Khôn khéo và thức thời, Triều Tiên đang có hỗ trợ lớn từ Nga-Trung khi "so găng" với Mỹ?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Mỹ cũng đủ thức thời và thực dụng để ý thức được rằng khi thoả thuận gì với Triều Tiên thì cũng không được quên cái bóng của Trung Quốc và Nga ở phía sau Triều Tiên.

Đằng sau sóng gió Mỹ - Triều

Kể cả khi tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định huỷ bỏ cuộc gặp đã được dự định và thu xếp về nội dung và hậu cần với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng như khi úp mở khả năng vẫn duy trì cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ - Triều, các hoạt động ngoại giao vẫn diễn ra dồn dập và gấp rút không chỉ giữa Mỹ và Triều Tiên mà còn cả giữa hai nước này với một số đối tác khác.

Ông Trump tham vấn tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và ông Kim Jong-un tham vấn chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Cả Nga lẫn Nhật Bản cũng vào cuộc. Hai nước này gần như bị loại ra ngoài rìa trong tiến trình hoà giải đến nay giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc nhưng đang đều nỗ lực gây dựng vai trò riêng trong những gì đang xảy ra để có phần riêng trong tương lai của Triều Tiên và của khu vực.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhiều lần gặp ông Trump và ngoài ra còn chủ trì cuộc gặp cấp cao giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc mà ở đấy đương nhiên không thể không bàn đến chuyện Triều Tiên.

Từ phía Nga cho tới nay mới chỉ thấy có chuyến thăm Nga của bộ trưởng ngoại giao Triều Tiên Ri và chuyến thăm Triều Tiên của bộ trưởng ngoại giao Nga Lavrov.

Sau 9 năm mới lại có bộ trưởng ngoại giao Nga tới thăm Triều Tiên. Ông Lavrov chuyển lời tổng thống Nga Vladimir Putin mời ông Kim Jong-un tới thăm Nga.

Ông Lavrov tặng ông Kim Jong Un "chiếc hộp cất giữ bí mật".

Nội dung trao đổi rất quan trọng nhưng cả thời điểm chuyến đi của ông Lavrow cũng rất quan trọng đối với hai nước. Phát biểu của ông Lavrov cho rằng Mỹ không nên áp đặt điều kiện và mô hình giải pháp cho Triều Tiên.

Việc phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên là quá trình lâu dài bao gồm nhiều giai đoạn và bước đi đó không chỉ hợp ý Triều Tiên mà còn là khuyến nghị đối với Mỹ và hàm ý phía Nga sẽ ủng hộ cách tiếp cận như vậy và cấu trúc giải pháp như vậy cho vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng như cho tương lai chính trị an ninh ở khu vực Đông Bắc Á.

Triều Tiên khôn khéo và thức thời

Với Triều Tiên, lợi ích chiến lược của Nga ở cả trong chuyện hoà giải giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc lẫn trong tương lai của bán đảo liên Triều.

Hoà bình cho bán đảo Triều Tiên và khu vực, cho dù hai miền trên bán đảo Triều Tiên tái thống nhất hay tiếp tục như hiện tại, mở ra cho Nga nhiều cơ hội phát triển quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực bởi Triều Tiên có chung biên giới với Nga và Nga hiện đã có quan hệ hợp tác tốt với Hàn Quốc.

Mỹ và Triều Tiên có nhất trí và thoả thuận với nhau như thế nào tại cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim Jong-un đi nữa thì việc thực hiện cụ thể không thể không có vai trò của Nga nếu muốn được thành công, nhất là khi từ trước tới nay Nga gần như luôn đứng về phía Triều Tiên trong quan hệ của Triều Tiên với Mỹ và trong chuyện chính trị an ninh ở khu vực Đông Bắc Á.

Giữa Nga và Mỹ hiện quan hệ song phương lại không được êm đẹp và cạnh tranh chiến lược vẫn rất quyết liệt, cho dù không phải ở vùng Đông Bắc Á.

Khôn khéo và thức thời, Triều Tiên đang có hỗ trợ lớn từ Nga-Trung khi so găng với Mỹ? - Ảnh 3.

Nơi đây lại là nơi mà Mỹ phải trả giá cho Nga để đổi lấy nhượng bộ của Nga ở nơi khác. 

Với quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Nga cũng như Trung Quốc sẽ cùng phán quyết về thoả thuận mà ông Trump và ông Kim Jong-un đạt được về giải pháp cho vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Hai nước này đều là láng giềng của Triều Tiên và đều là chỗ dựa của Triều Tiên trong xử lý quan hệ với Mỹ, đặc biệt về an ninh.

Triều Tiên đã rất khôn khéo và thức thời khi tranh thủ cả Trung Quốc lẫn Nga chứ không gạt hai đối tác này ra ngoài rìa của tiến trình hoà giải đang diễn ra. 

Mỹ cũng đủ thức thời và thực dụng để ý thức được rằng khi thoả thuận gì với Triều Tiên thì cũng không được quên cái bóng của Trung Quốc và Nga ở phía sau Triều Tiên.

Triều Tiên chủ ý phát đi thông điệp là có Trung Quốc và Nga cùng hội cùng thuyền trong thương thảo với Mỹ và hoà bình với Hàn Quốc. Còn ông Lavrov muốn cho thấy là vai trò của Nga mang tính đặc biệt quyết định không chỉ đối với thành công của cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim Jong-un mà còn cả đối với những diễn biến tiếp theo sau cuộc thượng đỉnh.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại