bạn chia sẻ rằng mình khá thích đi nhậu, làm quen này kia. Công việc cũng hay phải chạy deadline, rồi KPI áp xuống khá áp lực, đi nhậu như là 1 cách để xả stress. Và tất nhiên là phải thấy xứng đáng mới phân bổ ngần ấy tiền cho đi nhậu rồi, cũng có ít đâu.

Không ăn nhậu tiết kiệm được 50 triệu/ năm, nhưng dân văn phòng quả quyết: Đây là cách giải toả áp lực công việc - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Đi nhậu là cách mình mở rộng "networking"

Vừa tăng quan hệ vừa là 1 thú vui giải trí. Xuân Bách thường đi nhậu với anh em đồng nghiệp nên cũng có thể coi là một hình thức phát triển network trong công ty. “Nếu tăng thu nhập thì mình có thể sẽ tăng chi phí đi nhậu. Tuy nhiên không quá quan trọng lắm vì mình thấy các quán nhậu bình dân cũng đủ đáp ứng nhu cầu rồi”.

Ngày này, chắc chúng ta không còn xa lạ với ý tưởng “chén chú chén anh” như là cách để mọi người làm quen, giao lưu trong bất kỳ mối quan hệ nào. Đặc biệt, trong mối quan hệ đồng nghiệp, mỗi lần có nhân sự mới, thường cả phòng sẽ rủ nhau đi ăn để gắn bó hơn. Trong cuộc sống hiện tại, đôi lúc nó gần giống như một văn hoá mà những người kể cả thích đi nhậu hay không đều phải cố gắng hoà mình. “Trong công việc, đây cũng là một yếu tố thiết yếu, tuy nhiên không thể nào lạm dụng chuyện cần đi nhậu mới có thể bàn việc được. Đi nhậu chỉ là 1 phần nào đó mà thôi.”, Thuỳ Phương chia sẻ quan điểm của mình.

Không ăn nhậu tiết kiệm được 50 triệu/ năm, nhưng dân văn phòng quả quyết: Đây là cách giải toả áp lực công việc - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Mặt khác, hầu như mọi người đều có nhiều khoản tiền tiêu không tính vào ngân sách như đi nhậu, tưởng rằng không ít, nhưng cộng tổng thì lại nhiều không tưởng. “Mình thường không để ý các khoản chi tiêu nhỏ lẻ cho đến khi cộng lại ảnh hưởng lớn đến giật mình. Vì yếu tố công việc, mình thường di chuyển bằng taxi và sẽ được công ty chi tiền cho. Tuy nhiên, do nghĩ rằng con số không quá lớn nên mình cũng mặc kệ. Cho đến khi làm việc với kế toán về khoản tiền này mới thấy là gần bằng số tiền để mua 1 con iPhone”, Xuân Bách chia sẻ

Có khá nhiều đam mê, Nam Anh cũng thường xuyên có những khoản chi tiêu nhỏ nhặt , đặc biệt cậu bạn thường sẽ mua cà phê ở tiệm mỗi sáng. Không phải Starbucks hay những thương hiệu nổi tiếng, nhưng cũng phải 30-40k/ ngày. Nam Anh tự nhận bản thân thường không quá để tâm đến những con số này. Hơn thế nữa, cậu bạn cũng cho rằng mấy khoản chi tiêu nhỏ nhặt này, như chuyện đi nhậu là xứng đáng, khi mà nó có thể mang lại niềm vui sau 1 ngày làm việc vất vả hoặc bắt đầu ngày mới hứng khởi.

Chi tiêu để đi nhậu là sai lầm?

“Tùy vào nhu cầu của mỗi người. Nếu đấy là tính chất công việc thì rất khó để cắt giảm đi được. Đi nhậu bàn bạc công việc, bỏ ra 1 khoản tiền nhưng có thể thu về 1 khoản lời khác thì đương nhiên vẫn làm chứ.”, Thuỷ Phương thẳng thắn chia sẻ quan điểm của bản thân khi có nhiều ý kiến chỉ trích chuyện đi ăn nhậu của giới trẻ hiện nay là quá phung phí. Cùng với những khoản chi tiêu nhỏ nhặt, cho rằng người trẻ không còn thói quen tích lũy.

Mặt khác, không thể phủ nhận rằng đúng là hiện nay có một số thành phần đang hơi quá trong việc nhậu, hay lạm dụng lấy lý do chỉ để đi nhậu. Nhưng tùy vào nhu cầu và cũng như khả năng chi trả của mỗi người. Có người sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền của đi nhậu, vui vẻ thì người ta cũng có thể làm ra được rất nhiều tiền. Có cung ắt sẽ có cầu. Đối với một người trẻ, việc chi tiêu cho bản thân là việc tự thưởng, khiến cho bản thân được vui vẻ, thư giãn, và đương nhiên chi tiêu sẽ ở mức bản thân có khả năng chi trả được.

Không ăn nhậu tiết kiệm được 50 triệu/ năm, nhưng dân văn phòng quả quyết: Đây là cách giải toả áp lực công việc - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, khi bước vào một cột mốc trọng đại của cuộc sống cũng như tài chính như là kết hôn, Xuân Bách cho rằng bản thân nên bắt đầu lên kế hoạch cẩn thận hơn với cả chuyện đi nhậu. “Trước đây khi mình vẫn độc thân và không có áp lực gì về tài chính thì mình cảm thấy không cần cắt giảm chi tiêu để tiết kiệm. Tuy nhiên hiện tại mình cũng có kế hoạch lập gia đình trong tương lai gần, nên mình nghĩ việc cắt giảm chi tiêu đi nhậu là một việc cần thiết để vừa tiết kiệm về mặt tài chính vừa phù hợp với cuộc sống gia đình”.

Những khoản chi tiêu nhỏ nhặt hay đi nhậu là “quá nhiều” không còn tùy thuộc vào phần trăm số tiền kiếm được mà họ đã chi cho khoản này. Thu nhập, sở thích, nhu cầu của từng người là khác nhau. “Mình thuộc kiểu người hưởng thụ nên chỉ cần 'mua vui' hiệu quả là được, còn lại không nghĩ nhiều.”, suy nghĩ của Xuân Bách về chuyện đi nhậu để thỏa mãn niềm vui cá nhân.

Không ăn nhậu tiết kiệm được 50 triệu/ năm, nhưng dân văn phòng quả quyết: Đây là cách giải toả áp lực công việc - Ảnh 5.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại